MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dồn dập đón tin vui từ lãi lớn đến chính sách thuế GTGT mới, cổ phiếu phân bón DCM, DPM, BFC… tiếp đà thăng hoa

Chính sách mới sẽ tạo ra một bước ngoặt lịch sử trong tiến trình phát triển của ngành phân bón, tăng cường sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa với phân bón nhập khẩu, từ đó tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành. Tuy nhiên, tác động lên từng doanh nghiệp là không giống nhau do sự khác biệt về sản phẩm và loại hình kinh doanh.

Trong bối cảnh hàng loạt nhóm ngành tiếp tục báo tình hình kinh doanh quý 3 ảm đạm, ngược lại doanh nghiệp phân bón thêm một kỳ tăng trưởng, thậm chí bằng lần. Điều này đã sớm được dự đoán: dù doanh thu không tránh khỏi áp lực Covid-19, song giá khí đầu vào giảm mạnh trước biến động giá dầu thế giới mang lại lợi nhuận lớn cho các đơn vị này.

Thực tế, hiệu ứng tốt từ giá vốn giảm chỉ thể hiện rõ tại một số doanh nghiệp, đặc biệt là Đạm Cà Mau (DCM) và Đạm Phú Mỹ (DPM) - 2 đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sản xuất phân Urê bằng khí đốt với tỷ trọng hơn 20% đầu vào. Cùng với đó, các đơn vị sản xuất phân lân và phân NPK như Lafchemco (LAS), Bình Điền (BFC), Phân bón Miền Nam (SFG)... cũng hưởng lợi gián tiếp, khi mà các doanh nghiệp này đang mua nguyên liệu từ các công ty khác.

Hưởng lợi trực tiếp từ giá khí đầu vào, DCM và DPM báo lãi 9 tháng tăng bằng lần cùng kỳ

Điểm qua chỉ số kinh doanh, Đạm Phú Mỹ (DPM) kết thúc quý 3 với doanh thu thuần 1.955 tỷ đồng chỉ tăng hơn 3% so với cùng kỳ; giá vốn giảm dẫn đến lợi nhuận gộp thu về hơn 433 tỷ đồng, tăng 37,9%. Khấu trừ chi phí, Công ty thu về 182,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao gấp 3 cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, DPM đạt 5.832 tỷ doanh thu, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái và thực hiện được 67% kế hoạch năm. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế đạt 597 tỷ đồng, cao gấp 4 lần và vượt 41,8% chỉ tiêu cả năm 2020.

Tương tự, Đạm Cà Mau (DCM) đạt 2.019 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 36% trong quý 3/2020. Giá vốn giảm đưa lợi nhuận gộp tăng vọt, gấp hơn 2 lần lên 257 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần Công ty đạt 5.295 tỷ đồng, lãi sau thuế 462 tỷ đồng; tăng 50% so với 9 tháng đầu năm ngoái. So với con số kế hoạch đầy thận trọng 52 tỷ đồng, DCM hiện đã vượt xa chỉ tiêu.

Dù chỉ hưởng lợi gián tiếp, Phân bón Bình Điền (BFC) cũng khép lại quý 3/2020 với lợi nhuận gộp tăng 11% lên 234 tỷ đồng, bất chấp doanh thu giảm hơn 9% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp đạt 16,7%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, BFC đạt 3.944 tỷ doanh thu giảm 14%, ngược lại lợi nhuận sau thuế tang mạnh 117% lên hơn 120 tỷ đồng.

Hay Phân bón Miền Nam (SFG), quý 3 năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh khiến doanh thu giảm mạnh 29,5%; dù vậy, giá vốn giảm mạnh đưa lợi nhuận gộp đi ngang cùng kỳ. Tiết kiệm các chi phí khác, SFG có lãi sau thuế hơn 292 triệu đồng, cùng kỳ lỗ hơn 5,5 tỷ. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế Công ty tăng 2 lần lên 1,5 tỷ đồng. Lên kế hoạch cho quý 4/2020, dù dự báo sản lượng giảm, SFG vẫn kỳ vọng doanh thu tăng 124% lên 500 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2 tỷ - tăng cao gấp 18,5 lần cùng kỳ…

Dồn dập đón tin vui từ lãi lớn đến chính sách thuế GTGT mới, cổ phiếu phân bón DCM, DPM, BFC… tiếp đà thăng hoa - Ảnh 1.

Duy nhất Đạm Hà Bắc (DHB), đây là doanh nghiệp vận hành nhà máy thuộc Vinachem sử dụng than làm nguyên liệu chính để sản xuất phân Urê, báo thua lỗ hơn ngàn tỷ sau 9 tháng. Chi tiết, quý 3 doanh thu Công ty thu về 559 tỷ đồng, giá vốn tăng, áp lực chi phí khiến DHB lỗ ròng 385 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, lỗ ròng tăng gấp 2,55 lần cùng kỳ năm ngoái, lên múc 1.077 tỷ đồng.

Giải trình, ban lãnh đạo DHB cho biết do Covid-19, giá dầu thô thế giới giảm mạnh, giá Urê và NH3 vẫn ở mức thấp kéo theo việc giá bán sản phẩm đã giảm 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Cùng với đó, lưu thông sản phẩm gặp nhiều trở ngại, thiếu vốn duy trì hoạt động kinh doanh, không thể cân đối được dòng tiền trả đúng hạn nợ gốc phải chịu lãi phạt... khiến Công ty thua lỗ nặng.

Không phải tất cả các doanh nghiệp đều hưởng lợi từ chính sách mới

Trên thị trường, dù bắt đầu năm 2020 với tâm lý bi quan (thể hiện qua chỉ tiêu dè dặt của hầu hết doanh nghiệp), kỳ vọng hiệu suất cải thiện nhờ giá biến động giá dầu khiến cổ phiếu nhóm phân bón tăng mạnh. Tính đến hiện tại, đà tăng của nhóm này không chỉ xuất phát từ sự lạc quan về chỉ số kinh doanh, mà còn liên quan đến Nghị định mới gỡ nút thắt nhiều năm – thuế giá trị gia tăng (GTGT). Ngoài ra, Hiệp định EVFTA cũng là một triển vọng đi cùng cho ngành về thị trường xuất khẩu.

Liên quan đến thuế GTGT, nhớ lại, trước năm 2015, Luật thuế GTGT số 13/2008 quy định phân bón chịu thuế 5%. Tuy nhiên, muốn hỗ trợ nông dân và giảm giá bán phân bón, Chính phủ đã điều chỉnh phân bón thành mặt hàng không chịu thuế GTGT, áp dụng cho cả phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu.

Hệ quả là, các công ty sản xuất phân bón không được khấu trừ và hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ đầu vào dùng cho sản xuất phân bón mà buộc phải đưa toàn bộ các chi phí này vào chi phí sản xuất, đẩy giá bán phân thành phẩm. Nhiều nông dân đã phải chuyển qua dùng phân bón nhập khẩu giá thấp hơn nhằm giảm gánh nặng chi phí. Điều này vô hình trung làm giảm tính cạnh tranh của phân bón nội địa.

Hiện, chi phí nguyên vật liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn (~50-80% giá thành sản xuất), việc khấu trừ thuế đầu vào theo ước tính sẽ giúp doanh nghiệp tăng biên lợi nhuận gộp lên đến 2-5%, tương ứng lợi nhuận cải thiện hàng trăm tỷ đồng. Xét trên quy mô toàn ngành, phân bón nội địa cũng sẽ gia tăng sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Như vậy, chính sách mới sẽ tạo ra một bước ngoặt lịch sử trong tiến trình phát triển của ngành phân bón, tăng cường sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa với phân bón nhập khẩu, từ đó tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành. Tuy nhiên, tác động lên từng doanh nghiệp là không giống nhau do sự khác biệt về sản phẩm và loại hình kinh doanh.

Dồn dập đón tin vui từ lãi lớn đến chính sách thuế GTGT mới, cổ phiếu phân bón DCM, DPM, BFC… tiếp đà thăng hoa - Ảnh 2.

Báo cáo phân tích gần đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ghi nhận, doanh nghiệp sản xuất phân ure (DPM, DCM, DHB và Đạm Ninh Bình) sẽ hưởng lợi nhiều nhất do đầu vào của các doanh nghiệp này là khí tự nhiên hoặc than đá chịu thuế 10%. Các doanh nghiệp sản xuất phân lân đơn/DAP (VAF, NFC và DDV) là nhóm hưởng lợi thứ hai do đầu vào của các doanh nghiệp này chủ yếu sử dụng quặng apatit chịu thuế 5%, bên cạnh than đá chịu thuế 10%.

Ngược lại, doanh nghiệp sản xuất phân NPK từ phân đơn (BFC và SFG) và các doanh nghiệp thương mại không hưởng lợi do đầu vào là phân thành phẩm không chịu thuế VAT tương tự như đầu ra. Khi chính sách mới có hiệu lực, thuế áp lên cả đầu vào và đầu ra cũng như nhau ở mức 5%.

Riêng LAS là một ngoại lệ với khả năng tự sản xuất phân lân làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất NPK. VDSC cho rằng LAS sẽ hưởng lợi từ quy định mới tương tự nhóm doanh nghiệp phân lân.

Dồn dập đón tin vui từ lãi lớn đến chính sách thuế GTGT mới, cổ phiếu phân bón DCM, DPM, BFC… tiếp đà thăng hoa - Ảnh 3.

Mặt khác, dựa trên dữ liệu về doanh thu nội địa và chi phí sản xuất năm 2019, trong cả hai kịch bản, DPM, DCM, DHB và VAF là các doanh nghiệp hưởng lợi rõ ràng nhất. VAF mặc dù là doanh nghiệp sản xuất phân lân nhưng có than chiếm gần 60% chi phí nguyên vật liệu (NFC: 35%) nên có mức thuế đầu vào trung bình 8% (NFC: 5%).  Các doanh nghiệp này có thể lựa chọn giữa nhiều chính sách giá bán mà không lo ngại lợi nhuận bị tác động mạnh.

Ngược lại, NFC, LAS lại cho thấy thiệt hại theo kịch bản (1), hàm ý rằng các công ty này có ít dư địa lợi nhuận để có thể cạnh tranh về giá bán với phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước của nhóm các doanh nghiệp lớn nêu trên.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên