MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đợt bùng dịch "từ trên trời rơi xuống" ở Bắc Kinh chỉ ra hàng loạt thách thức cho tăng trưởng của Trung Quốc

17-06-2020 - 15:00 PM | Tài chính quốc tế

Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa thể xác định được ca F0 trong đợt bùng phát dịch ở thủ đô Bắc Kinh, nơi được coi là an toàn nhất đất nước trước đại dịch Covid-19.

Nỗ lực tái mở cửa bị đình trệ

Giống như trên khắp cả nước, các doanh nghiệp ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đã sẵn sàng bỏ virus corona lại phía sau. Tuy nhiên, sự tái xuất hiện của dịch bệnh ở Bắc Kinh vào cuối tuần qua đã làm tăng sự không chắc chắn về tương lai tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nơi đang rất hồ hởi bởi thành tự chống Covid-19 dù là nơi bùng phát bệnh.

"Dữ liệu cho thấy các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Trung Quốc đang phục hồi. Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 thứ 2 có thể một lần nữa tác động nặng nề tới tâm lý người tiêu dùng", Bruce Pang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và chiến lược vĩ mô tại China Renaissancem, cho biết.

Những lo sợ như của Pang ngày một nhiều sau khi thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc bất ngờ phát hiện hàng loạt ca nhiễm Covid-19 đầy bí ẩn từ cuối tuần trước và đầu tuần này. Nó chấm dứt gần 60 ngày không ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 mới tại thủ đô Trung Quốc. Hiện tại, khoảng 106 ca nhiễm mới được xác nhận trong 5 ngày vừa qua.

Phần lớn các ca mắc Covid-19 mới đều liên quan đến một khu chợ đầu mối có tên là Xingadi, nằm ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh. Nó cách quảng trường Thiên An Môn, trung tâm Bắc Kinh, khoảng 14 km về phía tây nam. Hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa thể xác định được nguồn gốc của đợt lây nhiễm mới này.

Dan Wang, nhà phân tích tại The Economist Intelligence Unit (EIU), cho biết Xinfadi là chợ đầu mối nông sản lớn nhất ở miền bắc Trung Quốc. Dịch bệnh bùng phát ở khu vực này làm dấy lên những nỗi lo, nhất là khi chưa xác định được nguồn gốc. Trong khi đó, các chính sách của Bắc Kinh cũng đang khiến nhiều người cảm thấy lo lắng, nhất là khi lệnh phong tỏa thủ đô chưa được ban bố.

"Tâm lý hoảng sợ sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tái mở cửa của thành phố, tổn thương niềm tin tiêu dùng và đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao hơn nữa", Wang nhấn mạnh. Tuần trước, báo cáo của EIU cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị Trung Quốc là 10% trong khi doanh số bán lẻ giảm 8% trong năm nay vì Covid-19.

GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã hứng chịu cú giảm 6,8% trong quý đầu tiên của năm 2020, thời điểm dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc. Xuất hiện lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán vào cuối năm ngoái, virus corona đã gây ra cái chết của hơn 440.000 người trên toàn thế giới với hơn 8,1 triệu người mắc bệnh.

Dịch bệnh được kiểm soát ở Trung Quốc vào cuối tháng 3. Trung Quốc tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của mình và đã tổ chức kỳ họp Quốc hội thường niên sau 2 tháng bị hoãn. Tuy nhiên, lịch trình của kỳ họp này được rút ngắn hơn so với thông thường.

Hình ảnh hàng nghìn đại biểu trên khắp Trung Quốc tụ họp tại thủ đô Bắc Kinh là minh chứng không thể tốt hơn cho việc Trung Quốc đã an toàn trước Covid-19. Học sinh được phép đến trường, các hoạt động xã hội, bao gồm cả thể thao, dần dần trở lại.

Tuy nhiên, ổ dịch ở Bắc Kinh một lần nữa khiến tất cả mọi thứ đình trệ. Thêm vào đó, những kết quả kinh tế không như mong đợi mới được công bố làm dấy lên những lo ngại về khả năng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Nó vạch ra những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt thời kỳ hậu Covid-19, ngay cả khi quốc gia này đạt được thành tựu khổng lồ trong chống dịch.

Thách thức cho tiêu dùng

Sự tái bùng phát dịch bệnh đánh mạnh vào niềm tin tiêu dùng của người Trung Quốc. Nó gây ra một hệ lụy kéo dài, nhất là khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang dựa vào tiêu dùng nội địa như một động lực cho tăng trưởng thời Covid-19.

Oliver Wyman, một công ty tư vấn, cho rằng thị trường may mặc Trung Quốc sẽ mất 60 tỷ USD trong năm nay do virus corona. Nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng có thu nhập thấp đã chọn mua hàng rẻ tiền hơn với số lượng ít hơn.

Tuy nhiên, những thách thức kinh tế phân chia rõ rệt theo nhân khẩu học. Đối với các nhóm thu nhập cao hơn, sự phục hồi sẽ là mạnh mẽ hơn. Các cửa hàng có thể thu hút nhiều khách hàng ở nhóm này hơn bằng việc cung cấp nhiều trải nghiệm cá nhân và dịch vụ tư vấn.

Các địa phương khác nhau của Trung Quốc cũng có những biện pháp khác nhau nhằm kích thích chi tiêu. Theo bước chân của các thành phố khác, Bắc Kinh hồi đầu tháng tuyên bố sẽ chi 12,2 tỷ tệ để kích thích chi tiêu thông qua ứng dụng JD.com. Tuy nhiên, chưa thể xác định tác động của gói kích thích này tới chi tiêu tiêu dùng.

Dẫu vậy, doanh số bán lẻ ở Bắc Kinh đã giảm 21,5% trong 3 tháng đầu năm, lớn hơn so với mức giảm 19% trên toàn quốc và 20,4% của Thượng Hải. Đầu tháng trước, Thượng Hải tổ chức sự kiện mua sắm với gói kích thích 24 tỷ tệ. Theo thông báo của thành phố, từ 1-10/5, doanh thu các cửa hàng vật lý là 48,2 tỷ tệ, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, bán hàng trực tuyến thu về 40 tỷ tệ.

Dữ liệu quốc gia được công bố hôm 15/6 cho thấy sự sụt giảm doanh số bán lẻ trong tháng 5. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy doanh số bán hàng trực tuyến của các của hàng vật lý đã tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Người Trung Quốc hiện nay đang sẵn sàng chi tiêu hơn các thế hệ trước. Covid-19 cũng chứng minh cho một loại hình kinh doanh mới. Nền tảng giao hàng tạp hóa trực tiếp Dada cho biết doanh số bán hàng của họ trong 2 ngày cuối tuần vừa qua tăng 41% so với cùng kỳ tuần trước.

Tuy nhiên, những áp lực lên việc làm là điều không cần phải bàn cãi. Sau khi dịch bùng phát, người lao động, nhất là ở những vùng nông thôn, đã gặp nhiều khó khăn. Tình hình này đang được cải thiện nhưng tái bùng dịch có thể khiến nỗi ám ảnh trở lại.

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên