MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng yên Nhật mất 6% giá trị so với đồng USD vì triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu

08-06-2021 - 10:19 AM | Tài chính quốc tế

Đồng yên Nhật mất 6% giá trị so với đồng USD vì triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu

Khi kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi trở lại từ đại dịch Covid-19, Nhật Bản có vẻ sẽ đứng yên trong khi đồng tiền của nước này lại đi giật lùi.

Đồng yên của Nhật đã giảm gần 6% so với đồng USD trong năm nay, biến nó trở thành đồng tiền mất giá lớn nhất trong bối cảnh thị trường toàn cầu chuẩn bị cho những đợt tăng lãi suất ở hầu hết thế giới, ngoại trừ Nhật Bản.

Sự trở lại bình thường đối với hầu hết các quốc gia sẽ đồng nghĩa với tăng trưởng và các biện pháp quản lý tiền tệ chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, tình trạng giảm phát và cuộc khủng hoảng sẽ không dẫn tới các biện pháp tương tự. Khi khoảng cách giữa trong nước với thế giới lại tiếp tục bị nới rộng, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ mang tiền đi đầu tư ở nước ngoài thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập, làm gia tăng thêm áp lực cho đồng tiền này.

Mark Grant, trưởng chiến lược gia toàn cầu tại B Riley Securities Inc., cho biết: "Năm ngoái có một chút bất thường và giờ chúng ta đã trở lại với quy trình bình thường. Nhật Bản đang bế tắc. Nền kinh tế của quốc gia này không phục hồi trở lại nhanh chóng như Mỹ và châu Âu sau khi đại dịch được khống chế".

Các chiến lược gia ở Tokyo lưu ý rằng điểm yếu của đồng yên lộ diện rõ ràng nhất nếu so với các đồng tiền của những nước xuất khẩu tài nguyên như Canada, Australia và New Zealand. Các chuyên gia cũng dự báo đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên và chiếm ưu thế hoàn toàn so với đồng yên vào cuối năm nay.

Yujiro Goto, người đứng đầu bộ phận chiến lược ngoại hối tại Nomura Holdings Inc., nhận định Nhật Bản có một vấn đề cơ bản là lạm phát thấp. Theo Goto, đồng yên sẽ tiếp tục mất giá so với đồng USD. Cụ thể, 1 USD sẽ đổi được 112 yên Nhật vào cuối năm nay và 115 yên Nhật vào cuối năm 2022. Hiện tại, giá là 109,25 yên đổi 1 USD.

Giá tiêu dùng của Nhật Bản tăng trưởng âm kể từ tháng 8 năm ngoái. Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này cũng nói rằng họ sẽ kiên trì với chính sách để lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm ở mức gần bằng 0.

Ngược lại, giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết họ có thể bắt đầu thảo luận về các biện pháp cắt giảm ở những cuộc họp sắp tới. Ngân hàng Canada thì bắt đầu giảm mua trái phiếu, Ngân hàng trung ương Na Uy đang trên đà tăng lãi suất trong năm nay và dự báo Ngân hàng Trung ương New Zealand cũng có động thái tương tự vào năm 2022.

Trong khi các nhà đầu tư có thể quan tâm đến việc đồng nào tăng mạnh nhất so với đồng yên, các nhà quản lý quỹ thì đặt cược rằng đồng tiền của Nhật Bản sẽ giảm ở mức cao nhất kể từ đầu năm 2019. Các nhà quản lý tài sản thì đặt cược thấp nhất vào đồng yên kể từ tháng 3/2020.

Shusuke Yamada, người đứng đầu bộ phận chiến lược tỷ giá và ngoại hối Nhật Bản tại Bank of America có trụ sở ở Tokyo, cho biết dòng tiền từ các hoạt động mua bán và sáp nhập đang làm tăng thêm sự suy giảm của đồng yên.

Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, bao gồm cả mua bán và sáp nhập, đã tăng gần 30% trong quý đầu tiên so với một năm trước trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản suy thoái. Đồng yên cũng có xu hướng giảm mạnh so với nhiều loại tiền tệ khác.

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên