"Dòng vốn nóng" ồ ạt chảy vào đất vàng Thủ Thiêm
Có thể nói, chưa bao giờ như thời điểm hiện nay, khi khu đô thị mới Thủ Thiêm của TP.HCM đang trở thành mảnh đất "vàng" thực sự cho các dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Tính từ đầu năm 2016 đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã phải xếp hàng dài để chờ nhận được những khu đất tốt chuẩn bị cho các dự án lớn.
- 28-04-2016Năm Bảy Bảy rót 450 tỷ đồng mua 6.000m2 đất Thủ Thiêm
- 20-04-20163.345 tỉ đồng đầu tư khu dân cư và đường trục Bắc – Nam KĐT Thủ Thiêm
- 16-04-2016Dự án "khủng" 2,2 tỷ USD tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm sắp được khởi công
- 25-03-2016ĐHCĐ Phát Đạt: Sớm trở lại đường đua với 7 lô đất lớn hơn 3.000 tỷ ở Thủ Thiêm
"Cuộc đua nóng" của nhà đầu tư ngoại
Xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ này đúng như lời ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) tiết lộ, làn sóng các quỹ đầu tư bất động sản quốc tế săn lùng mua đất Thủ Thiêm đang diễn ra rầm rộ.
Các lô đất tại đây đón nhận sự quan tâm lớn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, danh sách đề nghị đặt mua quỹ đất này xếp hàng khá dài. Lý do các đối tác quốc tế tìm đến Thủ Thiêm là dịch chuyển dòng vốn từ thị trường Trung Quốc sang. Họ không ngại giá cao mà chỉ cần đất sạch, vị trí đẹp, họ sẵn sàng tiếp cận.
Mới đây nhất, tại buổi làm việc với Lãnh đạo TP.HCM vào chiều ngày 5/5, đại diện các tập đoàn Hoa Kỳ đã nêu một số đề xuất về đầu tư tại Thành phố, trong đó mong muốn đầu tư một dự án quy mô lớn nằm trong quy hoạch của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hướng tới mục tiêu góp phần vào nhiệm vụ phát triển đô thị của thành phố, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành thương mại như các dịch vụ về tài chính của Việt Nam.
Ông William Weidner, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn Global Gaming Asset Management cho biết sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ( TPP ) được ký kết, nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư hợp tác tại TP.HCM với mong muốn tạo nên một giá trị thực tế, đóng góp cho sự phát triển của thành phố.
Nhóm doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn đầu tư dự án tại Thủ Thiêm lần này đều là những tập đoàn có tiềm lực kinh tế và nhiều kinh nghiệm trong xây dựng các khu giải trí trên thế giới. Theo đó, dự án khu phức hợp được triển khai trong khoảng thời gian 3 năm, 2 tháng với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD và đây sẽ là đầu tư tư nhân lớn nhất của các công ty Mỹ tại Việt Nam.
Không kém cạnh, trao đổi với chúng tôi mới đây, đại diện tập đoàn Lotte cho biết dự kiến trong tháng 7/2016 tới sẽ chính thức khởi công dự án có quy mô vốn đầu tư lớn nhất của tập đoàn này tại TP.HCM, đó là dự án Thu Thiem Eco Smart City 2,2 tỷ USD tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo đó, nhà đầu tư dự kiến được chọn là Liên danh Tập đoàn Lotte, gồm 4 công ty con: Lotte Asset Development Co., Ltd.; Lotte Shopping Co., Ltd.; Hotel Lotte Co., Ltd. và Lotte Engineering & Construction Co., Ltd. với 3 công ty là Mitsubishi Corporation; Mitsubishi Estate Co., Ltd. và Toshiba Corporation) để thực hiện dự án Khu phức hợp Thành phố thông minh Thủ Thiêm (Thủ Thiêm Eco Smart City) tại khu chức năng 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tổng số vốn đầu tư mà liên doanh Lotte cam kết rót vào khoảng 2,2 tỷ USD. Dự án có diện tích khoảng 16,71 ha bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn, khu căn hộ dịch vụ, văn phòng, chung cư... và điểm nhấn là tòa cao ốc 50 tầng.
Sôi sục làn sóng "săn" đất của doanh nghiệp trong nước
Trong khi chờ đợi các bên làm việc với nhau để cụ thể hóa từng kế hoạch đầu tư, theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, cuối tháng 4/2016 UBND TP.HCM cũng đã chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc Khu nhà ở phức hợp Xi Thủ Thiêm tại các lô đất số 3-3; 3-7 và 3-11 thuộc Khu chức năng số 3 do Công ty TNHH MTV Phát triển GS Sài Gòn làm chủ đầu tư.
Xi Thủ Thiêm có diện tích đất rộng 40.148 m2 và tổng diện tích sàn xây dựng dự kiến 232.439 m2.
Song song đó, UBND TP.HCM cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện dự án cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức Hợp đồng BT và cho phép thành phố chỉ định Liên danh Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) - Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển Hạ tầng 620 và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng 168 làm chủ đầu tư. Đổi lại, công ty PDR sẽ được hoán đổi 11 lô đất ngay tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ở môt diễn biến khác, Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) vừa nhận chuyển nhượng Công ty Trường Thịnh Phát từ CII . Trường Thịnh Phát là chủ đầu tư dự án trên khu đất rộng 6.000 m2, hệ số đất là 10, được xây dựng cao 25 tầng tại khu đô thị Thủ Thiêm.
Tổng chi phí đầu tư cho dự án dự kiến là 1.980 tỷ đồng. Hiện tại NBB đang xem xét để đưa ra mức giá bán hợp lý cho dự án này.
Được biết, trước đó CII cũng vừa thông báo đã nhận được quyết định giao đất, cho thuê đất của dự án BT Thủ Thiêm từ UBND TP.HCM. Theo đó, Tp.HCM giao cho CII 90.078,3 m2 đất sử dụng ổn định lâu dài (để xây dựng nhà ở) và 6.053,6 m2 đất sử dụng 50 năm (để xây dựng văn phòng cho thuê), trả tiền thuê đất một lần cho toàn thời gian thuê. Quy mô dự án hơn 60 căn hộ cao cấp.
Chủ đầu tư dự án Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM mới theo hình thức BT cũng vừa đề xuất với chính quyền thành phố xem xét cho hoán đổi một khu đất tại Thủ Thiêm.
Theo ông Huỳnh Phước Nghĩa - Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC), có nhiều nguyên nhân khiến các quỹ đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến Thủ Thiêm. Thứ nhất, dòng vốn đang dịch chuyển từ thị trường nhiều biến động là Trung Quốc sang Việt Nam và Thủ Thiêm là khu mới nổi đầy tiềm năng, còn nhiều quỹ đất sạch nên hút dòng vốn này như một hệ quả tất yếu.
Thứ hai, hạ tầng của khu Đông TP.HCM có sự đầu tư mạnh mẽ đã tiến bộ vượt bậc, trong đó quận 2, 9 và đặc biệt là Thủ Thiêm hưởng lợi nhiều nhất. Trung bình cứ một đồng đầu tư hạ tầng có thể kích bất động sản tăng giá 10-15%.
Thứ ba, các chính sách thu hút nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản đang được cải thiện. Thứ tư, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng bằng cách tham gia nhiều hiệp định thương mại.
Về các dự án bất động sản, các dự án lớn có nhà đầu tư trong khu đô thị Thủ Thiêm có thể kể ra, bao gồm:
- Khu đô thị Sala (khu chức năng số 5 và 6): Nhà đầu tư là Công ty Đại Quang Minh
- Khu dân cư phía Bắc (khu chức năng 3 và 4): Nhà đầu tư gồm các công ty CII (Việt Nam), GS E&C (Hàn Quốc)
- Khu chức năng số 1: Nhà đầu tư là Công ty Quốc Lộc Phát - Keppel Land (Singapore)
- Khu chức năng số 2a: Nhà đầu tư là Liên doanh Lotte Group (Hàn Quốc), Mitsubishi Group và Toshiba Group (Nhật Bản)
- Khu chức năng 2b: Nhà đầu tư là Liên doanh Tiến Phước (Việt Nam), GAW Capital Partners (Hong Kong), Keppel Land (Singapore). Công ty TNHH Keppel Land (Singapore) đã ký kết thỏa thuận đầu tư có điều kiện để nắm giữ 40% cổ phần tại Công ty TNHH Empire City, chủ đầu tư dự án Empire City tại Thủ Thiêm. Giá trị giao dịch được Keppel tiết lộ là 93,9 triệu USD.
- Khu chức năng 2c: Nhà đầu tư là Tập đoàn Vingroup (Việt Nam).