Dòng tiền đầu tư bất động sản đang đổ vào miền Trung
Theo chuyên gia bất động sản, dòng tiền đang có sự chuyển hướng từ miền Bắc vào miền Trung. Điều này được thể hiện qua mức độ quan tâm khu vực miền Trung tăng vọt lên 14%, trong khi mức độ quan tâm khu vực miền Bắc, miền Nam giảm.
- 06-04-2022"Bão giá" nguyên vật liệu "quét sạch" lợi nhuận, đẩy nhiều doanh nghiệp xây dựng rơi vào thua lỗ
- 06-04-2022Tháo gỡ “vướng mắc” cho nhà ở xã hội
- 06-04-2022Hà Nội công bố quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống
Bất động sản vẫn là kênh hút dòng tiền đầu tư
Tại buổi công bố báo cáo thị trường quý 1/2022, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn đã chia sẻ những thông tin tổng quan về tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường bất động sản. Theo đó, nền kinh tế phát triển ổn định trong quý với mức tăng trưởng GDP tốt hơn cùng kỳ 2020 và 2021, đạt 5,03%.
Đáng chú ý, trong khi FDI đăng ký toàn ngành giảm 12% so với cùng kỳ năm trước thì vốn FDI đổ vào bất động sản tăng 213%. “Điều này cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài nhìn thấy tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Ông Quốc Anh dẫn số liệu so sánh với thời điểm năm 2010 - giai đoạn kinh tế thế giới suy thoái với 30% vốn đầu tư đến từ nhà nước, lãi suất cho vay hơn 13%/năm. Đây là yếu tố gây ra bong bóng bất động sản. Qua đó, thấy nền kinh tế năm 2022 dự báo sẽ tăng trưởng ổn định và bền vững khi vốn đầu tư được quản lý chặt chẽ, có trọng tâm; lãi suất ổn định và kinh tế bắt đầu hồi phục tốt sau hơn 2 năm dịch bệnh.
Với thị trường bất động sản, Chính phủ đang từng bước minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, giúp thị trường phát triển lành mạnh và bền vững. Trong khi đó, theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, người mua nhà tiếp tục đánh giá tích cực về thị trường bất động sản sau Tết âm lịch. Bất động sản được lựa chọn là kênh đầu tư ưu tiên so với phần còn lại như vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm…
Ông Quốc Anh đánh giá, hiện thị trường bất động sản bớt sôi động hơn năm 2021 do dòng vốn đầu tư, vốn dịch chuyển sang sản xuất, kinh doanh nhiều hơn. Tỷ trọng tín dụng bất động sản hiện chiếm khoảng 19% trong tổng dự nợ nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát sao và siết chặt tín dụng vào bất động sản có tính đầu cơ, các dự án lớn. Chính phủ tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản. Số ca mắc Covid-19 tăng cao khiến việc đi xem nhà khó khăn. Ngoài ra, trải qua nhiều cơn sốt đất, nhà đầu tư đã thận trọng hơn trong việc quyết định đầu tư.
Tuy nhiên, tổng quan mà nói vẫn có nhiều yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản là kênh thu hút dòng tiền đầu tư, bởi theo khảo sát có 60% nhà đầu tư vẫn chọn đầu tư vào bất động sản trong vòng 6-12 tháng tới.
Sự dịch chuyển của dòng tiền đầu tư bất động sản
Nhận định về bức tranh thị trường bất động sản, ông Quốc Anh cho rằng, bức tranh chung về loại hình cho thuê chung cư, nhà riêng, văn phòng, nhà mặt phố khá khả quan trong năm 2022. Đặc biệt, thuê chung cư gia tăng mạnh khi người dân quay trở lại các thành phố. Sự sôi động của đất, đất nền dự án tiếp tục được duy trì.
Phân tích sâu từng phân khúc, ông Quốc Anh đánh giá, thị trường bất động sản cho thuê đang có dấu hiệu sôi động trở lại, cụ thể căn hộ chung cư tăng 19% so với quý 1/2021, cho thuê văn phòng tăng 47%, cho thuê nhà mặt phố 2%, cho thuê kho, nhà xưởng, đất tăng 9%.
“Yếu tố này khá là tích cực đến từ việc mở cửa dần lại nền kinh tế nên các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường, đặc biệt là chính sách của Chính phủ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người công nhân giúp cho lượng người quay trở lại thành phố cao lên, thứ hai du lịch quay trở lại, việc đi lại giữa các vùng miền, các nước tốt hơn thúc đẩy phân khúc cho thuê tốt hơn ở giai đoạn này”, vị này nhấn mạnh.
Tuy nhiên, không phải mọi loại hình đều đã quay lại hồi trước dịch. Đặc biệt với hai loại hình cho thuê nhà riêng và nhà mặt phố, so sánh với với năm 2019, mặt bằng nhà riêng vẫn giảm 6%, nhà phố giảm 16%. Đây là 2 loại hình bị ảnh hưởng mạnh với dịch Covid-19.
Để thấy được sự sôi động của phân khúc đất nền, ông Quốc Anh so sánh lượng tìm kiếm từ khoá quy hoạch trên cả nước trong tháng 3/2022, tăng trưởng 22% so với cùng tháng 3/2021.
“Như vậy, sự sôi động thị trường kém hơn một chút nhưng thông tin tìm kiếm quy hoạch tăng trưởng mạnh, như vậy sự quan tâm tìm kiếm, nhắm trước của các nhà đầu tư vào thông tin quy hoạch là có trên thị trường – đây là tiền đề quan trọng để thị trường bất động sản vẫn tiếp tục đi lên”, ông Quốc Anh nói.
Đáng chú ý, mức độ quan tâm trong quý 1/2022 giảm nhẹ so với quý 1/2021 nhưng vẫn có những khu vực có sự quan tâm nổi trội như khu vực miền Trung tăng vọt lên 14% trong khi khu vực miền Bắc, miền Nam giảm.
Và sự quan tâm này tập trung ở Bình Thuận tăng 44%, Khánh Hoà tăng 48%, Đắk Lắk tăng 58%, Quảng Nam tăng 14%, Thanh Hoá tăng 6%.
“Sự quan tâm đang có xu hướng dịch chuyển sát hơn về khu vực miền Trung. Trước kia giai đoạn 2020-2021, sự quan tâm dịch chuyển từ miền Nam ra miền Bắc và lân cận khu vực Hà Nội”, ông Quốc Anh nhận định.
Theo ông Quốc Anh, dòng tiền đầu tư lớn chủ yếu đến từ khu vực phía Bắc, và có sự góp mặt của khu vực phía Nam nhưng ít hơn. Dòng tiền này đi theo thông tin quy hoạch nổi bật, thông tin triển khai các dự án, các chủ đầu tư lớn đầu tư vào khu vực nào... Chính điều này đã thu hút các nhà đầu tư, đẩy giá bất động sản khu vực đó. Lấy dẫn chứng tại Thanh Hoá, mức độ quan tâm chỉ tăng 6% so với cùng kỳ nhưng mức giá tăng tới 35% nhờ nhiều thông tin quy hoạch trung tâm thành phố, có sự tham gia của những tập đoàn lớn…