Donald Trump: Mình in được tiền mà, làm sao vỡ nợ được?
Cách đây vài tuần, ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tự tin tuyên bố có thể dứt điểm các khoản nợ của nước Mỹ chỉ trong vòng 8 năm, một nhiệm vụ bất khả thi mà không ai có thể làm được.
- 14-06-2016Thế giới Arab hầu như không ủng hộ ông Donald Trump
- 13-06-2016Donald Trump: "Obama nên từ chức ngay lập tức"
- 12-06-2016Tỷ lệ ủng hộ giảm, Donald Trump “dịu giọng”
Tuy nhiên, với một đại gia giàu kinh nghiệm trong việc tạo ra các DN khống và bất động sản, Trump có cách riêng của mình. Chỉ có điều nếu làm theo cách này, nền kinh tế sẽ chìm sâu vào khủng hoảng, và danh tiếng hùng cường của nước Mỹ cũng trở thành... tai tiếng.
“Tôi sẽ tiếp tục vay tiền, đến khi nền kinh tế sụp đổ, chúng ta sẽ bắt tay vào thương lượng”, Trump trả lời CNBC.
Có thể Trump đang nói đùa, có thể ông thật sự nghĩ vậy. Nhưng dù thế nào, đây là kế hoạch bất khả thi. Trái phiếu Mỹ được xem là một trong những nơi cất tài sản an toàn nhất thế giới (nếu không muốn nói là nó có mức độ an toàn số 1). Nếu làm theo cách của ông Trump, không thể hiểu nền kinh tế Mỹ sẽ bị tổn hại đến mức nào.
“Ông Trump chẳng hiểu mình đang nói gì”, Michael Strain, một chuyên gia kinh tế người Mỹ nhận định. “Những điều ông ta nói cũng giống như việc nước Mỹ có thể xây một bức tường và bắt Mexico trả tiền”.
Dưới đây là những gì Trump phát biểu để làm rõ ý tưởng 'ngớ ngẩn' của mình.
Đó là nước Mỹ sẽ trả cho các chủ nợ bất cứ thứ gì ít hơn toàn bộ số tiền mình đang nợ. Hiểu đơn giản, nước Mỹ sẽ mua lại các khoản nợ trái phiếu từ các chủ nợ như Trung Quốc hay Nhật Bản với giá rẻ hơn.
Đây rõ ràng là ý tưởng ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin vào tín dụng và tài chính của nước Mỹ.
“Tất cả sẽ hiểu rằng nước Mỹ đã vỡ nợ”, Maya MacGuineas, chủ tịch Ủy ban Ngân sách Liên bang nói.
Rõ ràng là một tư tưởng “bậy bạ” với một cường quốc như Hoa Kỳ. Thế là vào thứ hai vừa qua, ông Trump đã phải trả lời CNN rằng, ông đã bị hiểu nhầm. Nhưng cách ông trả lời cũng thật khôi hài.
“Nước Mỹ không bao giờ lo vỡ nợ, bởi vì chúng ta có thể in được tiền”, ông trả lời CNN.
Trump cho biết, điều ông thực sự muốn đó là Chính phủ sẽ tìm cách mua lại trái phiếu của mình với giá rẻ hơn. Đây là cách làm rât phổ biến với các công ty phát hành “trái phiếu rác”.
Tuy nhiên, với nước Mỹ, đây đúng là một chiến lược thảm họa.
Đầu tiên, các doanh nghiệp thường mua lại nợ của mình khi họ đang gặp rắc rối. Nó được xem như tín hiệu “báo động đỏ”. Các nhà đầu tư sẽ phải chấp nhận thu về ít tiền hơn hoặc là mất tất cả. Nếu nước Mỹ cũng phải làm như vậy, nó đồng nghĩa với tình trạng kinh tế đất nước đang trong cơn khủng hoảng.
Thứ hai, đây sẽ là tín hiệu cảnh báo nhà đầu tư Mỹ và toàn thế giới về rủi ro kinh tế. Kho bạc lại chơi chiêu trên thị trường trái phiếu. Điều này sẽ gây mất uy tín trầm trọng, và đẩy lãi vay tại Mỹ lên cao trong nhiều năm vì nhà đầu tư sẽ đòi lãi suất cao hơn nhằm phòng tránh rủi ro. Một số cường quốc thậm chí có thể trả đũa thông qua cấm vận thương mại hoặc các chiến lược kinh tế nguy hiểm khác.
Thứ ba, nếu ông Trump mua lại trái phiếu với giá rẻ hơn, nó không chỉ tổn hại đến các chủ nợ lớn của Mỹ như Trung Quốc hay Nhật Bản. Hành động này cũng sẽ làm tổn hại đến hàng triệu người Mỹ đang nắm giữ trái phiếu nước này thông qua các khoản hưu trí và tiết kiệm.
Thứ tư, quan trọng hơn, đó là Chính phủ liên bang làm gì có tiền để mua lại nợ. Chính phủ hiện đã nợ tới 19 nghìn tỉ USD. Như vậy, kế hoạch của Trump đó là Kho bạc sẽ phải vay các khoản nợ mới để mua lại nợ cũ.
Khả dĩ hơn, Cục dự trữ Liên bang FED (ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ) sẽ phải mua lại khỏa nợ. Điều này sẽ gây ra lạm phát (hoặc siêu lạm phát), giá cả các loại thực phẩm và hàng hóa sẽ tăng phi mã.
Và tại nước Mỹ, chính phủ không kiểm soát FED, vì vậy chúng ta không thể chắc chắn rằng ông Trump có thể thuyết phục được FED làm theo kế hoạch này.
“Sự liều lĩnh của ông Trump không hề có giới hạn”, Greg Valliere, 1 chuyên gia tài chính nhận định.
Khỏi phải nói, phố Wall không thể đồng tình với kế hoạch ngớ ngẩn và đầy mạo hiểm này. Các chuyên gia cho rằng, nếu kế hoạch của ông Trump được thực thi, thảm họa cho nền kinh tế Mỹ còn lớn hơn cả cuộc Đại Suy Thoái mang lại.
Trí thức trẻ/CafeBiz