MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dòng tiền đã quay lại vàng?

18-05-2021 - 10:19 AM | Tài chính - ngân hàng

Dòng tiền đã quay lại vàng?

Dòng tiền đổ vào quỹ ETF lớn hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust bất ngờ chuyển trạng thái dương sau 2 tháng âm liên tục giữa lúc lạm phát ở Mỹ vọt lên mức cao nhất trong 13 năm trở lại đây. Thị trường có rất nhiều yếu tố hỗ trợ vàng chinh phục mốc 2.000 USD/ounce trong tương lai...

TS. Hồ Quốc Tuấn
TS. Hồ Quốc Tuấn
Giảng viên Đại học Bristol, Anh
4 bài viết

Để cung cấp thêm góc nhìn về câu chuyện dòng tiền và lạm phát, VnEconomy xin trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng  viên Đại học Bristol, Anh.

BA ĐIỀU QUAN TÂM CỦA GIỚI ĐẦU TƯ VÀNG 

Trong tuần lễ thứ hai của tháng 5/2021, giới đầu tư vàng thế giới đang chú ý ba diễn biến.

Thứ nhất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2021 của Mỹ tăng lên mức 4,2% từ mức 2,6% của tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất của thước đo lạm phát này trong 13 năm trở lại đây.

Thứ hai, dòng tiền đổ vào quỹ ETF vàng lớn hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust đã chuyển sang trạng thái dương, hơn 400 triệu USD đã đổ vào, sau khi liên tục âm kể từ đầu tháng 3/2021.

Thứ ba, là xung đột leo thang giữa Israel và Palestine ở dải Gaza.

Dòng tiền đã quay lại vàng? - Ảnh 1.

Quỹ SPDR Gold Trust đang thu hút tiền trở lại kể từ ngày 7/5. Nguồn: ETF.com.


Dòng tiền đã quay lại vàng? - Ảnh 2.

10 quỹ đầu tư ETF bị rút vốn nhiều nhất từ đầu năm 2021 ở Mỹ (triệu USD). Nguồn: Factset, ETF.com.

Đây dường như là những dấu hiệu cho thấy một sự biến chuyển trên thị trường vàng thế giới. Việc dòng vốn đổ vào quỹ ETF vàng trở nên dương đã góp phần đẩy giá vàng lên trên mốc 1.820 USD/ounce và đang kiểm định lại khu vực kháng cự 1.840-1.850 USD/ounce trên đồ thị tuần. Vượt qua được mốc này, giá vàng có thể tăng mạnh trở lại và hướng về mốc giá 2.000 USD/ounce.

HAI  "TẢNG  ĐÁ" NGÁNG ĐƯỜNG ĐI CỦA VÀNG 

Dường như mọi việc đều đang thuận lợi cho vàng? Nhưng... không hẳn như vậy. Vẫn còn đó những hòn đá cản bước tiến của vàng.

Carsten Fritsch, chuyên gia phân tích kim loại quý của Ngân hàng Commerzbank, chỉ ra điều mà đa số nhà đầu tư vẫn còn lo ngại. Đó là lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ quay lại lên trên 1,65% và được cho là nhiều khả năng sẽ vượt 1,7% trong thời gian ngắn sắp tới.

"Nhân tố "chặn đường" vàng không phải là lợi suất trái phiếu, mà ở đối thủ cạnh tranh mới nổi: Bitcoin".

Ông Mike McGlone

Chuyên gia phân tích của Bloomberg Intelligence

Lợi suất trái phiếu càng tăng sẽ khiến cho chi phí cơ hội nắm giữ những tài sản không trả lãi như vàng càng bất lợi. Vì thế, ông cho rằng đây là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng chưa vượt được 1.850 USD/ounce vì người ta vẫn đang ngần ngại chuyện lợi suất trái phiếu tăng.

Ở một góc nhìn khác, Mike McGlone, chuyên gia phân tích của Bloomberg Intelligence, cho rằng nhân tố “chặn đường” vàng không phải là lợi suất trái phiếu, mà ở đối thủ cạnh tranh mới nổi: Bitcoin. Vị chuyên gia đến từ Bloomberg Intelligence nhìn nhận rằng nếu không phải vì Bitcoin, giá vàng đáng lý ra đã vượt 1.850 USD/ounce từ lâu. Các đồng tiền mã hóa đang che đi một phần ánh sáng lấp lánh của vàng.

Ông Mike McGlone nhận xét rằng vàng sẽ dần trở thành một thứ tài sản đầu tư “rất chán” (boring) vì những sự sôi động và cơ hội tăng giá đang nằm ở phía các đồng tiền mã hóa mới nổi, cho dù lạm phát tăng sẽ khiến người ta nghĩ tới tài sản thay thế. “Nhưng tại sao phải mua vàng nếu người ta đang có những tài sản thay thế thời thượng mới như Bitcoin?”, ông McGlone đặt câu hỏi.

Nhận định này của ông McGlone có vẻ có lý. Nhưng nếu nhìn lại tài sản do quỹ GLD đang quản lý, nhiều nhà đầu tư có thể sẽ có lý do để nghi ngờ. Từ đầu năm 2021 đến nay, quỹ chuyên đầu tư vàng này đúng là một trong 10 quỹ ETF bị rút vốn nhiều nhất ở Mỹ, với tổng vốn rút ra hơn gần 8 tỷ USD.

Nhưng ngay cả với mức rút vốn như vậy, tổng tài sản quỹ này đang quản lý là 60,2 tỷ USD, một trong những quỹ ETF lớn của Mỹ, cao gấp 1,5 lần tài sản quản lý của quỹ chuyên đầu tư vào các tổ chức tài chính như XLF. Nói cách khác, đầu tư vào vàng vẫn hấp dẫn một lượng lớn nhà đầu tư, dù cũng phải thừa nhận lượng tiền rút ra khỏi vàng cũng thuộc loại lớn nhất trong thị trường ETF.

Vàng đang đứng trước một cơ hội bứt phá mức cản 1.850 USD/ounce nếu như Bitcoin và các đồng tiền mã hóa bớt “sốt”, và kỳ vọng lạm phát tiếp tục tăng. Việc giá Bitcoin giảm lại dưới mốc 50.000 USD trong tuần qua khiến một số nhà phân tích đồng tiền mã hóa này có thể phải kẹt ở mức dưới mức 55.000 USD một thời gian nữa, thậm chí giảm về 43.000 USD hoặc thấp hơn. Đây là một cơ hội cho vàng bứt phá trong bối cảnh lo ngại lạm phát cao ở Mỹ và Trung Quốc vẫn đang nhen nhóm.

Về vấn đề lợi suất trái phiếu chính phủ, một góc nhìn khác được đưa ra gần đây là mặc dù lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ theo chiều tăng, lợi suất thực lại âm do lạm phát tăng cao và nhanh hơn mức tăng lợi suất. Và điều này có thể khiến một số nhà đầu tư bán trái phiếu ra và mua vàng.

Vì thế, kiểu gì người ta cũng có cách lý giải về vàng.

Với nhiều năm quan sát thị trường vàng, tôi nhận thấy thay vì quá tập trung vào những nhận định định tính có thể nói theo nhiều góc độ, hãy tập trung hơn vào dòng tiền. Việc dòng tiền của quỹ GLD có thể tăng lên hơn 400 triệu USD trong một tuần là một tín hiệu cho thấy xu thế dòng tiền có thể đang quay lại vàng. Nếu giá vàng có thể đột phá mức 1.850 USD/ounce, dòng tiền đầu tư vào vàng có thể sẽ còn mạnh hơn.

VÀNG  TĂNG, NHƯNG “LƯỚT  SÓNG” CHƯA CHẮC CÓ LỢI 

Trong bối cảnh giá vàng quốc tế có thể vượt 1.850 USD/ounce và tăng lên lại khu vực gần 2.000 USD/ounce, đã có nhà đầu tư nghĩ đến chuyện mua vàng. Tuy nhiên, theo quan sát thị trường vàng trong nước, có thể thấy chưa hẳn mua bán lướt sóng đã có lợi. Yếu tố đầu tiên là ở chỗ chênh lệch giá mua-giá bán ở Việt Nam có thể “rộng như sông Đồng Nai”, cách nói vui của giới kinh doanh tiền tệ, vàng bạc ở Việt Nam. Cách nói này hình tượng hóa trạng thái chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra vàng có thể rất lớn, nhất là khi giá vàng bắt đầu biến động nhanh hơn.

"Giá vàng quốc tế có thể sẽ bắt đầu tăng nhanh hơn nếu vượt qua được mốc 1.850 USD/ounce, giá vàng trong nước sẽ biến động như thế nào vẫn là một ẩn số. Cái thú vị của thị trường vàng ở Việt Nam cũng là ở đó. Với người am hiểu về thị trường vàng Việt Nam, không thể lấy biến động giá vàng quốc tế để luận về giá vàng trong nước".

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh.

Với trạng thái giá vàng trong nước và quốc tế có thể lệch nhau rất lớn và giá mua vào rất thấp so với bán ra, thì việc lướt sóng giá vàng của một số nhà đầu tư có thể không được lời như mong đợi. Đó là chưa kể việc một số người có xu hướng tích lũy vàng theo kiểu “giá thấp gom vào, giá tăng bán ra”.

Theo cách đó, trong thời gian qua, giá vàng quốc tế có thể tăng mạnh, nhưng giá vàng trong nước có thể tăng theo khá chậm. Điều này cũng tương đối phù hợp với định hướng điều hành thị trường vàng của Chính phủ theo hướng ổn định và hạn chế hoạt động đầu cơ, tránh những diễn biến bất ổn quá cao như một số năm trước.

Tuy nhiên, đánh đổi lại cho điều đó sẽ là một sự lệch pha lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, cũng như khả năng chênh lệch cao giữa giá mua vào và bán ra vàng trong nước.

Nói tóm lại, giá vàng quốc tế có thể sẽ bắt đầu tăng nhanh hơn nếu vượt qua được mốc 1.850 USD/ounce, giá vàng trong nước sẽ biến động như thế nào vẫn là một ẩn số. Cái thú vị của thị trường vàng ở Việt Nam cũng là ở đó. Với người am hiểu về thị trường vàng Việt Nam, không thể lấy biến động giá vàng quốc tế để luận về giá vàng trong nước.

(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh


Theo TS. Hồ Quốc Tuấn

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên