MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng phục biển hiệu: Hà Nội sẽ đỡ nhếch nhác lộn xộn, tại sao cứ phải "ném đá"?

Sẽ không bao giờ có thể đổi mới, thay đổi đi cái cũ vốn đã nhếch nhác, lộn xộn nếu như chỉ toàn tiếng chửi và sự hoài nghi, mà thiếu đi lời góp ý.

Dư luận những ngày qua đang nóng lên chuyện một con đường kiểu mẫu của Thủ đô - được kỳ vọng là con đường đẹp nhất, thông thoáng và văn minh, trật tự nhất - lại trưng biển hiệu đồng loạt chỉ với hai màu xanh đỏ.

Người ta lên tiếng bức xúc, hay thậm chí là tiếng chửi những người trực tiếp thực hiện, những nhà quản lý "ngồi máy lạnh", chỉ biết nghĩ ra những chuyện "không đâu vào đâu", hay "tốn tiền của của dân". Rồi không ít những hoài nghi, mổ xẻ được đặt ra: Cơ quan quản lý có đang vi phạm quy định của Luật? Có đang áp đặt người dân? Có đang triệt tiêu sự sáng tạo?...

Trước khi bàn luận về câu chuyện biển hiệu đồng phục trên tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn, cần phải nhìn nhận lại hình ảnh đô thị của Hà Nội. Hình ảnh và diện mạo của Thủ đô đã có nhiều sự thay đổi trong những năm gần đây, khi UBND Thành phố đầu tư mạnh vào hạ tầng đô thị, làm đường, hầm chui, cầu vượt hay cầu đi bộ, vườn hoa, cây cảnh...

Thế nhưng, một trong những yếu tố cấu thành của không gian, cảnh quan đô thị là biển hiệu cửa hàng, biển quảng cáo... lại chưa được chấn chỉnh và thậm chí, có lúc còn bị đánh giá là đang "buông lỏng", gây nên tình trạng lộn xộn, nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng an toàn giao thông.

Đã có không ít thông tin liên quan đến việc "hiểm họa từ biển hiệu". Đã từng có chuyện biển hiệu bị chập điện gây nên hỏa hoạn với thiệt hại lớn; hay những biển hiệu được làm quá kích thước, quy mô lớn đổ sập giữa đường;... Và cả những biển hiệu phản cảm, thiếu tính văn hóa, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Thủ đô.

Do đó, sự chỉnh trang lại bộ mặt đô thị, trong đó có hệ thống biển hiệu là rất cần thiết để có một Thủ đô đẹp hơn, văn minh, trật tự và an toàn hơn. Bởi vậy, chủ trương cải tạo lại tuyến phố Lê Trọng Tấn, - một con phố nhỏ của Hà Nội để trở thành con đường kiểu mẫu, đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Và có lẽ, không chỉ con phố này mà mọi người dân sống ở Thủ đô, đều mong muốn Hà Nội có một diện mạo mới.

Trở lại câu chuyện biển hiệu trên phố Lê Trọng Tấn, không phủ nhận một hàng biển hiệu chỉ với hai màu xanh đỏ, đã tạo nên sự thiếu thiện cảm. Chắc chắn, không có cửa hàng kinh doanh hay doanh nghiệp nào muốn có một biển hiệu nhạt hòa, bị trộn lẫn và đồng màu với những cửa hàng khác. Thực tế, dư luận cũng đã lên tiếng phản ứng gay gắt...

Ngay khi có những phản ứng của dư luận, lãnh đạo quận Thanh Xuân đã chủ động thông tin cho báo chí. Theo đó, việc trưng biển hiệu trên phố Lê Trọng Tấn đã nhận được sự đồng thuận của người dân, và hoạt động này là làm thí điểm, trên cơ sở đó để tiếp tục lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp và có những điều chỉnh.

Lãnh đạo Quận Thanh Xuân cũng nhấn mạnh với chúng tôi rằng, không áp đặt hay ép buộc các đơn vị, cá nhân hay doanh nghiệp nào phải làm biển hiệu theo yêu cầu về màu sắc và tôn trọng logo, thương hiệu riêng của từng đơn vị. Đồng thời, quận luôn sẵn sàng tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên địa bàn.

Cần khẳng định lại rằng, với những bất cập trong quản lý đô thị hiện nay tại Hà Nội, thì việc chấn chỉnh lại đồng bộ hạ tầng đô thị là cần thiết, trong đó có đồng bộ hệ thống biển hiệu. Thế nhưng, thay vì phản bác hay buông những tiếng "chửi", Hà Nội cần hơn những lời góp ý, cần tiếng nói xây dựng để Hà Nội thực sự đẹp và văn minh.

Theo đó, có hai vấn đề trong việc đồng bộ biển hiệu như chủ trương cần được các cơ quan chức năng lưu tâm để đưa ra những biện pháp, cách làm tốt hơn, phù hợp hơn.

Trước hết, cần phải xác định sự đồng bộ về mặt cảnh quan đô thị, không có nghĩa là đồng nhất, trong đó có hệ thống biển hiệu. Đây là một trong những kênh để giới thiệu và thu hút khách hàng, giúp doanh nghiệp định vị thương hiệu với bản sắc riêng, nên sẽ không có doanh nghiệp hay cá nhân nào muốn thương hiệu riêng của mình bị nhạt nhòa, trộn lẫn.

Lãnh đạo quận Thanh Xuân cũng đã khẳng định hoàn toàn tôn trọng thương hiệu, logo của từng doanh nghiệp và cá nhân, trên cơ sở mỗi đơn vị đưa ra được giấy chứng nhận về sở hữu trí tuệ theo đúng quy định. Thực tế, vẫn có những biển hiệu mang bản sắc riêng, được lựa chọn màu sắc, chất liệu riêng theo đúng đặc trưng thương hiệu.

Thứ hai, để có thể lắp biển hiệu đúng với bản sắc, định vị riêng đã được đăng ký với cơ quan sở hữu trí tuệ, cá nhân hay tổ chức phải có giấy chứng nhận về thương hiệu. Theo giải thích của lãnh đạo quận, viện đưa ra yêu cầu này nhằm đảm bảo đơn vị thực hiện theo đúng những gì đã đăng ký và được phê duyệt bởi cơ quan chức năng, tránh việc "nay biển hiệu này, mai biển hiệu kia".

Lý lẽ này là đúng và cần thiết, nhưng chưa đủ thuyết phục. Bởi với doanh nghiệp có thể đặt ra những yêu cầu về giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ, còn cá cá nhân kinh doanh thì lại không dễ. Đồng thời, việc yêu cầu phải có giấy chứng nhận này, làm sao để nó không trở thành một giấy phép con khi các đơn vị lắp biển hiệu trong kinh doanh cũng là điều mà cơ quan quản lý phải cân nhắc.

Trong bối cảnh Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ đang kêu gọi cải thiện môi trường kinh doanh, không cho phép đưa ra những giấy phép con, thì việc yêu cầu có giấy phép liên quan như thế nào cho phù hợp, để không tạo ra những giấy phép con, cản trở người dân và doanh nghiệp kinh doanh là điều cần thiết.

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên