MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dòng tiền sẽ quay trở lại các thị trường chứng khoán mới nổi và Việt Nam là điểm đến quan trọng

Dòng tiền sẽ quay trở lại các thị trường chứng khoán mới nổi và Việt Nam là điểm đến quan trọng

Theo ông Lu Hui Hung, Tổng Giám đốc, Công ty CP Quản lý Quỹ Phú Hưng, khi tình hình kinh tế thế giới trở nên ổn định, dòng tiền sẽ quay lại các thị trường mới nổi và Việt Nam chắc chắn sẽ là điểm đến quan trọng của dòng vốn ngoại.

Kể từ tháng 7/2023, thị trường chứng khoán toàn cầu đã chứng kiến sự trở lại trở lại tích cực hơn của dòng tiền đầu tư. Dòng tiền đổ vào các quỹ cổ phiếu toàn cầu đã ghi nhận sự tăng trưởng tháng thứ 3 liên tiếp, cùng với đó là những dự báo tích cực hơn về triển vọng kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, loạt chính sách hỗ trợ nền kinh tế cũng đang được đẩy mạnh, tuy nhiên vẫn chưa có sự gia tăng trở lại của dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán.

Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, ông Lu Hui Hung, Tổng Giám đốc, Công ty CP Quản lý Quỹ Phú Hưng đã có những chia sẻ về triển vọng kinh tế cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam.

BTV Mùi Khánh Ly: Kinh tế toàn cầu đã được nâng triển vọng và được dự báo sẽ “hạ cánh mềm” trong năm 2023, thay vì những dự đoán khó khăn như đầu năm. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Ông Lu Hui Hung, Tổng Giám đốc, Công ty CP Quản lý Quỹ Phú Hưng

Số liệu GDP Quý 2/2023 của các nền kinh tế đầu tàu thế giới như Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản, đều cho thấy tốt hơn so với kỳ vọng của thị trường. Các tổ chức quốc tế lớn, gồm WB, IMF, OECD đã điều chỉnh dự báo GDP toàn cầu lên cao hơn và lạc quan hơn trong năm 2023. Đây là một kịch bản khá tích cực vì trước đó thị trường vẫn lo ngại về suy thoái kinh tế sẽ xảy ra trong năm nay. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi tin rằng hầu hết các nền kinh tế đang có dấu hiệu cải thiện và bắt đầu đi lên từ đáy. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hết sức lưu ý về nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Trước những kỳ vọng tích cực thì dòng vốn toàn cầu đã cho thấy sự cải thiện rõ ràng trong tháng 7 và tháng 8, theo ông dòng vốn toàn cầu sẽ đi theo hướng nào trong thời gian tới?

Thông thường, thị trường chứng khoán sẽ đi trước nền kinh tế vĩ mô khoảng 6-8 tháng, do đó chúng ta đã thấy hầu hết các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đều ghi nhận đà tăng kể từ đầu năm đến nay như chỉ số S&P 500 đã tăng 13,6%, chỉ số Nasdaq tăng 34,3%, hay chỉ số Nikkie tăng 21,74%...Việt Nam cũng đã ghi nhận mức tăng trưởng 12,58%. Chúng tôi hiểu rằng nền kinh tế tốt hơn kỳ vọng ban đầu đã hỗ trợ cho sự phục hồi này, tuy nhiên thị trường hiện hơi quá lạc quan.

Dòng tiền sẽ quay trở lại các thị trường chứng khoán mới nổi và Việt Nam là điểm đến quan trọng - Ảnh 1.

Như tôi đã đề cập ở trên, kinh tế thế giới dự kiến hạ cánh mềm, qua đó mức lãi suất tại các nước hay khu vực phát triển như Mỹ và Châu Âu dự kiến sẽ duy trì ở mặt bằng cao lâu hơn, cũng như các vấn đề của hệ thống ngân hàng Mỹ sau đợt bị hạ xếp hạng tín nhiệm. Dòng tiền sẽ có xu hướng giảm tỷ trọng đối với các tài sản rủi ro trong thời gian sắp tới. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có thể sẽ phải đối mặt với khả năng nhà đầu tư nước ngoài hạn chế đầu tư vào thời điểm đó. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng áp lực sẽ chỉ trong ngắn hạn. Từ năm 2024 trở đi, kỳ vọng dòng tiền sẽ quay lại các thị trường mới nổi khi các yếu tố về lãi suất hạ nhiệt, kinh tế toàn cầu có thể lấy lại đà tăng trưởng rõ ràng hơn.

Tại Việt Nam, nền kinh tế đang trên đà phục hồi tích cực cùng thị trường chứng khoán đi lên, thanh khoản thị trường tăng mạnh lên tỷ USD mỗi phiên, theo ông đến thời điểm này, thị trường Việt Nam có đang tiềm năng và cơ hội như thế nào?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã phục hồi khá tốt trong giai đoạn vừa qua, nhờ những kỳ vọng lạc quan từ việc giảm lãi suất điều hành của Chính phủ và các giải pháp khơi thông nguồn vốn từ ngân hàng đến doanh nghiệp. Giá trị giao dịch trong tháng 8 đã tăng mạnh và đạt bình quân khoảng 1 tỷ USD mỗi phiên (tăng gần gấp đôi so với trung bình từ tháng 1 đến tháng 5).

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán trong ngắn hạn sẽ đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến việc các nhà đầu tư nước ngoài có thể hạn chế đầu tư cũng như tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Tăng trưởng tín dụng chậm cho thấy doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn mới. Lũy kế từ đầu năm đến nay tăng trưởng tín dụng chỉ mới đạt 4,39% so với mức mục tiêu 14% của chính phủ. Ngoài ra, những rủi ro kinh tế từ phía Trung Quốc cũng sẽ tác động lên tình hình tỷ giá đồng Việt Nam.

Nhưng về trung và dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được hỗ trợ bởi nhiều điểm sáng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ vượt mức trung bình của khu vực và thế giới. Tỷ giá và lạm phát ổn định, kỳ vọng đạt mục tiêu của chính phủ cũng là những yếu tố quan trọng thu hút dòng vốn ngoại. Cùng với đó, việc tầng lớp trung lưu đang tăng lên, dự báo vượt hơn 50% vào năm 2035 sẽ tạo ra nhu cầu đầu tư. Chúng tôi tin tưởng rằng sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn là rất hứa hẹn.

T hời gian qua, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã cải thiện hơn nhưng dòng đầu tư gián tiếp nước ngoài FII chưa thực sự ổn định, ông đánh giá như thế nào về điều này?

Dòng vốn FDI mang nhiều tín hiệu tích cực, trong 7 tháng đầu năm đạt hơn 16 tỷ USD, tăng 4,5%. Điều này cho thấy niềm tin vững chắc của các đối tác, đặc biệt là các đối tác truyền thống như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…vào nền kinh tế của Việt Nam trong dài hạn.

Tuy nhiên, về dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài FII liên quan nhiều tới các thương vụ M&A thì trong năm nay, chúng ta vẫn chưa thấy có thương vụ lớn nào khác ngoài thương vụ của VP Bank vừa qua. Áp lực từ lãi suất USD neo cao, cùng với tiến trình cơ cấu lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản trong thời điểm hiện tại đã khiến dòng vốn FII chững lại. Triển vọng trong trong năm 2024 có thể sẽ tốt hơn nhiều, một số thương vụ có thể kỳ vọng bao gồm việc tăng vốn của các ngân hàng, hoạt động thoái vốn, cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước.

Còn trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng khi mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh Quý 2 qua đi, thị trường sẽ bước vào giai đoạn “vùng trũng” thông tin. Cùng với tác động của triển vọng khó đoán trên thế giới, dòng vốn ngoại có thể sẽ tạm dịch chuyển khỏi các thị trường mới nổi. Vì vậy, dòng tiền trong nước sẽ vẫn là yếu tố dẫn dắt chủ đạo trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, khi tình hình kinh tế thế giới trở nên ổn định, dòng tiền sẽ quay lại các thị trường mới nổi và Việt Nam chắc chắn sẽ là điểm đến quan trọng của dòng vốn ngoại.

Vậy trong thời gian tới, theo ông thị trường sẽ diễn biến như thế nào?

Theo quan điểm của tôi, với những yếu tố vĩ mô đã phân tích ở trên cộng với việc dòng tiền vào thị trường mạnh mẽ sẽ đủ để hỗ trợ thị trường trong xu hướng đi lên thời gian tới. Còn trong ngắn hạn, sẽ khó có một cú hích mạnh nhưng chúng tôi tin thị trường có thể đạt được mức 1.300 điểm trong năm nay. Năm sau, khi các yếu tố trở nên rõ ràng hơn như các nền kinh tế phục hồi tích cực hơn, các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn thì khi đó thị trường có thể thể đạt được mốc 1.500 điểm trở lại. Còn về mức định giá của thị trường hiện nay đang khoảng 14 lần, một mức hợp lý và chúng tôi kỳ vọng trong tương lai mức P/E của thị trường sẽ còn tiếp tục tăng.

Với vai trò là cầu nối giữa thị trường Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài, Phú hưng có những giải pháp như thế nào để góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển trong thời gian tới?

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang hồi phục và bước sang giai đoạn tăng trưởng, chúng tôi sẽ tiếp tục vai trò làm cầu nối thị trường Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài bằng cách tập trung vào các nhóm giải pháp chính như tiếp tục triển khai số hóa các sản phẩm tài chính để tăng tính tiếp cận cho nhà đầu tư, Nâng cao năng lực quản lý, giám sát rủi ro; Phát triển thêm nhiều sản phẩm đầu tư như quỹ mở và quỹ ETF Tăng cường minh bạch thông tin cho các nhà đầu tư. Đồng thời phối hợp với các bên liên quan để truyền thông, giới thiệu cơ hội đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư được quản lý chuyên nghiệp, cũng tiếp tục bám sát theo các định hướng, chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng phát triển. Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Phú Hưng được thành lập vào năm 2007 và đã luôn đồng hành cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong gần 2 thập kỷ qua. Để thu hút nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán, bên cạnh dịch vụ Tư vấn đầu tư và Quản lý danh mục đầu tư, thì chúng tôi cũng vừa cho ra đời quỹ mở cổ phiếu đầu tiên là quỹ đầu tư chọn lọc Phú Hưng Việt Nam. Quỹ này là lựa chọn mới cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn đầu tư vào các cổ phiếu tốt niêm yết trên HOSE và HNX và có thể đầu tư thông qua ứng dụng trên điện thoại.

Bảo Anh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên