Đồng USD mạnh là "quả thép văng" sẽ đẩy kinh tế Mỹ và thế giới đến bờ vực?
Cuối cùng thì USD có thể trở thành nạn nhân ngay trong chính thành công của nó.
- 12-08-2019Mỗi giờ trôi qua, gia tộc giàu nhất thế giới lại có thêm 4 triệu USD
- 09-08-2019Gần như không thu phí trong khi ngân hàng tính phí cắt cổ, công ty fintech này muốn tạo ra cuộc cách mạng trên thị trường màu mỡ trị giá 124 nghìn tỷ USD
- 09-08-2019Thương chiến: Sở hữu thứ vũ khí ngàn tỉ USD, Trung Quốc vẫn chưa tấn công Mỹ vì đang bận "mài" cho sắc, hay vì... sợ?
Tổng thống Donald Trump thường xuyên than phiền rằng đồng USD hiện đang quá mạnh và không ít lần chỉ trích Fed không ra tay hỗ trợ nền kinh tế, tuy nhiên ông không phải là người duy nhất lo ngại sức mạnh của đồng USD đang gây ra nhiều tổn thất cho kinh tế Mỹ. Thậm chí một số người còn cho rằng chính đồng USD sẽ kích loạt 1 đợt suy thoái mới.
Được thống kê từ cuối những năm 1960, chỉ số đo lường diễn biến của USD so với một rổ tiền tệ hiện đang ở mức cao kỷ lục sau khi tăng 25% so với thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008. Một chỉ số khác từng chạm đáy vài tuần trước khi Mỹ mất mức xếp hạng AAA từ S&P cũng đã tăng tới 32%. Trong thời kỳ này USD đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền thuộc nhóm G10.
Đây chắc hẳn là tin tốt lành đối với các nhà đầu tư đã đặt cược vào sức mạnh của đồng bạc xanh. Tuy nhiên đó lại là tin xấu với nhiều người khác. USD tăng giá khiến các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ - vốn là cỗ máy chính của kinh tế Mỹ - bị sụt giảm lợi nhuận. Có thể kể đến những cái tên như Coca-Cola, Caterpillar hay Boeing. Đồng thời USD mạnh lên cũng làm nặng nợ thêm cho các công ty ở bên ngoài nước Mỹ hiện đang phải gánh hàng nghìn tỷ USD nợ niêm yết bằng đồng đôla. Những yếu tố này đặc biệt nghiêm trọng khi mà hiện nay ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang ở bên bờ 1 cuộc suy thoái.
Theo nhận định của ngân hàng Morgan Stanley, đồng USD sẽ là yếu tố kích hoạt cho cuộc suy thoái tiếp theo ập đến với nước Mỹ và cả thế giới. USD tăng giá ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các công ty trong chỉ số S&P 500, gián tiếp dẫn đến ít việc làm hơn và tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Cuối cùng thì USD có thể trở thành nạn nhân ngay trong chính thành công của nó và ngân hàng này dự đoán đồng bạc xanh sẽ giảm giá tới 25% trong 5 năm tới. Morgan Stanley gần đây đã mua vào won Hàn Quốc, đồng koruna của Czech và đôla New Zealand, ngoài ra khuyến nghị mua yên Nhật và franc Thụy Sĩ.
Đồng USD tăng giá mang đến những tác động tiêu cực cho bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp bên ngoài nước Mỹ. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng thanh toán quốc tế BIS, tính đến tháng 3 tổng các khoản nợ bằng USD của các con nợ phi ngân hàng bên ngoài nước Mỹ đã lên tới 11.800 tỷ USD. USD càng tăng giá thì những khoản nợ sẽ càng phình to.
Theo các chuyên gia phân tích của Morgan Stanley, đồng USD đang ở mức định giá cao hơn 10% so với giá trị thực. Và nếu Fed nới lỏng chính sách tiền tệ, kể cả khi các NHTW lớn khác cũng làm điều tương tự, USD sẽ suy yếu nhưng đó sẽ là cách để hỗ trợ kinh tế toàn cầu.
Dựa theo 3 chu kỳ tăng giá gần nhất của đồng USD thì đà tăng giá lần này sắp sửa chấm dứt. USD sắp bước vào chu kỳ giảm giá kéo dài từ 5 đến 7 năm, trong khi đó các đồng tiền khác sẽ bắt đầu tăng giá.
"Tiền tệ đặc biệt ở chỗ không phải lúc nào cũng bị tác động bởi chênh lệch lãi suất mà chênh lệch trong tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng rất quan trọng. Vì các NHTW khác đang bắt đầu cắt giảm lãi suất và kích thích tăng trưởng, trong vài năm tới có rất ít lý do để USD tiếp tục mạnh như hiện nay", chuyên gia của Morgan Stanley nhận định.