Đồng loạt giảm giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg từ 1/4
Các doanh nghiệp lớn đã cam kết sẽ điều chỉnh đồng loạt giảm giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg kể từ ngày 1/4.
- 27-03-2020Hết quý 3, giá thịt lợn mới có thể giảm xuống 60.000 đồng/kg lợn hơi
- 26-03-2020Tăng nguồn cung thịt lợn từ nhập khẩu
- 23-03-2020Sau chỉ đạo giảm giá, thịt lợn tại chợ truyền thống và siêu thị vẫn cao
Doanh nghiệp giảm giá nhưng thịt lợn ngoài chợ vẫn đắt?
Ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, C.P Việt Nam đã điều chỉnh mức giá lợn hơi từ 80.000-85.000 đồng/kg thời điểm cuối 2019 – đầu 2020 xuống mức 73.000-75.000 đồng/kg. C.P Việt Nam và một số doanh nghiệp chăn nuôi đã điều chỉnh hạ giá bán lợn hơi, tuy nhiên trên thực tế, người tiêu dùng lại chưa được hưởng lợi do giá thịt lợn hiện vẫn ở mức rất cao.
“Với giá bán lợn hơi ở mức 75.000 đồng/kg, nếu giết mổ, bán tới tay người tiêu dùng thì mức giá thịt lợn chỉ khoảng 100.000 đồng/kg. Trên thực tế, hiện giá thịt lợn bình quân trên thị trường bán tới tay người tiêu dùng vẫn quá cao, tới 140.000 đồng/kg”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, thực trạng này cho thấy khâu trung gian hiện nay vẫn đang chiếm tỉ lệ lợi nhuận quá cao và cần phải có cơ chế để quản lý, hạn chế bớt khâu trung gian. Bởi khâu trung gian không chỉ khiến giá bán lợn hơi từ trang trại tới tay người tiêu dùng chênh lệch, mà còn khiến Nhà nước thất thoát nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp…
Nhập khẩu thịt lợn trong bối cảnh nguồn cung trong nước đang bị thiếu hụt là một giải pháp đưa ra để giảm giá thịt lợn đang ở mức cao.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, dịch Covid-19 đã gây thiệt hại kinh tế rất lớn, giá thịt lợn chiếm tỷ lệ lớn trong nhóm hàng lương thực thực phẩm nếu không kiểm soát mặt bằng giá sẽ ảnh hưởng tới lạm phát.
"Nguyên tắc giá trên cơ sở quan hệ cung - cầu, khi cung tăng mà cầu vẫn duy trì một mức thì giá phải hạ. Vậy là vấn đề giá thịt lợn cao nằm ở khâu lưu thông phân phối. Giá nhập khẩu kiểm soát được, chi phí sản xuất và giá thành kg thịt lợn nắm được vậy giá cao là bất hợp lý" - ông Long nói.
Các doanh nghiệp chăn nuôi đều cho rằng, Chính phủ cần sớm đưa mặt hàng thịt lợn vào diện mặt hàng bình ổn giá nhằm có cơ chế điều chỉnh giá, dự trữ quốc gia… Bởi đây là mặt hàng những năm qua thường xuyên có biến động lớn, lúc giá hạ phải "giải cứu", lúc lại cần phải kêu gọi hạ giá…
Từ ngày 1/4 giá thịt lợn về mức 70.000 đồng/kg
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, mặc dù cơ cấu tiêu dùng thịt sẽ ngày càng đa dạng, tuy nhiên thịt lợn sẽ vẫn là mặt hàng thực phẩm đặc biệt quan trọng, chiếm từ 65-70% nhu cầu tiêu thụ thịt tại nước ta.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc đưa giá lợn xuống mức hợp lý, không chỉ nhằm đảm bảo kìm chế tăng giá tiêu dùng chung của cả nước, hài hòa giữa lợi ích người chăn nuôi, người tiêu dùng, mà căn bản hơn, điều này nhằm giữ được thị trường thịt lợn một cách bền vững... Dịch tả lợn châu Phi hiện tại đã được khống chế cơ bản là điều kiện hết sức thuận lợi nhằm đẩy nhanh tổng đàn lợn, cân bằng cung – cầu thị trường thịt lợn
“Các doanh nghiệp lớn về chăn nuôi lợn, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng loạt hạ giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4/2020” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá trong điều kiện khó khăn ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cho người dân trong điều kiện suy giảm kinh tế. Việc giá lợn hơi duy trì kéo dài trên mức 80.000 đồng/kg từ cuối năm 2019 đã ảnh hưởng không nhỏ tới tăng giá tiêu dùng của cả nước.
“Suy giảm kinh tế, giảm thu nhập do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, việc phải mua thịt lợn với giá cao đã khiến người dân thêm phần khó khăn trong đời sống. Việc giảm giá thịt lợn vì thế, không chỉ góp phần ảnh hưởng tới đời sống kinh tế xã hội, mà đây còn là thể hiện cả về mặt văn hóa, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội. Ngành chăn nuôi phải giảm giá thịt lợn xuống ở một mức hợp lý để vừa đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, người chăn nuôi và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn trong thời gian tới trong bối cảnh nguồn cung trong nước đang tạm thời bị thiếu hụt… Đồng thời, rà soát khâu trung gian trong phân phối thịt lợn; ngăn chặn phát hiện, xử lí nghiêm tình trạng xuất lợn và sản phẩm lợn trái phép.
VOV