MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đồng Nai dừng toàn bộ quy hoạch 21.000ha quanh khu vực sân bay Long Thành”

14-09-2017 - 15:46 PM | Bất động sản

Thông tin này được lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết tại Tọa đàm Thị trường bất động sản Đồng Nai - Nhận diện cơ hội và rủi ro do Báo Đầu tư tổ chức ngày 14/9.

Với diện tích tự nhiên gần 5.900 km2, nằm ở vị trí chiến lược tiếp giáp TP.HCM trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai là sự lựa chọn thích hợp trong khuynh hướng dịch chuyển để có chốn an cư khi mà quỹ đất lẫn giá đất nền tại TP.HCM đã vượt quá khả năng chi trả của nhiều người dân.

Đặc biệt, với chủ trương xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành đã gia nhiệt cho sự hứng khởi của giới đầu tư, kinh doanh đối với bất động sản Đồng Nai, nhất là các khu vực xung quanh sân bay Long Thành.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai cho biết, liên quan tới dự án sân bay Long Thành, Quốc hội đã quyết định cho tách dự án di dời 5 xã, chi phí dự kiến 23.000 tỷ đồng cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Ngoài phần lõi 5.000 ha của sân bay thì Đồng Nai cũng quy hoạch dành 21.000 ha vệ tinh sân bay làm công nghiệp phụ trợ, phục vụ cho khu lõi.

Tuy nhiên ông Lâm cho biết, hiện Đồng Nai đã dừng lại toàn bộ quy hoạch 21.000 ha xung quanh sân bay để điều chỉnh lại quy hoạch và tỉnh đã xin tư vấn nước ngoài cho việc quy hoạch này.

Về đầu tư vào bất động sản Đồng Nai, ông Lâm chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 là đầu tư tiệm cận, gắn liền không gian hiện có. Theo đó, những nhà đầu tư nào đã làm công tác bồi thường, không nợ ngân hàng đã đầu tư từ lâu thì vừa qua đã thắng với việc vốn bỏ lớn và thời gian đầu tư lâu. Nhóm 2 là vùng ngoại ô, vùng ven ở các thị trấn, đô thị với thời gian đầu tư khoảng 5-7 năm. Hạ tầng ở đây kết nối vào hạ tầng kỹ thuật chính vẫn còn khó khăn. Nhà đầu tư phải có tiềm lực tài chính. Nhóm 3 phải dài hơi vì chưa hình thành quy hoạch.

Nhận định về thị trường bất động sản Đồng Nai, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng thị trường đã từng bị quả lừa trong quá khứ, đầu tiên là quả lừa với Thành phố mới Nhơn Trạch.

“Hiện nay Nhơn Trạch cũng chưa được thành lập thị trấn. Chưa lên thị trấn thì lấy đâu ra đô thị loại 2 năm 2020 như kế hoạch? Nhiều người đã bị vỡ mộng nên phải hết sức cẩn trọng”, ông Châu nhấn mạnh.

Theo ông Châu, việc Chính phủ mới duyệt việc xây cầu Cát Lái bắc qua sông Đồng Nai nối TP.HCM với huyện Nhơn Trạch sẽ kích thích cho thị trường này. Đồng Nai làm sao phối hợp với TP.HCM thúc đẩy cây cầu này càng nhanh càng tốt theo đó doanh nghiệp sẽ phấn chấn đầu tư vào thị trường này.

Ông Châu cũng lưu ý tình trạng đầu cơ bất động sản. Đó là hành vi thu gom một lượng lớn sản phẩm đủ để chi phí thị trường ở địa bàn, dự án đó. Sau khi thu gom sản phẩm dẫn tới việc làm giá, khống chế thị trường. Hành vi này ảnh hưởng tới người tiêu dùng và có thể dẫn tới mức lũng đoạn thị trường bất động sản, ảnh hưởng tới nền kinh tế.

Chia sẻ về vấn đề pháp lý, luật sư Lâm Đăng Phúc, Hãng luật Nguyên Giáp cho rằng hiện có diện giao dịch bất động sản tại thị trường Đồng Nai. Thứ nhất là mua bán bằng giấy tay, dạng hai cũng là giấy tay nhưng có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa đủ điều kiện giao dịch, thường là trường hợp đồng sở hữu. Thứ ba là dạng phổ biến là việc mua bán đất nông nghiệp. Mục đích của mua bán này hướng vào phân lô bán nền. Loại này người mua có rủi ro về làm giấy tờ, chủ đầu tư hứa làm thủ tục nhưng trong quá trình làm có thể vướng quy hoạch không chuyển mục đích sử dụng đất được.

Theo đó ông Phúc lưu ý người mua mua phải chú ý về pháp lý, điều kiện chuyển nhượng đất. Đất phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không tranh chấp. Đối với dự án phân lô bán nền còn phải được UBND cấp tỉnh cấp phép đầu tư, có quy hoạch 1/500. Chủ đầu tư phải thỏa mãn nghĩa vụ tài chính đối với phần đất liên qua dự án.

“Khách hàng có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp cho mình giấy tờ liên quan. Nếu chủ quan hám lợi thấy bán rẻ, dễ tin vào triển vọng do môi giới dựng lên rất dễ rơi vào bẫy”, luật sư nhấn mạnh.

Với cai trò của đơn vị đã và đang tham gia phân phối dự án tại thị trường Đồng Nai, bà Trần Thị Cẩm Tú, TGĐ Eximrs nhận định với vị trí thuận lợi của mình về kết nối hạ tầng giao thông, Đồng Nai là thị trường rất tiềm năng cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên bà Tú lưu ý khi quyết định đầu tư vào thị trường này phải để ý đến 4 yếu tố, trong đó cần lưu ý về pháp lý, vị trí dự án, kết nối vùng và cơ sở hạ tầng. Cần tránh việc các nhà đầu tư ào ạt nhảy vào nhưng 3 – 5 năm sau chỗ đó cỏ vẫn mọc, bài học đã từng xảy ra với Thành phố “ma” Nhơn Trạch.

Theo Huyền Trâm

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên