MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng Nhân dân tệ đang ngày càng "địa phương hóa"

21-06-2016 - 19:24 PM | Tài chính quốc tế

Tỷ lệ sử dụng đồng Nhân dân tệ trong các giao dịch quốc tế còn giảm hơn sau khi được IMF đưa vào rổ các đồng tiền dự trữ chủ chốt và chỉ còn chiếm 1,82% tính đến tháng 4/2016.

Trong tuần trước, việc MSCI hoãn đưa các cổ phiếu hạng A của Trung Quốc đại lục vào chỉ số chứng khoán mới nổi là một đòn giáng mạnh vào thị trường tài chính nước này. Tuy nhiên, đây không phải là thông tin tệ nhất khi những nỗ lực quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ của chính quyền Bắc Kinh đang có dấu hiệu bị đảo chiều.

Thay vì quốc tế hóa, đồng Nhân dân tệ đang ngày càng “địa phương hóa”

Quyết định của MSCI trong tuần trước hoàn toàn trái ngược với việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cam kết sẽ đưa đồng Nhân dân tệ vào rổ các đồng tiền dự trữ chủ chốt (SDR) vào tháng 12/2015.

Động thái của IMF khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên khi đồng tiền này chưa đáp ứng đủ các điều kiện để được vào SDR như được tự do giao dịch và sử dụng. Thậm chí khi độ sử dụng rộng rãi của Nhân dân tệ đạt đỉnh vào tháng 8/2015 với 2,79% trong tổng giao dịch quốc tế, tỷ lệ này vẫn còn kém rất nhiều so với mức 44,8% của đồng USD.

Có lẽ, quyết định của IMF phần nhiều mang tính khuyến khích các nhà lãnh đạo Trung Quốc thực hiện đầy đủ những cam kết tự do hóa đồng Nhân dân tệ từ nay đến năm 2020.

Dẫu vậy, thực tế thì đồng tiền này đã ít được sử dụng rộng rãi hơn trên thế giới kể từ sau quyết định của IMF. Kể từ tháng 3/2015, tỷ lệ tiền gửi bằng đồng Nhân dân tệ tại 3 trung tâm tài chính lớn đối với đồng tiền này là Hồng Kông, Đài Loan và Singapore đã giảm 16% xuống còn 1,24 nghìn tỷ Nhân dân tệ , tương đương 188 tỷ USD.

Thậm chí, tỷ lệ sử dụng đồng Nhân dân tệ trong các giao dịch quốc tế còn giảm hơn sau khi được IMF đưa vào SDR và chỉ còn chiếm 1,82% tính đến tháng 4/2016. Đặc biệt, việc chỉ có 1/4 các giao dịch có sử dụng đồng Nhân dân tệ là nằm bên ngoài thị trường Trung Quốc hay Hồng Kông khiến tỷ lệ sử dụng thực sự đồng tiền này trên thị trường quốc tế chỉ chiếm chưa đến 0,5%.

Như vậy, tỷ lệ này chỉ xấp xỉ so với các đồng Krone của Na Uy hay đồng nội tệ của Đan Mạch.

Trên thực tế, thậm chí các doanh nghiệp Trung Quốc cũng hạn chế sử dụng đồng Nhân dân tệ trong các giao dịch quốc tế. Các số liệu cho thấy số tiền Nhân dân tệ mà các ngân hàng Trung Quốc nhận được từ các giao dịch quốc tế đã giảm liên tục gần 60% từ mức đỉnh tháng 4/2015.

Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng không còn mặn mà nắm giữ đồng Nhân dân tệ nữa. Dòng vốn đầu tư vào Trung Quốc, đại biểu cho nhu cầu nắm giữu đồng nội tệ, hiện đã giảm 38% so với cùng kỳ năm 2015. Tỷ lệ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này cũng đã giảm 15% so với năm ngoái, còn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán đã giảm 61%.

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm mạnh xuống bằng mức năm 2012 (nghìn tỷ USD)
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm mạnh xuống bằng mức năm 2012 (nghìn tỷ USD)

Đồng Nhân dân tệ đang “chảy” trở về Trung Quốc

Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những tổ chức đầu cơ vào các thị trường mới nổi cực kỳ nhạy cảm với những rủi ro và biến động. Đây là một trong những lý do chính khiến các dòng vốn rút khỏi Trung Quốc khi chính quyền Bắc Kinh can thiệp quá sâu vào thị trường chứng khoán cũng như tiền tệ , quá đó tạo nên những hiệu ứng trái với quy luật thị trường tự do.

Ngoài ra, các công ty Trung Quốc lo ngại việc đồng Nhân dân tệ mất giá sau khi chính quyền Bắc Kinh thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá vào năm ngoái. Một đồng Nhân dân tệ rẻ hơn sẽ khiến các khoản nợ bằng ngoại tệ trở nên đắt đỏ hơn. Vì vậy, những công ty này có xu hướng thanh toán các khoản nợ ngoại tệ và thay thế bằng những khoản tín dụng bằng nội tệ.

Yếu tố này khiến một lượng lớn đồng Nhân dân tệ bị đưa trở lại thị trường Trung Quốc đại lục từ các trung tâm tài chính như Hồng Kông hay Đài Loan.

Một yếu tố nữa khiến đồng tiền này bị rút mạnh khỏi các giao dịch quốc tế là sự can thiệp của ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC).

Do tỷ giá nội địa và quốc tế của Nhân dân tệ là khác nhau trong khi PBOC lại muốn thu hẹp khoảng cách này, hậu quả là PBOC đã phải bơm một lượng lớn ngoại tệ để mua Nhân dân tệ tại thị trường nước ngoài nhằm giữ mức tỷ giá theo thị trường nội địa.

Sau đó, lượng Nhân dân tệ này lại được chuyển về Trung Quốc đại lục và càng làm giảm tính quốc tế hóa của chúng.

Chi phí vay qua đêm bằng đồng Nhân dân tệ tại Hồng Kông tăng mạnh sau đợt mua vào của PBOC
Chi phí vay qua đêm bằng đồng Nhân dân tệ tại Hồng Kông tăng mạnh sau đợt mua vào của PBOC
Tỷ giá Nhân dân tệ trong nước (xanh) và nước ngoài (trắng) tiệm cận nhau sau đợt mua vào của PBOC
Tỷ giá Nhân dân tệ trong nước (xanh) và nước ngoài (trắng) tiệm cận nhau sau đợt mua vào của PBOC

Mặt khác, việc chính quyền Bắc Kinh muốn duy trì một đồng nội tệ rẻ nhằm thúc đẩy xuất khẩu đang tạo ra nhiều hệ lụy nguy hiểm. Động thái này đang khiến đồng Nhân dân tệ và các tài sản đầu tư tại Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn hơn, qua đó đẩy các dòng vốn rút khỏi quốc gia này và tạo nên rủi ro thanh khoản trong ngành ngân hàng cũng như hệ thống tài chính.

Bất chấp những rủi ro như vậy, Trung Quốc vẫn tăng cường hút đồng Nhân dân tệ trở lại nước mình. Mới đây, nước này đã cho phát hành 3 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu tại Luân Đôn, tương đương hơn 10% lượng Nhân dân tệ khả dụng tại đây, qua đó hạn chế tính thanh khoản của đồng tiền này trên thị trường Châu Âu.

Trớ trêu hơn, hãng tin Bloomberg nhận định việc Nhân dân tệ được thêm vào SDR sẽ khiến khoảng gần 17% lượng đồng tiền này bị hút trở lại Trung Quốc đại lục, qua đó càng làm giảm tính quốc tế hóa của chúng, một tiêu chí để IMF xét duyệt cho vào SDR.

Rõ ràng, việc hút đồng Nhân dân tệ quay trở lại Trung Quốc đại lục không phải là một quyết định chính xác khi nguồn vốn tại đây không được sử dụng hiệu quả do cơ chế quan liêu hành chính và sự yếu kém của hệ thống ngân hàng. Dẫu vậy, có lẽ chính quyền Bắc Kinh có quan điểm riêng mà không chuyên gia quốc tế nào đủ “trình độ” để có thể hiểu.

Theo Hoàng Nam

Trí thức trẻ / cafebiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên