MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dòng vốn khó chảy: Tại anh hay tại ả?

04-07-2016 - 13:43 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều năm qua, doanh nghiệp liên tục kêu khó tiếp cận vốn, ngân hàng cũng kêu khổ khi tìm khách cho vay, nhiều khi phải đứng cho vay rồi lại "quỳ" thu nợ,…Cung cầu không gặp nhau, lỗi tại ngân hàng hay tại doanh nghiệp?

Trong mối quan hệ cộng sinh, ngân hàng và doanh nghiệp là những đối tác quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của nhau. Doanh nghiệp là đối tượng khách hàng được quan tâm hàng đầu của các NHTM và ngược lại doanh nghiệp muốn sống khỏe cần phải có "hầu bao" của các ngân hàng.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, doanh nghiệp liên tục kêu khó tiếp cận vốn, ngân hàng cũng kêu khổ khi tìm khách cho vay, đứng cho vay rồi lại "quỳ" thu hồi nợ,…Cung cầu không gặp nhau, lỗi tại ngân hàng, tại doanh nghiệp hay cả đôi bên?

Những người cùng khổ

Kinh tế khó khăn chung khiến tình hình tài chính của doanh nghiệp sa sút, nợ quá hạn phát sinh nhiều, rất nhiều doanh nghiệp không trả được nợ, thậm chí phá sản, kéo theo nợ xấu của ngân hàng tăng. Nhiều doanh nghiệp không được rót vốn để thực hiện các phương án kinh doanh mới, rơi vào vòng luẩn quẩn, sống dở chết dở…

Hiện nay, chỉ có khoảng 30% số DN nhỏ và vừa có khả năng tiếp cận và được vay vốn thường xuyên. Hơn 48% doanh nghiệp trong diện được ngân hàng xem xét, tức là có vướng mắc với ngân hàng về nợ xấu, và số còn lại là gần như rất khó để xem xét và hoạt động trong diện cầm chừng vì thiếu vốn quay vòng.

Thực tế cho thấy trong bối cảnh làm ăn khó khăn của doanh nghiệp, nhiều món cho vay đối với DN nhỏ và vừa bị... mất khiến ngân hàng càng siết chặt các điều kiện vay vốn. Tỷ lệ nợ xấu tại các DN nhỏ và vừa rất thấp nhưng phần lớn doanh nghiệp lại thiếu các điều kiện đảm bảo tín dụng cho mình. Việc thẩm định, chọn lọc khách hàng cũng theo cách kỹ lưỡng hơn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện vay vốn của ngân hàng.

Trong khi đó, các kênh huy động vốn khác trên thị trường như phát hành cổ phiếu, trái phiếu hoặc tự huy động vốn thì phần lớn DN nhỏ và vừa thường không có đủ điều kiện và uy tín.

Còn về phía ngân hàng, theo chia sẻ của một số lãnh đạo ngân hàng cho biết họ đang “đỏ mắt” tìm khách hàng, tìm thấy được khách đã mừng nhưng muốn cho vay được lại tùy thuộc vào việc doanh nghiệp có đáp ứng được điều kiện tín dụng, có tài sản đảm bảo,... hay không?

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần phía Nam cho biết, không cứ là doanh nghiệp lớn, ngay cả những DN nhỏ và vừa nhưng có tình hình tài chính rõ ràng, ngân hàng rất dễ xét duyệt cho vay. Tuy nhiên, phần lớn DN nhỏ và vừa đều đang có tình trạng sổ sách chưa rõ ràng, mục đích sử dụng vốn chưa thuyết phục, đặc biệt khả năng trả nợ vẫn là dấu hỏi lớn nên ngân hàng dù có muốn cũng không thể xét duyệt cho vay.

Trao đổi với chúng tôi, một vị lãnh đạo NHNN cho biết, vấn đề này nếu giải quyết mà chỉ từ phía NHTM và doanh nghiệp thì chỉ mới là điểm cần chứ chưa đủ, mà cần có sự tham gia của địa phương. Các Sở, ngành địa phương cần mở nhiều cuộc đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho họ gặp nhau nhiều hơn.

Tính quản trị minh bạch ở các doanh nghiệp vẫn còn yếu và thiếu, vì vậy cần hoạt động chân thực, bài bản và minh bạch, bền vững chứ không phải “ăn xổi ở thì”,… Đồng thời, các ngân hàng cũng cần lắng nghe thấu hiểu doanh nghiệp và nâng cao quản trị rủi ro.

Lãi suất vay sẽ tăng?

Trong khi bài toán làm thế nào để giúp doanh nghiệp và ngân hàng “gặp nhau” vẫn chưa được gỡ rối thì lãi suất lại trở thành câu chuyện nhức đầu nhất khiến cơ quan điều hành phải cân đo thận trọng hiện nay.

Sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, NHNN được chỉ đạo xây dựng lộ trình báo cáo Thủ tướng, quyết tâm từ nay đến cuối năm đưa ra các kịch bản giảm lãi suất .

Ngoài ra, trong định hướng nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2017, Thủ tướng cũng yêu cầu điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, phấn đấu giảm lãi suất, góp phần giảm chi phí đầu vào và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

NHNN cũng thể hiện quyết tâm giảm lãi suất khi ban hành Chỉ thị 04 về điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng 6 tháng cuối năm. Một trong những yêu cầu được Thống đốc đưa ra là ổn định lãi suất huy động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên sau 2 tháng, tại phiên họp Chính phủ trực tuyến chiều ngày 1/7, nhận định thời gian tới, Thống đốc cho rằng sức ép tăng lãi suất trên thị trường là rất lớn, xuất phát từ kỳ vọng lạm phát. Do đó, điều hành cần rất thận trọng, không chủ quan với lạm phát, ngoài điều hành giá nói chung thì cần cân nhắc và thận trọng các hoạt động vĩ mô khác, để tránh tác động điều hành lãi suất.

"Vì sức ép lạm phát sẽ tạo nên sức ép vốn và lãi suất đầu vào cao. Bởi hiện nay nguồn vốn tập trung cho kinh tế chiếm phần lớn là nguồn tín dụng ngân hàng, nhu cầu huy động trái phiếu cũng cao hơn, nên cần chủ động linh hoạt trong điều hành, để giữ ổn định lãi suất cho vay, là rất cần thiết" - Thống đốc nhấn mạnh.

Như vậy, mục tiêu giảm lãi suất là rất khó, thậm chí giữ được mặt bằng lãi suất như hiện nay đã là một thành công.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh, khó khăn cho Chính phủ là nguồn lực tài chính, nên việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa và toàn bộ doanh nghiệp trong việc duy trì lãi suất thấp không hề dễ. Lãi suất nếu không được kiểm soát tốt rất có thể lạm phát tăng trở lại, khi đó giá các mặt hàng cơ bản đang có dấu hiệu phục hồi lại trông chờ tăng trở lại. Tuy nhiên, chúng ta có lợi thế là lợi suất trái phiếu chính phủ đang có xu hướng đi xuống, lãi suất liên ngân hàng cũng đang ở mức khá thấp, đó là điều trong ngắn hạn có thể duy trì lãi suất ở mức thấp. Song về dài hạn cần phải kiểm tra dư địa của chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa còn bao nhiêu.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên