Đồng Euro rơi 8 tuần liên tiếp: Chuyện gì đang xảy ra?
Giá dầu thô Brent vượt ngưỡng 90 USD/thùng đang tạo nên ảnh hưởng cực kỳ phức tạp và lan rộng với nền kinh tế Châu Âu. Trớ trêu hơn, những tín hiệu tích cực của thị trường Mỹ càng khiến nhà đầu tư bỏ đồng Euro để chạy sang đồng USD.
- 03-08-2023Đồng Ruble tiếp tục trượt giá so với đồng Euro
- 29-07-2023Tương lai đồng Euro bị nghi ngờ khi triển vọng lãi suất của ECB còn bấp bênh
- 26-07-2023Đức chi 20 tỷ Euro cho ngành công nghiệp chip
Tờ Financial Times (FT) cho hay đồng Euro của Châu Âu đã có 8 tuần liên tiếp giảm giá so với đồng USD trong bối cảnh nhà đầu tư đặt cược vào nền kinh tế Mỹ đang tăng tốc, còn Liên minh Châu Âu (EU) thì phải đối mặt với ngày càng nhiều thách thức.
Theo đó, đồng Euro đã mất giá hơn 5% kể từ giữa tháng 7/2023, ở mức 1,07 Euro đổi 1 USD. Sự lo lắng của nhà đầu tư về việc Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) liệu có thể tiếp tục nâng lãi suất nhằm đối phó lạm phát hay không trong bối cảnh đối mặt rủi ro suy giảm kinh tế đã khiến giá đồng Euro chịu ảnh hưởng mạnh.
Việc nâng lãi suất tại Châu Âu có thể góp phần chống lạm phát khi các ngân hàng hút tiền trên thị trường về, tuy nhiên điều này cũng khiến chi phí vay vốn đi lên, làm giảm đầu tư và siết chặt nguồn vốn của các doanh nghiệp, qua đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Đã khó khăn còn gặp xui
Động thái nâng lãi suất sẽ giúp đồng Euro tăng giá, nhưng với nhiều dấu hiệu bất ổn của nền kinh tế hiện nay thì các nhà đầu tư lo lắng ECB sẽ có động thái trái ngược dự đoán của thị trường.
Cụ thể, ngành công nghiệp của Đức, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu và cũng là động lực tăng trưởng của khu vực, đã suy giảm tháng thứ 3 liên tiếp tính đến tháng 7/2023.
Đây là thông tin trái ngược hoàn toàn với tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn nhiều so với dự báo tại Mỹ, qua đó cho thấy thị trường lao động cũng như nền kinh tế số 1 thế giới đang hồi phục nhanh chóng.
Cũng chính vì dấu hiệu hồi phục này mà nhiều nhà đầu tư dự đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục giữ chính sách lãi suất cao lâu dài hơn nữa, qua đó thúc đẩy đà tăng giá của đồng USD.
“Số liệu của nền kinh tế Mỹ khá khả quan và được công bố đúng vào thời điểm ngành sản xuất của Châu Âu đang gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy có rất nhiều đồn đoán về việc ECB liệu sẽ có đợt nâng lãi suất mạnh hay không”, giám đốc chiến lược tài chính Chris Turner của ING nhận định.
Những dự báo trên thị trường phái sinh cho thấy 35% khả năng ECB sẽ nâng lãi suất từ 3.75% lên 4% vào cuộc họp ngày 14/9 tới đây. Tuy nhiên tỷ lệ này đã ngày càng hạ xuống trước những thông tin xấu về nền kinh tế.
Báo cáo chính thức của khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) trong quý II/2023 đã hạ dự báo tăng trưởng từ 0,3% xuống 0,1%. Nhiều cuộc khảo sát trong tháng 8 thì cho thấy nền kinh tế khu vực sẽ tiếp tục giảm tốc trong thời gian tới.
“Tình hình kinh tế hiện tại không thực sự khả quan và điều này có thể dẫn đến rủi ro giảm phát chứ chẳng phải lạm phát”, Cựu chuyên gia Dirk Schumacher của ECB, hiện đang làm cho ngân hàng Natixis đánh giá.
Theo ông Schumacher, ECB có thể sẽ chưa nâng lãi suất vội mà chỉ đưa ra các cảnh báo cứng rắn về chính sách thắt chặt tiền tệ để cố gắng kiềm chế lạm phát.
Trớ trêu thay sự lo lắng của nhà đầu tư về việc ECB không thể tiếp tục nâng lãi suất càng khiến đồng Euro giảm giá, qua đó tiếp tục thúc đẩy lạm phát đi lên, tạo thành một vòng luẩn quẩn.
Xin được nhắc là đồng Euro yếu sẽ khiến giá thành nhập khẩu các mặt hàng nhu yếu phẩm như năng lượng, lương thực của Châu Âu tăng mạnh, qua đó càng làm giá cả thị trường đi lên.
Tồi tệ hơn, cuộc xung đột Ukraine cùng việc Ả Rập Saudi quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ thêm nữa càng khiến giá năng lượng tăng cao, gây áp lực lớn lên lạm phát ở Châu Âu.
Giá dầu thô Brent đã tăng vượt ngưỡng 90 USD/thùng trong tuần trước, mức cao nhất từ tháng 11/2022.
Áp lực kép
Theo FT, Eurozone đang nằm ở ngã 3 đường khi áp lực lạm phát khiến ECB muốn nâng lãi suất, nhưng những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang chịu tổn thương khiến quyết định này gặp cản trở.
Thậm chí nhiều nhà đầu tư cho rằng ECB sẽ rất khó để nâng lãi suất thêm nữa dù muốn đưa tỷ lệ lạm phát xuống mức lý tưởng 2%.
Hiện tỷ lệ lạm phát cơ bản (Core Inflation- không tính biến động giá năng lượng và lương thực) của Châu Âu đang ở mức 5,3%, cao hơn rất nhiều mức mục tiêu 2%.
“Việc nâng lãi suất tiếp thực tế có thể gây phản tác dụng bởi nếu suy thoái kinh tế diễn ra, Châu Âu sẽ phải đảo ngược chính sách, giảm lãi suất mạnh hơn để bình ổn thị trường. Đây là một rủi ro cực kỳ lớn và ECB không muốn tự đưa mình vào cái bẫy này”, chuyên gia kinh tế trưởng của T Rowe Price chi nhánh Châu Âu nói.
Thậm chí tờ FT còn cho biết nhiều nhà đầu tư đánh giá Châu Âu đang rơi vào cái bẫy “Lạm phát kèm suy thoái” (Stagflation), nghĩa là lạm phát cao nhưng lại khó nâng lãi suất vì đối mặt rủi ro suy thoái.
“Với tỷ lệ lạm phát của Eurozone vẫn cao hơn mức mục tiêu còn tăng trưởng thì giảm sút, rõ ràng theo lý thuyết, khu vực này đang rơi vào cảnh lạm phát kèm suy thoái”, giám đốc chiến lược vĩ mô Michael Metcalfe của State Street Global Markets nhận định.
Trái ngược lại theo FT, các nhà đầu tư hiện nay đang đổ sang đồng USD khi nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ vững chính sách thắt chặt tiền tệ trong thời gian tới và không gặp nhiều thách thức như ở Châu Âu.
*Nguồn: FT
Nhịp sống thị trường