Đồng Tháp làm gì để liên tiếp 11 năm ở top dẫn đầu chỉ số PCI cả nước?
Đây là năm thứ 11 liên tiếp Đồng Tháp vào top 5 bảng xếp hạng PCI, vì sao một địa phương không có nhiều tiềm năng, vị trí không thuận lợi lại có thể làm được điều này?
- 27-03-2019PCI 2018 có gì đáng chú ý?
- 11-09-2018Quảng Ninh: Nhiều giải pháp giữ vững ngôi vị “quán quân” PCI
- 22-08-2018Quảng Ninh đặt mục tiêu giữ vững ngôi vị quán quân PCI trong năm 2018
Vừa trở về sau chuyến ra Hà Nội nhận danh hiệu Á quân về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương dành cho PV Lao Động cuộc trao đổi.
Ông Nguyễn Văn Dương phát biểu tại Hội nghị khoa học về khu Ramsar Tràm Chim. Ảnh: Lục Tùng
Khẳng định “PCI là bệ phóng để Đồng Tháp hướng tới hành trình thay đổi bộ máy mệnh lệnh hành chính sang bộ máy kiến tạo và phục vụ”, ông Dương cho biết thêm: Là địa phương có vị trí không thuận lợi, tiềm năng không nhiều nên Đồng Tháp xác định để phát triển, trước hết phải phát huy tối đa yếu tố nội lực để thu hút ngoại lực.
PV: Thưa ông, thực tế cho thấy, qua nhiều năm tạo dựng được thương hiệu “Đồng Tháp - PCI”, nhà đầu tư đã tìm đến Đồng Tháp nhiều hơn. Tỉnh có chủ trương gì để giữ phong độ này?
Ông Nguyễn Văn Dương: Dù ở lần công bố này, Đồng Tháp vươn lên vị trí Á quân và có đến 7/10 chỉ số tăng điểm so với năm trước, nhưng bản thân tôi và những cộng sự vẫn chưa thật sự hài lòng vì vẫn còn nhiều tiêu chí cần phải thực hiện quyết liệt hơn nữa.
Và cũng như trước đó, sau kỳ công bố kết quả PCI, tỉnh tổ chức hội nghị phân tích các chỉ số để phân công nhiệm vụ cho từng ngành có biện pháp khắc phục trên cơ sở xem cộng đồng doanh nghiệp (DN) còn điểm nào chưa hài lòng để đề ra giải pháp cải thiện.
Trong thời gian qua, tỉnh đã rút ngắn thời gian giải quyết và đơn giản hoá thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho DN; Minh bạch thông tin và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN qua mô hình Cà phê doanh nhân; Công khai số điện thoại, địa chỉ email của lãnh đạo tỉnh; Tiếp nhận và giải quyết các ý kiến kiến nghị, phản ánh của cộng đồng DN qua mạng xã hội. Đặc biệt, Đồng Tháp đã rút ngắn 50% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính khi thành lập DN...
PV: Được biết, Đồng Tháp luôn chủ trương đồng hành cùng DN, sắp tới tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chính sách này ra sao thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Dương: Chúng tôi xác định, kinh tế không thể phát triển, nông dân không thể khá lên nếu không thay đổi phương thức sản xuất, không có những DN mạnh làm đầu tàu. Vì vậy, không chỉ mời gọi, Đồng Tháp còn áp dụng nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, nhất là những dự án có sức lan toả và tác động lớn đến nông dân và nông thôn.
Với bất kỳ dự án nào, nhà đầu tư nào, lãnh đạo tỉnh cũng đón tiếp đầu tiên để cho chủ trương. Sau đó phân công các ngành chức năng hỗ trợ thực hiện các phần việc theo hướng có lợi nhất cho nhà đầu tư.
Đồng Tháp xác định, việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và cấp huyện (DDCI) là một trong những nỗ lực củng cố và nâng cao chất lượng, nhằm tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, tạo thuận lợi nhất cho DN và nhà đầu tư. Do đó, khi xây dựng bộ chỉ số này, tỉnh đã tham vấn VCCI Cần Thơ và các đơn vị, địa phương liên quan để bám sát những vấn đề mà các DN quan tâm nhất...
Để đạt được mục tiêu này, Đồng Tháp xác định sẽ tiếp tục cải tiến mạnh mẽ trong thực thi chính sách, triển khai bộ chỉ số đánh giá chất lượng điều hành của các sở, ngành và UBND cấp huyện để ghi nhận phản ánh và ý kiến của DN về chất lượng điều hành. Tỉnh cũng tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng cấp, hạn chế sự chồng chéo, không để hình thành các tiêu cực, nhũng nhiễu.
Xin cảm ơn ông!
Lao động