Dồn lực giải ngân đầu tư công
Theo ba kịch bản tăng trưởng kinh tế vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố: điểm nhấn chung các dự báo đưa ra đều cho thấy, Việt Nam khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% Quốc hội và Chính phủ đề ra trước đó. Trước sức hấp thụ vốn yếu của nền kinh tế, ý kiến chung của bộ, ngành; chuyên gia đều nhất quán: Cần tăng tốc giải ngân đầu tư công!
- 10-07-2023Chủ tịch Cần Thơ phải trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 buổi/tháng
- 10-07-2023Diện mạo tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam
- 10-07-2023Kiến nghị duy trì đường bay Hà Nội - Cà Mau - Hà Nội
Phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt 95%
Trong bối cảnh các “trụ cột” tăng trưởng đều suy giảm, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, đầu tư công được kỳ vọng trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2023. Điểm đáng mừng là những ngày gần đây, tiến độ giải ngân đầu tư công có dấu hiệu khởi sắc.
Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho biết, nếu như 3 tháng đầu năm, đầu tư công còn khá chậm, thì bước sang quý 2, tỷ lệ giải ngân đã thực sự tăng tốc. Sáu tháng đầu năm, mặc dù giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 33% kế hoạch, nhưng tăng 20,5% so với 6 tháng đầu năm 2022. Khối lượng đầu tư công thực hiện trong 6 tháng đầu năm đạt trên 232.200 tỷ đồng. Nhiều dự án trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đã cơ bản hoàn thành thủ tục, đến thời điểm này tập trung triển khai thực hiện. Nhiều dự án khác trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã xong về thủ tục, quy trình, tạo thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công trong năm nay.
Năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân đầu tư công đạt ít nhất 95%. Để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ đầu tư công, bà Nga cho rằng, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương nào bám sát, đánh giá đúng tình hình, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, chủ động, linh hoạt trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án, chuẩn bị tốt mặt bằng sạch cho thi công. Kinh nghiệm cho thấy, ở đâu lãnh đạo trực tiếp phụ trách từng nhóm dự án cụ thể, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, thì ở đó, đầu tư công được đẩy mạnh.
“Nhà nước cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án đầu tư công và ở các lĩnh vực liên quan đến đầu tư như đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản. Không để một khâu chậm ảnh hưởng đến toàn bộ dự án, hiệu quả đầu tư, làm giảm động lực tăng trưởng”, bà Nga nhấn mạnh
Trong 6 tháng cuối năm, theo kế hoạch, còn khoảng 495 nghìn tỷ đồng đầu tư công sẽ được giải ngân. TS Cấn Văn Lực tính toán, nếu giải ngân được 95% tổng vốn như chỉ đạo của Thủ tướng, đầu tư Nhà nước có thể tăng 30%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,2% và đóng góp 2% vào tăng trưởng GDP năm 2023.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica cũng cho rằng, đầu tư công đã có tín hiệu khởi sắc. “Tuy nhiên, không nên kỳ vọng chi tiêu Chính phủ duy trì ở mức cao, đột biến như năm 2023, chiếm tỷ lệ cao trong tổng cầu. Nếu chi tiêu kéo dài, có thể dẫn đến rủi ro nợ công, chen lấn vào đầu tư tư nhân”, ông Bình nhận định.
Ba kịch bản tăng trưởng
Ngày 10/7, CIEM công bố 3 dự báo kinh tế năm nay. Tựu trung, ba kịch bản với điểm nhấn đều cho thấy: Việt Nam khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%.
Ở kịch bản cao nhất, kinh tế được dự báo tăng trưởng 6,46%. Hai kịch bản còn lại lần lượt là 5,72% và 5,34%. CIEM cho rằng, bối cảnh khó khăn trong các tháng đầu năm có thể là sức ép tích cực để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn trong điều hành và cải cách thời gian tới. Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM nhận định, một trong những yếu tố ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng cuối năm là tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 2023 là năm cuối cùng của chương trình (nếu không có gia hạn). Chương trình sẽ phụ thuộc đáng kể vào hiệu quả các nhiệm vụ về cải cách thể chế kinh tế, nhằm sớm tạo không gian mới cho phục hồi tăng trưởng, chứ không chỉ là việc nới lỏng tiền tệ và tài khóa.
Các bộ, cơ quan, địa phương phải kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, trì trệ, thiếu trách nhiệm và không đáp ứng yêu cầu công việc.
Tiền Phong