Đồng loạt tăng mạnh từ đáy, cổ phiếu nhóm bán lẻ sản phẩm công nghệ có gì hấp dẫn?
Doanh thu của các nhà bán lẻ sản phẩm công nghệ được kỳ vọng tăng trưởng đột phá trong mùa cao điểm máy tính xách tay vào mùa tựu trường bên cạnh cú hích từ việc ra mắt iPhone 14 trong tháng 9.
Sau khi tạo đáy thành công vào tháng 7, thị trường chứng khoán đã có nhịp hồi phục khá tích cực trong đó nhóm bán lẻ sản phẩm công nghệ cho thấy sức bật ấn tượng. Các cổ phiếu MWG, FRT, DGW, PET,... đều đã tăng hàng chục % trong vòng 2 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, hầu hết các cổ phiếu này vẫn chưa thể lấy lại những gì đã mất sau nhịp điều chỉnh sâu trước đó.
Các cổ phiếu bán lẻ sản phẩm công nghệ giảm mạnh từ nửa sau tháng 6 phần nào phản ánh trước kết quả kinh doanh quý 2 không được như kỳ vọng do là mùa thấp điểm. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của Thế Giới Di Động (mã MWG) và Petrosetco (mã PET) đều giảm lần lượt 7% và 58% so với cùng kỳ. Lãi ròng của Digiworld (mã DGW) và FPT Retail (mã FRT) vẫn tăng trưởng dương 17% và 55% nhưng tốc độ đã chậm hơn nhiều so với mức tăng bằng lần vào quý trước.
Nhóm bán lẻ sản phẩm công nghệ tăng mạnh từ đáy
Nhịp hồi phục tích cực thời gian gần đây nhiều khả năng đến từ kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tăng trưởng mạnh trở lại trong nửa cuối năm. Các cửa hàng công nghệ thông tin kỳ vọng doanh thu đột phá trong mùa cao điểm máy tính xách tay vào mùa tựu trường. Ngoài ra, với bối cảnh mẫu iPhone 14 ra mắt trong tháng 9/2022, xu hướng công nghệ 4G và 5G, kết hợp với kế hoạch ngừng cung cấp dịch vụ 2G của Việt Nam từ năm 2023, KIS Việt Nam cho rằng doanh số bán điện thoại thông minh có thể sẽ tăng cao trong nửa cuối năm 2022.
Theo báo cáo từ hãng Canalys, sản lượng điện thoại xuất xưởng toàn cầu quý 2/2022 tiếp tục sụt giảm 9% so với cùng kỳ do nhu cầu tiêu thụ yếu và bất ổn kinh tế tiếp tục gia tăng. Theo đó, tiêu thụ điện thoại tại các quốc gia Đông Nam Á chỉ đạt 24,5 triệu sản phẩm trong quý 2, giảm 7% so với quý trước do lo ngại về lạm phát làm suy giảm sức mua tại cả 5 thị trường chính Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Phillipines và Malaysia. Thị trường điện thoại thông minh của Việt Nam ghi nhận tác động mạnh nhất khi giảm 32% so với quý trước xuống còn 3,1 triệu lô hàng.
Dù lượng hàng điện thoại xuất xưởng hàng quý chậm lại tuy nhiên tiềm năng từ phân khúc trung cấp đến cao cấp của Việt Nam vẫn còn rất lớn. VCBS cho rằng thị trường smartphone Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao khoảng 11% CAGR trong 2 năm tới (theo Euromonitor) và 6,4% CAGR trong giai đoạn 2021-2025.
Động lực chủ yếu đến từ (1) Đề án tắt mạng 2G và 3G của Bộ TT&TT từ năm 2022 để phát triển mạng 5G; (2) Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu trong cơ cấu dân số. 2 yếu tố này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu nâng cấp điện thoại và tăng giá bán điện thoại trung bình.
Trong khi đó, SSI Research lại cho rằng các công ty có tỷ trọng doanh thu máy tính xách tay trên tổng doanh thu cao như FRT và DGW có thể sẽ tăng trưởng doanh thu ở mức thấp một con số do nền cơ sở cao cùng kỳ. Ảnh hưởng của vấn đề thiếu chip cũng đã phần nào giảm bớt do nhu cầu tăng trưởng chậm hơn.
Bước sang năm 2023, tăng trưởng doanh thu có thể sẽ thấp hơn so với mức trước dịch Covid do tỷ lệ sở hữu điện thoại di động và thiết bị gia dụng lớn hiện nay cao hơn trước đây. Với các thiết bị gia dụng nhỏ, nhu cầu vẫn sẽ tăng trưởng do mức độ thâm nhập thị trường của các sản phẩm này còn thấp. Do đó, SSI Research dự báo doanh thu năm 2023 đi ngang đối với mảng ICT và tăng trưởng ở mức một con số đối với mảng CE.
Diễn biến ngành sẽ tiếp tục theo mô hình chữ K và các công ty lớn sẽ giành được nhiều thị phần hơn nhờ khả năng thương lượng mạnh mẽ với các nhà cung cấp. Điều này cho phép các nhà bán lẻ giảm thiểu tác động của giá vốn tăng cao và từ đó đưa ra được nhiều chiết khấu hơn để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh áp lực lạm phát.
Nhịp Sống Thị Trường