MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đối thủ của Xanh SM báo lãi quý II/2024 thấp nhất 9 quý

Đối thủ của Xanh SM báo lãi quý II/2024 thấp nhất 9 quý

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinasun ghi nhận doanh thu đạt gần 532 tỷ đồng và lãi sau thuế xấp xỉ 39 tỷ đồng, giảm lần lượt 15% và 58% so với cùng kỳ.

Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã VNS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 253 tỷ đồng, sụt giảm 16% so cùng kỳ. Giá vốn chiếm 209 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của công ty chỉ đạt gần 44 tỷ đồng, giảm 29% so cùng kỳ, kéo biên lãi gộp về mức 17,3%, giảm so mức 20% của cùng kỳ.

Trong kỳ, doanh thu tài chính của Vinasun cũng giảm mạnh 70% về còn 3,7 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí lãi vay dù giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn ở mức hơn 5 tỷ đồng, chi phí bán hàng đi ngang khoảng 18 tỷ đồng và chi phí bán hàng tăng gần 8% lên 20,5 tỷ đồng.

Dù có khoản doanh thu khác tăng 35,2% và lợi nhuận khác tăng 40,4% lên tương ứng 14,6 tỷ đồng và 13,9 tỷ đồng bù lại nhưng lợi nhuận sau thuế của Vinasun vẫn giảm mạnh 57,8% so cùng kỳ, còn gần 17 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất 9 quý gần đây của hãng taxi truyền thống này.

Theo giải trình của Vinasun, lợi nhuận quý II/2024 của công ty giảm là do doanh thu giảm, bên cạnh đó công ty vẫn tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ thêm cho lái xe và đối tác nên ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Đối thủ của Xanh SM báo lãi quý II/2024 thấp nhất 9 quý- Ảnh 1.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vinasun đạt 532 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 39 tỷ đồng, giảm lần lượt 15% và 58% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Vinasun đã thực hiện được 48% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của cả năm.

Tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Vinasun là 1.599 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi là 392 tỷ đồng, sụt giảm đôi chút so với đầu năm, trong khi các khoản phải thu ngắn hạn giảm 9% xuống 117 tỷ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Vinasun đến cuối quý II/2024 tăng khoảng 2% so với đầu năm lên 494 tỷ đồng do tăng nợ vay và thuê tài chính. Cụ thể, tổng nợ vay và thuê tài chính của công ty tại thời điểm 30/6/2024 là 321 tỷ đồng, tăng gần 11% % so với đầu năm, trong đó vay ngân hàng là 214 tỷ đồng và thuê tài chính 107 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của Vinasun đến cuối tháng 6/2024 giảm hơn 5% còn 1.105 tỷ đồng, trong đó vốn cổ phần là gần 679 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 70 tỷ đồng, quỹ đầu tư và phát triển là 269 tỷ đồng.

Vinasun được biết đến là một trong hai hãng taxi truyền thống từng bá chủ thị trường, đặc biệt là ở khu vực phía Nam với doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng liên tục từ năm 2008 và đạt đỉnh vào năm 2016 nhưng bắt đầu sa sút từ năm 2017, không lâu sau khi Grab thâm nhập thị trường Việt Nam.

Sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của dịch vụ taxi công nghệ sau đó đã khiến thị phần của Vinasun dần bị thu hẹp, kéo theo doanh thu và lợi nhuận giảm sút. Thêm vào đó, "cú bồi" trong hai năm đại dịch đã khiến cho Vinasun tăng trưởng âm 8 quý liên tiếp (từ quý I/2020 đến quý IV/2021) và chỉ mới có lãi trở lại từ quý I/2022.

Đối thủ của Xanh SM báo lãi quý II/2024 thấp nhất 9 quý- Ảnh 2.

Từ cuối năm 2023, Vinasun đã có những thay đổi đáng kể trong cơ cấu ban lãnh đạo cấp cao khi ông Đặng Phước Thành đã từ nhiệm chức vụ Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) sau 23 năm nắm giữ vị trí này. Thay thế ông Thành ngồi ghế Chủ tịch HĐQT của Vinasun là ông Tạ Long Hỷ. Trước đó, ông Hỷ là Tổng Giám đốc kiêm thành viên HĐQT Vinasun.

Cùng với sự thay đổi ghế chủ tịch, vị trí Tổng Giám đốc của Vinasun cũng được giao cho ông Đặng Thành Duy, Phó Tổng Giám đốc công ty đảm nhiệm. Ông Đặng Thành Duy là con trai của ông Đặng Phước Thành.

Sau biến động về lãnh đạo cấp cao, Vinasun cũng đang có sự chuyển hướng mạnh tay đầu tư hơn cho những công nghệ mới. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Vinasun đã trình cổ đông kế hoạch chi 630-650 tỷ đồng để đầu tư 700 xe hybrid của Toyota trong năm nay để chạy taxi giữa bối cảnh taxi công nghệ, taxi điện đang là trào lưu.

Theo kế hoạch của Vinasun, công ty sẽ sử dụng 50% nguồn vốn đến từ các khoản tài trợ của ngân hàng. Nếu thuận lợi, công ty có thể nâng tổng số lượng xe đầu tư lên 1.000 chiếc.

Theo lãnh đạo Vinasun, lượng xe cũ thanh lý sẽ được bán sang Vinasun Green để kinh doanh vận tải taxi tại Đà Nẵng với số lượng tối đa 100 chiếc/năm. Đây là phương án tiêu thụ xe thanh lý được Vinasun đưa ra nhằm mở đường cho lộ trình chuyển đổi sang xe hybrid.

Chia sẻ lý do sử dụng xe hybrid thay vì các mẫu xe thuần điện, lãnh đạo Vinasun cho rằng kế hoạch đầu tư của hãng phù hợp với đặc điểm kinh doanh của chính doanh nghiệp. Theo tính toán, xe hybrid có thể giảm tới 50% nhiên liệu so với xe xăng. Trong khi xe điện tiêu thụ khoảng 800 đồng tiền nhiên liệu/km, xe hybrid mất khoảng 1.100-1.200 đồng/km mà không mất chi phí cơ hội khi sạc điện.

Mỗi ngày, Vinasun cần tập trung các xe để kiểm tra trước khi vận hành. Nhưng hiện nay, không có một trạm sạc nào có thể đáp ứng quy mô 40-50 xe của Vinasun để kiểm tra nếu là xe điện.

Tương tự Vinasun, một doanh nghiệp taxi truyền thống khác là Mai Linh cũng đã hợp tác với Toyota Việt Nam và Công ty Tài chính Toyota trong dự án đầu tư 9.999 xe, kỳ vọng hoàn thành trong vòng 3 năm. Riêng năm 2024, Mai Linh đặt mục tiêu đầu tư 2.224 xe mới, bao gồm 1.000 xe hybrid cho các thị trường lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Theo Hoàng Hà

Thị trường Tài chính Tiền tệ

Trở lên trên