MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dồn dập sóng M&A (*): Chặn nguy cơ thâu tóm

Cần có biện pháp để kiểm soát dòng vốn ngoại hoặc vốn nước ngoài núp bóng nhà đầu tư thôn tính trong những lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm hoặc mất thương hiệu lớn.

Ngoài xu hướng mua bán - sáp nhập (M&A) giữa các doanh nghiệp (DN) trong nước, thị trường còn chứng kiến làn sóng thâu tóm của DN ngoại. Nguy cơ lớn đến mức Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nêu ra đề xuất tạm dừng M&A trong giai đoạn dịch bệnh nhằm bảo vệ DN Việt, thương hiệu Việt.

Lo mất thương hiệu

Mới đây, Tập đoàn Stark Corporation (Thái Lan) đã hoàn tất mua 100% cổ phần của Công ty CP Cáp điện Thịnh Phát (Thipha Cables) và Công ty CP Kim loại màu và nhựa đồng Việt Nam (Dovina - do các cổ đông của ThiPha Cable thành lập) với giá 240 triệu USD. Cũng đến từ Thái Lan, HĐQT Công ty Super Energy Corporation Company Limited đã gửi thư tới Ủy ban Chứng khoán nước này thông báo quyết định chi 456,7 triệu USD đầu tư vào 4 dự án nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam, gồm Lộc Ninh 1, Lộc Ninh 2, Lộc Ninh 3 và Lộc Ninh 4 đều thuộc tỉnh Bình Phước.

Gần đây nhất, nhóm cổ đông nước ngoài Kustocem Pte. Ltd. (Kusto) đang nắm 18,23% cổ phần Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã CK: CTD), lấy cớ giá cổ phiếu CTD trên sàn giảm mạnh và thiếu minh bạch về kế toán của DN để liên kết với cổ đông lớn khác yêu cầu triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường nhằm mục đích thay lãnh đạo chủ chốt của Coteccons.

Dồn dập sóng M&A (*): Chặn nguy cơ thâu tóm - Ảnh 1.

Bất động sản là một lĩnh vực mà các chuyên gia kiến nghị cần kiểm soát trước làn sóng M&A đang gia tăng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Nguyễn Sỹ Công, Tổng Giám đốc Coteccons, cho rằng động thái này của cổ đông lớn nước ngoài không ngoài mục đích thâu tóm Coteccons, nhà thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam. Bởi, từ khi trở thành cổ đông lớn của Coteccons từ năm 2012 đến nay, Kusto chưa có đóng góp trực tiếp nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Thậm chí, một số thành viên đại diện cho Kusto ở HĐQT Cocteccons rất ít khi tham dự cuộc họp HĐQT mà ủy quyền cho những cá nhân tại Việt Nam. Ngoài ra, nhóm Kusto còn lợi dụng ưu thế cổ đông lớn nhiều lần phủ quyết những nghị quyết đại hội cổ đông thông qua. "Chúng tôi đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có những hành động cần thiết để bảo vệ thương hiệu Coteccons - thương hiệu của người Việt Nam cũng như quyền lợi của tất cả cổ đông, công ăn việc làm của hơn 30.000 người lao động và gia đình họ" - ông Công nhấn mạnh.

Đề nghị của ông Nguyễn Sỹ Công không phải không có lý do bởi trước đó, Kusto từng yêu cầu Coteccons tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào giữa tháng 10-2019 nhằm bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương và Tổng Giám đốc Nguyễn Sỹ Công. Tuy nhiên, lãnh đạo Coteccons khẳng định những yêu cầu và cáo buộc vô căn cứ của Kusto đã và đang gây tác động tiêu cực đến các cổ đông khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu CTD cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh Coteccons.

Đây được xem là một phản ứng khá mạnh của DN Việt Nam đứng trước nguy cơ bị cổ đông ngoại thâu tóm. Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong một báo cáo về tác động của Covid-19 đã dự báo xu hướng M&A sẽ tăng mạnh hơn, đồng thời cảnh báo nguy cơ DN bị thâu tóm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng kịp thời có ý kiến yêu cầu các đơn vị liên quan phải hạn chế, kiểm soát việc bán DN để tránh bị thâu tóm và hỗ trợ DN kịp thời.

Bảo vệ lĩnh vực nhạy cảm

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhìn nhận xu hướng dịch chuyển dòng vốn trên thế giới dưới tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 khiến Trung Quốc không còn là thị trường được ưa chuộng của các nhà đầu tư nữa. Từ đó, không loại trừ khả năng một số nhà đầu tư sẽ tìm địa chỉ đầu tư mới ngoài Trung Quốc, trong đó Việt Nam có thể là một điểm đến thuận lợi, kéo theo làn sóng bơm vốn vào M&A. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng nguồn vốn M&A đến từ chính Trung Quốc thông qua làn sóng thải loại công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường… của nước này.

"Thế giới ngày càng đặt ra nhiều yêu cầu kỹ thuật, thương mại khắt khe, tiêu chuẩn cao để tự bảo vệ mình trước xu hướng mở cửa ngày càng phổ biến. Do vậy, hàng hóa của Trung Quốc cũng phải nâng cao chất lượng để đáp ứng tiêu chí của đối tác thương mại. Cũng vì thế, quốc gia này có nhu cầu rất lớn trong việc thải loại công nghệ cũ. Tìm đến một thị trường khác để đầu tư, góp vốn, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, rồi từng bước đưa công nghệ cũ sang... có thể là con đường mà quốc gia này tính tới" - ông Vũ Tiến Lộc cảnh báo.

Chủ tịch VCCI lưu ý trong chiến lược thu hút vốn nước ngoài, không riêng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) mà cả trong lĩnh vực M&A, cần có bộ lọc hiệu quả để loại những dòng vốn kém chất lượng, lợi dụng góp vốn, mua cổ phần, giành quyền quản lý rồi chuyển công nghệ cũ; thay vào đó phải đòi hỏi nhà đầu tư chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường, năng suất cao… "Không gian kinh tế của một quốc gia là hữu hạn, nếu đã hấp thụ dòng vốn xấu sẽ làm giảm bớt dư địa cho vốn tốt. Bởi vậy, ở những lĩnh vực cốt lõi, nhạy cảm, ví dụ như đất đai, cần hết sức cẩn trọng với vốn ngoại hoặc vốn ngoại núp bóng nhà đầu tư trong nước" - ông Vũ Tiến Lộc nói thêm.

Đưa ra góc nhìn khác, ông Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành Công ty Luật ASL Law, cho rằng nhà nước chỉ nên can thiệp vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để tránh tác động đến an ninh kinh tế; còn với những dự án kinh tế thông thường nên rộng cửa đón nhận nguồn vốn góp, chuyển nhượng từ nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bởi vì, nếu áp đặt biện pháp kiểm soát quá chặt chẽ, có thể ảnh hưởng đến mặt bằng đầu tư lâu dài. "Nhà nước hỗ trợ gì cho những DN thiếu vốn, đuối sức trong bối cảnh đại dịch? Đây là câu hỏi cần trả lời, thay vì chỉ cảnh báo cẩn trọng với làn sóng thâu tóm qua M&A mà không hỗ trợ gì" - ông Khương góp ý.

Về phía DN, ông Phạm Duy Khương lưu ý khi muốn kêu gọi góp vốn hoặc tìm nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ thị trường để định giá đúng DN mình, tránh bị ép giá hoặc để DN rơi vào tay nhà đầu tư không đủ tầm, gây mất thương hiệu.

Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho hay các tổ chức, nhà đầu tư quốc tế đang rất quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam, có cả những nhà đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà đầu tư Trung Quốc thường đặt trụ sở ở Singapore hay Hồng Kông... để ít bị nghi ngờ và thuận lợi trong giao dịch.

M&A về bất động sản rất chậm

Cũng theo giám đốc quỹ đầu tư nói trên, các lĩnh vực được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và giao dịch thuận lợi thường là bán lẻ, điện các loại... vì thủ tục pháp lý rõ ràng, minh bạch. Lĩnh vực bất động sản cũng có nhu cầu M&A rất cao nhưng giao dịch lại không dễ và nhanh được. Nguyên nhân vì pháp lý cũng như các thủ tục liên quan đến M&A bất động sản rất tốn thời gian, chi phí.

Theo Phương Nhung - Sơn Nhung

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên