Đồng bằng sông Cửu Long đứng trước 3 vòng xoáy, 11 thách thức
Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2022 được VCCI Cần Thơ công bố ngày 1/8 chỉ ra, ĐBSCL đang đứng trước thử thách của 3 “vòng xoáy” đi xuống và 11 thách thức lớn nằm ở ba phương diện kinh tế, xã hội và môi trường.
- 27-07-2022Đề xuất chi hơn 7.150 tỷ đồng nâng cấp 3 tuyến quốc lộ Đồng bằng sông Cửu Long
- 16-07-2022Thu hút FDI vào Đồng bằng sông Cửu Long kỳ vọng khởi sắc
- 12-07-2022Vì sao doanh nghiệp logistics chưa mặn mà với vùng Đồng bằng sông Cửu Long?
Theo đó, 3 vòng xoáy bao gồm “Vòng xoáy ngân sách” - phản ảnh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng ở ĐBSCL. “Vòng xoáy lao động” xuất phát từ tình trạng thiếu cơ hội việc làm nên lao động trẻ di cư từ ĐBSCL đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Đông Nam Bộ.
“Vòng xoáy cơ cấu kinh tế” là căn nguyên của hai vòng xoáy trên. Với sứ mệnh “an ninh lương thực”, ĐBSCL phải ưu tiên thâm canh, tăng vụ lúa. Mặc dù chính sách này đã giúp Việt Nam xóa đói và trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu, nhưng lại không giúp ĐBSCL trở nên thịnh vượng. Không những thế, chính sách này còn kìm giữ ĐBSCL trong các hoạt động nông nghiệp có năng suất và giá trị gia tăng thấp, cấu trúc chậm chuyển đổi, và hệ quả là tụt hậu về kinh tế…
Ba vòng xoáy đi xuống của ĐBSCL và những đề xuất để đảo ngược tình hình.
Trọng tâm nghiên cứu của Báo cáo năm nay cũng nêu bật 3 tiêu điểm được phân tích chuyên sâu gồm: Chuyển đổi nông nghiệp (Tiêu điểm 1); Hạ tầng giao thông và logistics (Tiêu điểm 2) và Tác động của Quy hoạch tích hợp lên 3 lĩnh vực chuyển đổi nông nghiệp, giao thông, logistics và phát triển năng lượng (Tiêu điểm 3).
Trong đó, ở Tiêu điểm 1 (Chuyển đổi nông nghiệp), Báo cáo chỉ ra, ĐBSCL phải đối diện 11 thách thức lớn nằm ở ba phương diện: kinh tế, xã hội và môi trường.
Về kinh tế, thách thức đầu tiên là ĐBSCL được giao sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, chính sách kiên quyết giữ đất lúa đã giúp Việt Nam xóa đói và trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu, nhưng lại không giúp Việt Nam trở nên thịnh vượng.
Thứ hai, là nền nông nghiệp của ĐBSCL chậm hiện đại hoá, nền nông nghiệp vẫn dựa chủ yếu vào kinh tế nông hộ với diện tích đất canh tác nhỏ và manh mún, là rào cản quan trọng cho việc chuyển trọng tâm từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Nguồn lực đất đai chưa được phân bổ một cách hiệu quả, trong đó khoảng một nửa diện tích vẫn độc canh cây lúa.
Thứ ba, vốn đầu tư hạn chế. Tỷ trọng vốn đầu tư của ĐBSCL thấp hơn nhiều so với tỷ trọng đóng góp về GDP hay dân số, thu và chi ngân sách nhà nước trên đầu người của ĐBSCL cũng thấp hơn so với mức bình quân cả nước. Những thách thức này làm tốc độ tăng trưởng GRDP của ĐBSCL thấp, chỉ đạt 5,31%/năm trong giai đoạn 2016-2020, thấp nhất trong 4 vùng kinh tế trọng điểm. Hệ quả là ĐBSCL mặc dù giàu có về tài nguyên, phong phú về tiềm năng nhưng tiếp tục tụt hậu về mặt kinh tế.
Về phương diện xã hội, thách thức đầu tiên là thiếu việc làm ở nông thôn. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động của ĐBSCL năm 2020 là 3,47%, cao thứ hai toàn quốc, chỉ sau Tây Nguyên; tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn ĐBSCL cao gấp đôi so với khu vực thành thị (3,97% so với 1,87%).
Thứ hai là tình trạng di cư, sự chênh lệch về mức sống và cơ hội việc làm dẫn đến luồng di cư từ ĐBSCL lên các đô thị và khu công nghiệp ở vùng TPHCM. Thứ ba là tình trạng nghèo, thu nhập bình quân đầu người của ĐBSCL trong năm 2019 là 3,9 triệu đồng/tháng, thấp hơn mức 4,2 triệu đồng/tháng của cả nước. Thứ tư là vốn tri thức và kỹ năng của lao động còn thấp...
Theo TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, muốn đảo ngược vòng xoáy đi xuống thành vòng xoáy đi lên, cần chọn các mắt xích quan trọng để phá vỡ, khi đó các mắt xích đi xuống mới chuyển đi lên được. |
Về phương diện môi trường, thách thức đầu tiên là các tác động từ thượng nguồn sông Mekong. Các công trình thủy điện thượng nguồn làm giảm đáng kể lượng phù sa và cát do bị các hồ chứa giữ lại. Hệ quả là gây ra sạt lở bờ sông và làm đất bạc màu, nước mặn từ biển tràn vào làm hơn một nửa diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn.
Thứ hai là suy giảm nguồn nước, hệ thống thủy điện sông Mekong đã tác động đến đến dòng chảy, làm giảm đáng kể mực nước sông Mekong, đồng thời gây đảo lộn hệ sinh thái ven sông vùng hạ lưu.
Thứ ba là chất lượng đất trồng suy giảm, ở khu vực thượng nguồn (Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên), hệ thống đê bao và các tuyến kênh thoát lũ ra biển Tây đã ngăn không cho nước lũ vào sâu trong nội đồng và khiến đất đai ngày càng suy kiệt. Tất cả những điều này làm giảm chất lượng đất canh tác và kết quả cho thấy khoảng 30% số hộ nông nghiệp vùng ĐBSCL có đất trồng trọt bị thoái hóa.
Thách thức môi trường thứ tư là biến đổi khí hậu, giai đoạn 2030-2040 dự báo nhiệt độ cao nhất trung bình trong mùa khô sẽ tăng, lượng mưa đầu vụ Hè Thu sẽ giảm, mùa mưa sẽ bắt đầu trễ hơn, diện tích ngập do lũ sẽ tăng, áp thấp nhiệt đới và bão có xu hướng gia tăng… Những tác động này ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp, khiến cuộc sống và sinh kế của nông dân vùng ĐBSCL vốn đã khó khăn còn trở nên bấp bênh hơn.
Tiền phong