MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đông Nam Bộ sẽ là nơi thí điểm cơ chế, chính sách cần đổi mới, tạo đột phá

Chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, sáng 15/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Quy hoạch phải mang theo tư duy đổi mới, đột phá với sự liên kết giữa các quy hoạch chuyên ngành, địa phương chứ không phải là "phép cộng cơ học".

Đông Nam Bộ sẽ là nơi thí điểm cơ chế, chính sách cần đổi mới, tạo đột phá - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Quy hoạch phải giải quyết những bất cập, hạn chế đối với sự phát triển của toàn vùng và các địa phương trong vùng khi chưa có quy hoạch vùng - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phó Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, đặt ra những yêu cầu mới về kết nối, định hướng phát triển hạ tầng (giao thông, thuỷ lợi, năng lượng,…) đối với các quy hoạch vùng nhằm xác định chiến lược, sản phẩm, tính đặc thù, khả năng cạnh tranh của từng vùng kinh tế-xã hội, tạo ra sự kết nối về hạ tầng, sức mạnh tổng hợp, các sản phẩm quốc gia.

Vùng Đông Nam Bộ là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước; có hệ thống khu, cụm công nghiệp ở vùng Đông Nam Bộ phát triển bậc nhất cả nước (chiếm 30,6%) gắn với các hành lang kinh tế.

Đây là khu vực có tỉ lệ đô thị hoá đứng đầu cả nước (67,3%), được phân bố tương đối hợp lý, diện mạo ngày càng hiện đại; trung tâm dịch vụ tài chính-ngân hàng, thương mại, logistics…; trung tâm về đào tạo, y tế, khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, vùng Đông Nam Bộ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, chậm đổi mới mô hình tăng trưởng. Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng chưa đáp ứng được yêu cầu. Các hành lang kinh tế, tiểu vùng động lực chưa rõ nét. Công nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, phân bổ chưa hợp lý, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, nhà ở) quá tải. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, rác thải chậm được cải thiện. Tư duy phát triển khép kín, cục bộ. Cơ chế, chính sách và phân cấp, phân quyền chưa tương xứng.

Đông Nam Bộ sẽ là nơi thí điểm cơ chế, chính sách cần đổi mới, tạo đột phá - Ảnh 2.

Đông Nam Bộ sẽ là nơi thí điểm cơ chế, chính sách cần đổi mới, tạo đột phá - Ảnh 3.

Đông Nam Bộ sẽ là nơi thí điểm cơ chế, chính sách cần đổi mới, tạo đột phá - Ảnh 4.

Đông Nam Bộ sẽ là nơi thí điểm cơ chế, chính sách cần đổi mới, tạo đột phá - Ảnh 5.

Các uỷ viên phản biện, thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng vùng Đông Nam Bộ cần đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại để mở rộng không gian phát triển - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao

Theo báo cáo của đơn vị tư vấn lập quy hoạch, kịch bản phát triển trong giai đoạn 2021-2030 của vùng Đông Nam Bộ được lựa chọn có tốc độ tăng trưởng trung bình 8-9%/năm, thu nhập bình quân đầu người 14.500-15.800 USD/năm. Mô hình tăng trưởng của vùng ưu tiên các ngành công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, trong đó, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, động lực phát triển.

Vùng Đông Nam Bộ hướng tới trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Không gian phát triển của vùng gắn với hệ thống kết cầu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tập trung xây dựng các hành lang kinh tế, vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics kết nối với các vùng, địa phương lân cận và quốc tế; gắn kết giữa đất liền và không gian biển, quản lý và sử dụng hiệu quả không gian ngầm, không gian trên cao; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, khai thác hiệu quả tài nguyên số; chú trọng bảo vệ môi trường, rừng, tài nguyên biên, an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó, tiểu vùng trung tâm (TPHCM, khu vực phía nam tỉnh Bình Dương, phía tây nam tỉnh Đồng Nai) ưu tiên cho dịch vụ chất lượng cao về tài chính-ngân hàng, y tế, giáo dục-đào tạo; công nghiệp công nghệ cao, chuyên sâu; đầu mối giao thương quốc tế.

Tiều vùng ven biển (khu vực Cần Giờ của TPHCM, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phát triển kinh tế biển như: Cảng biển, logistics, khai thác và chế biến dầu khí, du lịch biển đảo, khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản…

Tiểu vùng phía bắc (các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và khu vực phía bắc của hai tỉnh Đồng Nai, Bình Dương) phát triển kinh tế cửa khẩu, logistics, công nghiệp chế biến nông lâm sản, mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng, trồng cây công nghiệp, bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học.

Hệ thống đô thị của vùng Đông Nam Bộ phát triển theo hướng thông minh, hiện đại, kết nối với các đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới; dọc theo các đầu mối giao thông lớn, tại các vùng có địa hình cao; hạn chế mở rộng đô thị trên diện rộng, đặc biệt tại khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics; chuỗi công nghiệp-đô thị; các tổ hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị.

Khu vực nông thôn ưu tiên bố trí khu dân cư tập trung, hạn chế bám dọc theo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, phù hợp với đặc điểm và hình thái phân bố tại vùng đô thị hoá, sản xuất xuất nông nghiệp hàng hoá, đồng bằng, ven biển, biên giới…

Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để mở rộng không gian phát triển

Thống nhất với mục tiêu đến năm 2030 trở thành vùng phát triển hiện đại, có thu nhập cao, các uỷ viên phản biện cho rằng cần mở rộng không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ để giảm bớt áp lực khu vực trung tâm thông qua ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại (giao thông, logistics, năng lượng, cấp thoát nước, hạ tầng số...).

"Vùng Đông Nam Bộ không chỉ là động lực tăng trưởng quốc gia mà còn cho các vùng kinh tế-xã hội, vì vậy, việc tháo gỡ các điểm nghẽn hạ tầng kỹ thuật, dịch chuyển các khu công nghiệp không chỉ dừng lại ở nội vùng mà cần tính đến các vùng, địa phương lân cận, còn vùng Đông Nam Bộ tập trung phát triển những ngành công nghiệp công nghệ cao, là trung tâm dịch vụ tài chính, logistics, thương mại, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ… của cả nước", TS. Dương Đình Giám trao đổi.

Để triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương là thành viên của Hội đồng đã kiến nghị cụ thể về triển khai các dự án hạ tầng dùng chung, kết nối vùng, liên vùng; định hướng phát triển một số hành lang kinh tế; cơ chế tham vấn giữa các địa phương trong xây dựng kế hoạch đầu tư công để hiện thực hoá các định hướng liên kết, hợp tác; hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng;…

Đông Nam Bộ sẽ là nơi thí điểm cơ chế, chính sách cần đổi mới, tạo đột phá - Ảnh 6.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng lĩnh vực công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, năng lượng xanh, công nghệ cốt lõi… - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Thay đổi tư duy phát triển khép kín, cục bộ

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của quy hoạch vùng Đông Nam Bộ đối với việc cụ thể hoá quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch chuyên ngành quốc gia.

Quy hoạch cần trả lời những câu hỏi về căn cứ khoa học để xác định các địa phương thuộc phạm vi của vùng Đông Nam Bộ (sự tương đồng, bổ trợ lẫn nhau về kinh tế, xã hội, văn hoá, tự nhiên…); cơ sở phân chia thành các tiểu vùng; các thế mạnh, sản phẩm riêng biệt; định hướng quy hoạch không gian đô thị, nông thôn;… cùng với các vùng kinh tế-xã hội khác, tạo lên sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng cho rằng Quy hoạch phải giải quyết những bất cập, hạn chế đối với sự phát triển của toàn vùng và các địa phương trong vùng khi chưa có quy hoạch vùng, nhất là nguyên nhân khiến vùng Đông Nam Bộ phát triển chậm lại, từ đó "vẽ lên bức tranh mới, sức sống mới, động lực mới, có hạ tầng hiện đại, phù hợp với truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu".

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, vùng Đông Nam Bộ phải thay đổi tư duy phát triển khép kín, cục bộ sang liên kết với các vùng, địa phương khác về cả kinh tế, thương mại, văn hoá, du lịch… bằng các hành lang phát triển, đô thị được kết nối bằng hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.

Bên cạnh đó, Quy hoạch cần xác định những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đổi mới cơ cấu kinh tế vùng Đông Nam Bộ, khai thác tối đa lợi thế khác biệt. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, năng lượng xanh, công nghệ cốt lõi… Nông nghiệp hướng vào công nghệ cao, tạo ra không gian xanh, gắn với du lịch. Trước yêu cầu nguồn nhân lực phải đi trước một bước mới có thể thu hút các dự án FDI công nghệ cao, kinh tế tri thức, Phó Thủ tướng cho rằng, vùng Đông Nam Bộ phải giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt trong giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ…

"Những di sản văn hoá, khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học… phải được quy định chi tiết trong Quy hoạch, có định hướng khai thác, sử dụng bền vững, để Đông Nam Bộ là một vùng xanh", Phó Thủ tướng lưu ý.

Lựa chọn dự án, công trình ưu tiên "đầu tư cho ra tấm, ra món"

Trao đổi về lộ trình triển khai Quy hoạch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh hai điểm: Vùng Đông Nam Bộ sẽ là nơi thí điểm những cơ chế, chính sách cần đổi mới, tạo đột phá; đồng thời có tiêu chí lựa chọn những nhiệm vụ, dự án, công trình ưu tiên "đầu tư cho ra tấm, ra món" để phát huy tối đa lợi thế của vùng, mang lại lợi ích chung cho các địa phương.

"Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ được lập trên tư duy bao trùm vùng, kết nối vùng nhưng cũng cần quy hoạch chi tiết rõ ràng không gian phát triển đô thị, khu chức năng, ngành kinh tế…", Phó Thủ tướng nói và yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ các ý kiến thành viên Hội đồng, chuyên gia, nhà khoa học... hoàn thiện Quy hoạch, bảo đảm chất lượng, mang theo tư duy đổi mới, đột phá với sự liên kết giữa các quy hoạch chuyên ngành, địa phương chứ không phải là "phép cộng cơ học"; đồng thời, chỉ ra những công việc cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.


Theo Minh Khôi

VGP

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên