Đông Nam Á trải qua đợt nắng nóng kỷ lục 200 năm mới xảy ra một lần: Đến cuối thế kỷ càng đáng báo động
Trong một báo cáo gần đây từ World Weather Attribution (WWA), một nhóm các nhà khoa học quốc tế cho biết đợt nắng nóng tháng 4 ở Đông Nam Á là sự kiện 200 năm mới có một lần và "hầu như không thể xảy ra" nếu không có biến đổi khí hậu.
- 04-06-2023Nắng nóng tới 43 độ C, hàng trăm nghìn hộ gia đình Israel bị cắt điện
- 02-06-2023Người lao động Ấn Độ như bị tra tấn dưới trời nắng nóng
- 31-05-2023Tiết kiệm điện, chủ trang trại khiến 5.000 con lợn chết oan vì nắng nóng
Kỷ lục 200 năm mới có một lần
Hàng ngày, giữa hàng ngàn xe máy chạy len lỏi trên đường phố đông đúc Hà Nội, anh Phong, 42 tuổi, thường bắt đầu ngày làm việc từ 5 giờ sáng, làm liên tục 12 giờ mà hầu như không được nghỉ ngơi.
Nhưng những đợt nắng nóng chưa từng có trong hai tháng qua khiến công việc của anh trở nên khó khăn hơn. Để vượt qua cái nóng hơn 40 độ, anh đã trang bị cho mình một chiếc mũ, khăn tay ướt và vài chai nước.
Nhiệt độ trung bình tháng 5 ở Hà Nội là 32 độ C.
"Nếu bị say nắng, tôi sẽ phải tạm dừng lái xe", anh nói với CNN. "Nhưng rất khó".
Anh thường mang theo một chiếc ô nhỏ để bảo vệ điện thoại gắn trên xe máy, công cụ chính phục vụ công việc tài xế công nghệ của anh. Nếu điện thoại bị hỏng, anh sẽ bị mất khoản thu nhập quan trọng. "Tôi rất lo pin sẽ bị nóng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời".
Cũng làm công việc ngoài trời, anh Hung, 53 tuổi, quần quật cả ngày để dọn rác trên những con phố nhộn nhịp của quận Đống Đa.
"Không thể tránh được nắng nóng, đặc biệt là vào buổi trưa và đầu giờ chiều", anh Hung nói với CNN. "Nhiệt độ quá cao cũng khiến rác bốc mùi khó chịu hơn, công việc vốn đã vất vả nay lại càng vất vả hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sức lao động của tôi".
"Tôi cố gắng làm việc vào sáng sớm hoặc chiều, tối", anh nói. "Vào giờ nghỉ trưa khi nhiệt độ lên cao, tôi tìm một vỉa hè trong con hẻm nhỏ, trải các tấm bìa các tông nằm nghỉ một lúc rồi chiều lại tiếp tục công việc".
Hay như Supot Klongsap, công nhân xây dựng ở Bangkok, Thái Lan cho biết, đợt nắng nóng năm nay khiến anh lúc nào cũng toát mồ hôi và cảm thấy kiệt sức. "Tôi bắt đầu đổ mồ hôi từ 8 giờ sáng và rất khó làm việc. Tôi cảm thấy rất kiệt sức vì mất quá nhiều nước".
Anh thường ngủ đêm tại công trường nhưng điều này cũng không hề dễ dàng. "Dù vào ban đêm nhưng nước chảy ra từ đường ống vẫn nóng như nước sôi. Không thoải mái một chút nào".
Theo CNN, những người làm việc ngoài trời... trên khắp Đông Nam Á chính là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong "đợt nắng nóng kỷ lục" vừa qua của khu vực.
Tháng 4 và tháng 5 thường là những tháng nóng nhất trong năm ở Đông Nam Á, khi nhiệt độ lên cao trước khi những trận mưa gió mùa mang lại cảm giác dễ chịu. Nhưng năm nay, nhiệt độ đã đạt đến mức chưa từng có ở hầu hết các quốc gia trong khu vực.
Thái Lan chứng kiến lịch sử nóng nhất ở mức 45,4 độ C vào ngày 15/4, trong khi nước láng giềng Lào có nhiệt độ cao nhất là 43,5 độ C trong hai ngày liên tiếp vào tháng 5 và Việt Nam cũng chịu mức nhiệt kỷ lục 44,2 độ C hồi tháng 5, theo phân tích dữ liệu trạm thời tiết của nhà khí hậu học - nhà sử học thời tiết Maximiliano Herrera.
Herrera mô tả đó là "đợt nắng nóng kéo dài khắc nghiệt nhất" kéo sang tận tháng 6. Vào ngày 1/6, Việt Nam đã ghi nhật mức nhiệt nóng kỷ lục 43,8 độ C.
Trong một báo cáo gần đây từ World Weather Attribution (WWA), một nhóm các nhà khoa học quốc tế cho biết đợt nắng nóng tháng 4 ở Đông Nam Á là sự kiện 200 năm mới có một lần và "hầu như không thể xảy ra" nếu không có biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu có thể khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn
Dữ liệu của Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus cho thấy, từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5, tất cả sáu quốc gia ở Đông Nam Á đã đạt đến nhiệt độ cảm nhận hàng ngày đạt gần 40 độ C trở lên, trên cả ngưỡng được coi là nguy hiểm, đặc biệt đối với những người có vấn đề về sức khỏe hoặc những người không quen với nhiệt độ quá cao.
Ở Thái Lan, 20 ngày trong tháng 4 và ít nhất 10 ngày trong tháng 5 có nhiệt độ gần như trên 46 độ C. Điều này được coi là mối đe dọa tính mạng đối với bất kỳ ai, kể cả những người khỏe mạnh đã quen với nhiệt độ cực ẩm.
Trong suốt tháng 4 và tháng 5, Việt Nam, Campuchia, Lào và Malaysia đều có vài ngày có khả năng gây ra tình trạng nắng nóng cực cao. Myanmar có 12 ngày như vậy.
Theo báo cáo của WWA, đợt nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 5 ở Đông Nam Á đã gây ra tình trạng nhập viện trên diện rộng, làm hư hỏng đường xá, gây ra hỏa hoạn và khiến nhiểu trường học phải đóng cửa.
Zachariah, thành viên của WWA, nói với CNN: "Khi bầu khí quyển trở nên ấm hơn, khả năng giữ ẩm của nó trở nên cao hơn và do đó khả năng xảy ra các đợt nóng ẩm cũng tăng lên". Các đợt nóng ẩm được coi nguy hiểm hơn nóng khô.
Theo nghiên cứu, nếu sự nóng lên toàn cầu tiếp tục tăng lên 2 độ C, những đợt nóng ẩm như vậy có thể xảy ra thường xuyên hơn gấp 10 lần.
Liên hợp quốc cảnh báo, nếu lượng khí thải tiếp tục tăng với tốc độ tương tự, nắng nóng sẽ khiến Thái Lan chứng kiến thêm 30 ca tử vong trên 1 triệu người vào hai thập kỷ tới và thêm 130 ca tử vong trên 1 triệu người vào cuối thế kỷ này.
Đối với Myanmar, con số đó sẽ lần lượt là 30 và 520 người và đối với Campuchia là 40 và 270.
VTCnews