Dòng họ Xây lắp dầu khí sau thời kỳ Trịnh Xuân Thanh: Giá cổ phiếu rẻ hơn rau
Cùng với công ty mẹ, hàng chục công ty thành viên của PVC cũng trải qua quá trình thua lỗ triền miên. Với những công ty giao dịch trên sàn chứng khoán, cổ phiếu hầu hết ở mức giá rẻ hơn cả một mớ rau.
- 17-07-2016Quá khứ huy hoàng và tương lai khó đoán của PVX
- 13-06-2016Từng bỏ lỡ cơ hội vàng, PVX sẽ thoái vốn thế nào thời gian tới?
- 28-04-2016ĐHCĐ Xây lắp Dầu khí (PVX): 3.200 tỷ đang bị "đóng băng"
Tuần trước, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã kết luận ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang là người chịu trách nhiệm chính về các khoản lỗ khổng lồ của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC, mã: PVX).
Với tuyên bố này, cái tên Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí một lần nữa “nóng” trở lại sau những tháng ngày bị bỏ quên vì cổ phiếu mãi ngoi ngóp không qua nổi giá cốc nước chè.
Cổ phiếu PVX giờ đang có mức giá 2.200 đồng. Nhưng không chỉ công ty mẹ, các cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc “dòng họ” PVX cũng có số phận tương tự.
Năm 2009, sau khi lên sàn, PVC liên tục tăng vốn lên 2.500 tỷ vào năm 2010 và 4.000 tỷ vào đầu năm 2012 rồi rót vài nghìn tỷ đồng đầu tư góp vốn vào gần 40 công ty thành viên lớn nhỏ cùng hàng nghìn tỷ đồng khác bảo lãnh cho các công ty này.
Cùng với công ty mẹ, hàng chục công ty thành viên của PVC cũng trải qua quá trình thua lỗ triền miên. Không ít công ty thành viên vẫn lỗ lớn đến tận ngày nay với mức lỗ lũy kế lên đến cả trăm tỷ.
Theo báo cáo tài chính, tính đến cuối năm 2015, PVC đang có 9 công ty con và 14 công ty liên kết. Đây là kết quả sau khi Tổng công ty này đã tích cực thoái vốn khỏi một số công ty con, công ty liên kết như FCM, PVL, PVV… từ năm 2014 đến nay.
Nửa đầu năm 2016, dù vẫn miệt mài rao bán nhưng hoạt động thoái vốn của PVX tại các công ty còn lại đều khá khó khăn dù cổ phiếu đang có mức giá siêu thấp.
Trong số 9 công ty con của PVX, khả quan nhất chính là CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PVC-MS, mã: PXS). Doanh nghiệp này làm ăn khá tốt với lợi nhuận tăng trưởng hàng năm và tỷ suất sinh lời không nhỏ. Cổ phiếu đang có giá 12.500 đồng và là cổ phiếu duy nhất thuộc họ Xây lắp dầu khí có thị giá trên mệnh giá.
Giá cổ phiếu PXS 6 tháng qua
Một công ty con khác là CTCP Xây lắp Đường ống Bể chứa Dầu khí (PVC-PT, mã: PXT) vừa thoát lỗ năm 2015 với lợi nhuận gần 34 tỷ đồng. Cổ phiếu PXT đang có giá 8.200 đồng nhờ một quá trình tăng giá rất mạnh, đi lên từ 4.000 đồng trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay.
Còn lại, ngoài một số công ty chưa niêm yết như CTCP Phát triển Đô thị Dầu khí (PVC-Mekong), CTCP Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC-Land), CTCP Đầu tư và thương mại Dầu khí Thái Bình (PVC-Thái Bình), CTCP Xây lắp dầu khí Bình Sơn (PVC Bình Sơn) thì các công ty con họ PVX đều có giá cổ phiếu rẻ hơn cả mớ rau.
Có thể kể ra như CTCP Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng Dầu khí (PVC-IC, mã: PXI) giá 5.500 đồng. CTCP Dầu khí Đông Đô (PVC – Đông Đô, mã: PFL) giá 1.600 đồng và CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (PVC-Petroland, mã: PTL) có giá 2.200 đồng.
Về phần 14 công ty liên kết, cổ phiếu có giá cao nhất là CTCP Đầu tư thương mại Dầu khí Sông Đà (PVSD, mã: SDP) giá 4.400 đồng. Với vốn điều lệ hơn trăm tỷ đồng, lợi nhuận hàng năm của SDP trong 5 năm gần đây chưa bao giờ lên được quá 10 tỷ đồng. Năm 2015, SDP lãi ròng hơn 2 tỷ đồng. Được biết, SDP là công ty liên kết mà PVX chủ trương không thoái vốn. Chủ tịch HĐQT của công ty là ông Đinh Mạnh Thắng.
Cổ phiếu cao thứ 2 là CTCP Trang trí Nội thất dầu khí (mã: PID, Upcom) có giá 2.000 đồng và thanh khoản bằng 0. Công ty đã lỗ triền miên từ năm 2012 đến nay.
3 cổ phiếu có mức giá chưa đủ mua cọng hành là CTCP Tổng công ty xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVNC) mã: PVA giá 600 đồng, CTCP Đầu tư Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PVC-SG, mã: PSG) giá 500 đồng và CTCP Xây lắp Dầu khí Miền Trung (PVC-MT, mã: PXM) giá 500 đồng.
Không khác nhau là mấy, các công ty đều lỗ triền miên trong 5 – 6 năm liên tục gần đây.
Trí Thức Trẻ