MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng Nai quyết tâm khắc phục khó khăn, giữ vững vị thế trong thu hút đầu tư

Lãnh đạo tỉnh đang quyết tâm khắc phục khó khăn, nỗ lực phát triển kinh tế để tiếp tục giữ được vị thế của tỉnh.

Là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, thuộc nhóm dẫn đầu trong số các địa phương đóng góp ngân sách cho Trung ương, thế nhưng nửa đầu năm 2023, tỉnh Đồng Nai có dấu hiệu chững lại về kinh tế. Lãnh đạo tỉnh đang quyết tâm khắc phục khó khăn, nỗ lực phát triển kinh tế để tiếp tục giữ được vị thế của tỉnh.

Khó khăn bủa vây

Tỉnh Đồng Nai là địa phương có khu công nghiệp sớm nhất cả nước. Đây cũng là nơi đón nhiều DN nước ngoài tới đầu tư. Thế nhưng, do thiếu quy hoạch và tầm nhìn dài hạn, thời gian gần đây Đồng Nai để vuột mất nhiều dự án FDI lớn vì thiếu quỹ đất công nghiệp.

Đồng Nai quyết tâm khắc phục khó khăn, giữ vững vị thế trong thu hút đầu tư - Ảnh 1.

Đồng Nai đang "hụt hơi" trong thu hút đầu tư FDI. Ảnh: Duy Phương

Tại tỉnh Đồng Nai, các dự án được đầu tư nước ngoài chủ yếu là trong các khu, cụm công nghiệp. Ông Phạm Văn Cường, Phó Trưởng ban phụ trách, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, đến nay các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai hầu như đã lấp đầy.

“Quỹ đất của Đồng Nai không còn nhiều. Cho đến nay hơn 85% diện tích đất đã cho thuê. Do đất không còn, rất nhiều dự án dù đúng định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Đồng Nai đã đến tìm hiểu nhưng với yêu cầu diện tích từ 5-7 ha tỉnh không có đất sạch để giao”, ông Cường băn khoăn.

Theo thống kê, lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, tỉnh Đồng Nai có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng hơn 2%, mức thấp nhất trong 10 năm qua. Có 22/27 ngành sản xuất tăng nhưng mức tăng thấp, còn lại là giảm.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, lĩnh vực công nghiệp đang mất động lực tăng trưởng, nên trong thời gian tới Đồng Nai cần thúc đẩy đầu tư công.

“Các công trình, dự án trọng điểm và đầu tư công phải được tỉnh giải ngân tập trung. Tới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu UBND tỉnh họp theo nhóm các địa phương, nhóm ngành nghề, nhóm dự án có vốn đầu tư tỷ lệ cao để điều hành sát cũng như xử lý nghiêm kỷ luật về đầu tư công”, ông Nguyên nói.

Quyết liệt tìm giải pháp

Một vấn đề khác cần phải đẩy mạnh trong thời gian tới, theo ông Nguyên, đó là công tác lập quy hoạch. Ông Nguyên cho rằng, tiến độ triển khai lập quy hoạch của Đồng Nai rất chậm. Phải thay đổi nhận thức, tư duy cũng như tầm nhìn và cách tiếp cận để thời gian tới, việc xây dựng quy hoạch vừa đảm bảo thời gian theo yêu cầu của Chính phủ, vừa đảm bảo chất lượng. Công tác lập quy hoạch có thể xem là vấn đề then chốt. Do tầm nhìn và quy hoạch thời kỳ trước nên hiện tỉnh Đồng Nai đang loay hoay đương đầu với những khó khăn về kinh tế.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phải xác định những điểm đột phá, từ đó tạo ra những khác biệt cho sự phát triển của Đồng Nai.

Đồng Nai quyết tâm khắc phục khó khăn, giữ vững vị thế trong thu hút đầu tư - Ảnh 2.

Quỹ đất dành cho công nghiệp của Đồng Nai đang dần cạn kiệt.

Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị cần tập trung khắc phục những khó khăn để tăng tốc phát triển. Vấn đề đặt ra là phải thu hút và phát huy hiệu quả của đầu tư, trong đó hai trụ cột là đầu tư công và đầu tư xã hội. Phải khắc phục được tình trạng khép kín, sân sau, lợi ích nhóm, giá cả bất hợp lý trong đấu thầu. Nếu làm được thì dân có lợi, tỉnh có lợi.

“Chúng ta có tạo được một môi trường xứng đáng để nhà đầu tư bỏ tiền vào đây hay không? Chúng ta có phải môi trường tốt để bảo vệ nhà đầu tư phát triển tốt không? Cần trả lời 2 câu hỏi đó để nhìn vào tương lai xem mảnh đất này có tăng trưởng được không. Trước mắt phải tạo nên 1 sân chơi minh bạch và công tâm để lựa chọn”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh nói.

Để không bị tụt hậu, tỉnh Đồng Nai cần đẩy nhanh công tác lập quy hoạch với chất lượng cao và tầm nhìn dài hạn. Bên cạnh đó, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tiến độ lĩnh vực xây dựng cơ bản để các công trình trọng điểm nhanh chóng phát huy hiệu quả. Đồng thời tập trung tái cơ cấu công nghiệp theo hướng nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số./.

Theo Duy Phương

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên