MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng Nai có mức tăng trưởng GRDP cao nhất vùng Đông Nam bộ

Dệt may là 1 trong những ngành công nghiệp chủ lực của Đồng Nai có mức tăng trưởng khá sau dịch COVID-19. Ảnh: Donagamex

Dệt may là 1 trong những ngành công nghiệp chủ lực của Đồng Nai có mức tăng trưởng khá sau dịch COVID-19. Ảnh: Donagamex

112.868,5 tỷ đồng là tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) tỉnh Đồng Nai đạt được trong 6 tháng đầu năm, tăng 7,06% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Đồng Nai có mức tăng trưởng GRDP cao nhất trong các tỉnh Đông Nam Bộ.

Số liệu của Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai cho thấy, tính đến ngày 15/6, tỉnh này có mức GRDP đạt 112.868,5 tỷ đồng, tăng 7,06% so với cùng kỳ, đạt mục tiêu đề ra.

Trong đó, dịch vụ là lĩnh vực tăng trưởng cao nhất với mức tăng 8,11%. Tiếp theo là công nghiệp - xây dựng tăng 7,24%, thuế sản phẩm đứng thứ 3 với mức tăng 6,22%. Còn  lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,19%.

So với mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2021, 6 tháng đầu năm nay, Đồng Nai ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn. Nguyên nhân tăng trưởng khá là do tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, sản xuất công nghiệp phục hồi khá nhanh; thị trường xuất khẩu thuận lợi, hợp đồng xuất khẩu tăng khá, thị trường trong nước phục hồi rõ nét, các hoạt động thương mại, dịch vụ vui chơi, giải trí, vận tải đã hoạt động bình thường trở lại... Đặc biệt là khu vực công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng 60% trong GRDP có sự phục hồi nhanh, nên mức tăng trưởng khá, trong đó chủ yếu do ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,45% và sản xuất phân phối điện tăng 9,24% là động lực thúc đẩy mức tăng trưởng chung…

Cả 3 khu vực kinh tế đều đạt mức tăng trưởng khá cao, trong đó đặc biệt là khu vực dịch vụ sau 2 năm giảm và 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt mức tăng 8,11%, cao hơn khu vực công nghiệp xây dựng.

Nửa đầu năm nay, dù còn nhiều khó khăn, nhưng lĩnh vực sản xuất công nghiệp của tỉnh này có sự phục hồi nhanh, đạt mức tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,18% so cùng kỳ. Mức tăng cao nhất ở ngành sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu (tăng 12,31%); ngành may mặc tăng 9,56% xếp vị trí thứ hai; tiếp theo là các ngành sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 9,7%, ngành sản xuất đồ uống tăng 7,48%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,31%; sản xuất kim loại đúc sẵn tăng 6,57%; sản xuất thiết bị điện tăng 6,38%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 6,05%; ngành khai khoáng tăng 4,13%;; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 4,92%; dệt tăng 5,32%;; sản xuất hóa chất tăng 3,62%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 3,92%… Đây được coi là những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, với nguyên nhân tăng là do thị trường thế giới được cải thiện, số lượng đơn đặt hàng lớn,  thị trường trong nước đang có xu hướng tăng, dịch COVID-19 từng bước kiểm soát tốt.

Tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, sau khi  dịch bệnh đã được kiểm soát và khống chế, lĩnh vực đầu tư, xây dựng được tập trung đầy mạnh, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, cải tạo, sửa chữa nâng cấp và xây mới nhà xưởng sản xuất, nhà để kinh doanh, bệnh viện, trạm y tế, trường học, công trình nhà đa năng, trung tâm hội nghị, trụ sở làm việc… ngày càng tăng cao, đây là điều kiện để hoạt động xây dựng tăng trưởng so cùng kỳ.

Theo ước tính, giá trị sản xuất xây dựng trên địa bàn (theo giá thực tế) đạt 26.691,4 tỷ đồng, tăng 12,07% so cùng kỳ. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước đạt 266,5 tỷ đồng, tăng 5 lần; doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 17.951,1 tỷ đồng, tăng 11,89%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.048,1 tỷ đồng, tăng 9,91%; loại hình khác đạt 6.425,7 tỷ đồng, tăng 9,57%. Tính theo  giá so sánh 2010 giá trị đạt 16.604,07 tỷ đồng, tăng 3,5% so cùng kỳ.

Theo Đăng Kiệt

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên