'Đốt’ cả tấn tiền vào cuộc đua vũ trụ, tỷ phú nào đang là người chiến thắng?
Giới truyền thông gọi Jeff Bezos, Richard Branson và Elon Musk là 3 ông trùm không gian vì họ có nhiều điểm tương đồng.
- 09-03-2022Chuyện buồn ở ‘Google nước Nga’: Công ty bị cô lập, nhà sáng lập rớt khỏi danh sách tỷ phú
- 09-03-2022Những tỷ phú rớt khỏi câu lạc bộ tài sản trên 100 tỷ USD
- 05-03-2022Tỷ phú Elon Musk nêu sự thật cay đắng: Chưa thể bù đắp nổi nếu thiếu nguồn dầu khí của Nga
Jeff Bezos, Elon Musk và Richard Branson là những tỷ phú đã quyết định dồn một lượng lớn tài sản của mình để theo đuổi giấc mơ du hành vũ trụ của họ, tạo ra một cuộc chạy đua vào không gian.
Vậy ai sẽ là người thực sự chiến thắng trong cuộc đua "nhà giàu" này? Câu trả lời là tùy thuộc vào cách bạn nhìn nhận vấn đề bởi các công ty vũ trụ do họ thành lập đều có những mục tiêu và tầm nhìn không giống nhau.
Giới truyền thông gọi Bezos, Branson và Musk là 3 ông trùm không gian vì những điểm tương đồng của họ: Tất cả đều tạo dựng cơ nghiệp trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau trước khi đặt chân các dự án ngoài Trái Đất.
Trong đó, Musk kinh doanh trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến và ô tô điện, Bezos với nền tảng thương mại điện tử Amazon và Branson với đế chế kinh doanh mang thương hiệu Virgin.
Giờ đây, họ là những gương mặt nổi bật nhất trong cuộc chạy đua vào không gian của thế kỷ 21.
Tất nhiên, họ không phải những người chơi duy nhất trong cuộc chơi này bởi bên cạnh họ là hàng trăm startup trong lĩnh vực không gian trên khắp thế giới. Dù vậy, SpaceX của Musk, Blue Origin của Bezos và Virgin của Branson vẫn được hưởng lợi rất nhiều nhờ quan hệ đối tác với NASA và quân đội Mỹ.
Elon Musk
Nếu có một cuộc đua đang diễn ra, nhiều người hâm mộ vũ trụ sẽ bình chọn SpaceX là người dẫn đầu. Thành lập năm 2002, đến nay, SpaceX đã chế tạo thành công tên lửa có khả năng đưa vệ tinh và hàng hóa vào không gian, giành được nhiều hợp đồng lớn của NASA và chính phủ Mỹ.
Ngoài ra, công ty của Musk đã thành công trong việc phát triển một tàu vũ trụ để đưa phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Thời điểm hiện tại, SpaceX đang nghiên cứu chế tạo một con tàu vũ trụ đưa con người lên Mặt trăng và Sao Hỏa.
Trong khi đó, cả công ty của Branson và Bezos đều chưa đưa được phi hành gia lên quỹ đạo mà chỉ bay đến rìa vũ trụ, cách bề mặt Trái Đất khoảng 100km.
Không thể phủ nhận rằng SpaceX thường xuyên là người tiên phong trong lĩnh vực không gian thương mại bằng cách phá vỡ các kỷ lục, làm nên lịch sử và hoàn thành những điều mà các chuyên gia trong ngành từng cho là không khả thi. SpaceX được cho là đã gần như một tay phá vỡ ngành công nghiệp tên lửa, vốn được coi là khá trì trệ và có phần kém thú vị trong vài thập kỷ trước.
Ảnh minh họa: Internet.
Tuy nhiên, Musk lại là người duy nhất trong số 3 vị tỷ phú chưa du hành vào vũ trụ. Cả Bezos và Branson đều đã có những chuyến bay thành công. Đến nay, phát biểu đáng chú ý nhất của Musk về vấn đề này là ông muốn "chết trên Sao Hỏa".
Jeff Bezos
Bezos là tỷ phú không muốn vội vàng sản xuất và biến tên lửa thành một phần thương hiệu của mình. Ông thành lập Blue Origin năm 2000 – 6 năm sau khi thành lập Amazon.
Trong nhiều năm, Blue Origin hoạt động gần như hoàn toàn bí mật. Nhưng giờ đây, mục tiêu của nó khá rõ ràng: Bezos – người giàu bậc nhất thế giới, cuối cùng muốn đưa con người lên sống và làm việc trên vũ trụ để kéo dài tuổi thọ sau khi Trái Đất rơi vào cuộc khủng hoảng khan hiếm năng lượng trong tương lai.
Ngoài ra, ông thành lập Blue Origin còn để phát triển các công nghệ tên lửa và tàu vũ trụ với chi phí thấp hơn. Công ty đã lên kế hoạch xây dựng tàu đổ bộ Mặt trăng, hợp tác cùng NASA cùng một số đối tác khác để thiết lập căn cứ trên Mặt trăng.
New Shepard - tên lửa hoàn toàn tự động, có thể tái sử dụng của Blue Origin - được cho là bước đi đầu tiên trong việc tạo ra công nghệ tàu đổ bộ Mặt trăng. SpaceX đang có kế hoạch phát triển tàu New Shepard để kinh doanh du lịch vũ trụ dưới quỹ đạo, bán vé cho những người giàu có muốn trải nghiệm cảm giác mạnh.
Tham vọng hơn, Blue Orogin còn nghiên cứu công nghệ phát triển tàu New Glenn – dạng tên lửa to và mạnh như Heavy Falcon của SpaceX, để đưa con người và hàng hóa lên vũ trụ.
Tuy nhiên, trong cuộc đua này, SpaceX có lợi thế lớn khi giành được một số hợp đồng béo bở của chính phủ Mỹ để tài trợ cho các dự án như vậy, bao gồm hợp đồng tàu đổ bộ Mặt trăng. Ngoài ra, Amazon cũng đã công bố kế hoạch tạo ra một chòm sao vệ tinh kết nối internet, giống như Starlink của SpaceX.
Richard Branson
Gần đây, sự cạnh tranh giữa Branson và Bezos đã trở thành tâm điểm. Công ty Virgin Galactic của Branson được thành lập với kế hoạch kinh doanh gần giống như Blue Origin của Bezos: đưa khách hàng bay đến rìa không gian. Tuy nhiên, công nghệ của Virgin Galactic không giống Blue Origin.
Jeff Bezos (trái) và Richard Branson (Ảnh: Internet).
Trong trận chiến giữa Branson và Bezos, Branson có quyền tự hào khoe rằng công ty của ông đã đưa con người lên không gian trong các chuyến bay thử nghiệm trong khi mọi chuyến bay thử nghiệm của Blue Origin đến nay đều không mang theo bất cứ phi hành gia nào.
Chưa kể, Branson cũng đã đưa tên lửa lên quỹ đạo - điều đòi hỏi tốc độ và sức mạnh tên lửa lớn hơn nhiều so với các chuyến bay dưới quỹ đạo.
Tên lửa của Branson đã mang lô vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo vào tháng 1 năm ngoái. Mặc dù tên lửa này không mạnh bằng tên lửa Falcon 9 của Musk hay New Glenn của Bezos nhưng công ty của Branson được coi là đơn vị dẫn đầu ngành vũ trụ trong cuộc đua phát triển tên lửa được thiết kế đặc biệt để vận chuyển các vệ tinh nhỏ vào không gian.
Virgin Galactic cũng có một số tầm nhìn dài hạn táo bạo, bao gồm việc tạo ra một máy bay phản lực siêu thanh, tốc độ cao hoạt động dưới quỹ đạo với khả năng đưa con người đi lại giữa các thành phố với tốc độ chóng mặt.
Tóm lại: Cả 3 tỷ phú đều có tham vọng về không gian vũ trụ và đều nhằm mục tiêu phát triển để lĩnh vực tư nhân có thể đưa vệ tinh, con người hay hàng hóa vào không gian nhanh hơn, chi phí rẻ hơn.
Nguồn: CNN, EG
Doanh Nghiệp & Tiếp Thị