Đột phá để phục hồi kinh tế (*): Xây dựng TP HCM thành siêu đô thị
TP HCM có nhiều lợi thế để xây dựng siêu đô thị. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Việc trở thành một siêu đô thị sẽ giúp TP HCM tạo ra xung lực mạnh mẽ để phát triển nhanh trong tương lai
- 24-02-2022Điểm danh các địa phương đón được dòng vốn FDI trăm triệu, tỷ USD từ đầu năm
- 24-02-2022Cản đà tăng giá xăng dầu: Xem xét chính sách thuế môi trường
- 24-02-2022Đủ chiêu “né” thuế chuyển nhượng bất động sản
. Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng cần sự đột phá lớn để phát triển. Theo ông, sự đột phá này đến từ đâu và cần triển khai thực hiện như thế nào?
Ông DANNY VÕ THÀNH ĐĂNG
- Ông DANNY VÕ THÀNH ĐĂNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Giám đốc Điều hành Global Health Assist: Sự phát triển của một quốc gia, TP trước tiên dựa vào tầm nhìn và chiến lược. Chẳng hạn, tầm nhìn xác định 20-30 năm nữa TP HCM của chúng ta sẽ như thế nào, thành tựu ra sao. Tầm nhìn này phải xuyên suốt qua tất cả các thời kỳ lãnh đạo, kèm theo đó là có chiến lược phân mảnh theo từng thời kỳ, từng giai đoạn để cho dù ai đang vận hành, lãnh đạo TP cũng đều đi theo chiến lược chung nhằm mang lại những kết quả sau cùng.
Cần có chiến lược để định vị cho TP và xây dựng thương hiệu rõ ràng cho TP: có thể là TP công nghiệp, TP nông nghiệp, TP thông minh… Phải chọn ra một danh xưng cho TP để dễ dàng truyền thông, quảng bá, kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài, các công ty đa quốc gia vào TP. Sự đột phá này bắt nguồn từ những điều rất đặc biệt và khác biệt với những TP khác.
TP HCM đang trở thành một trong những TP có "TP con" ở bên trong, sắp tới có thể có một vài TP nhỏ hơn ở bên trong nữa và có thể trở thành một siêu đô thị (megacity). Vì vậy, cần có chính sách riêng, cơ chế riêng để hóa giải và giải quyết những vấn đề vướng mắc về bất động sản, giao thông, hạ tầng, đầu tư… Kế đến, cần khai thác những thế mạnh có sẵn về mặt địa lý, không gian để phát triển TP. Chẳng hạn như tận dụng hệ thống sông ngòi kênh rạch hiện hữu để phát triển giao thông đường thủy song song với đầu tư phát triển hệ thống giao thông hiện đại gồm tàu điện ngầm, đường cao tốc như các nước trong khu vực.
Ông vừa nói đến việc TP HCM có thể trở thành một siêu đô thị. Theo ông, TP HCM có những lợi thế gì để hiện thực hóa kỳ vọng này trong tương lai?
- Theo quan điểm của tôi, TP HCM có các lợi thế để trở thành một siêu đô thị. Cụ thể, TP HCM là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục tại Việt Nam; là cửa ngõ giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau. Ngoài ra, TP còn có cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, thuận lợi trong việc xuất nhập khẩu với các nước trên thế giới, là đầu mối giao thương của Việt Nam và Đông Nam Á.
Để xây dựng thành công thương hiệu "siêu đô thị", trước tiên cần có 3 yếu tố là chiến lược, hình ảnh và văn hóa. Ở yếu tố chiến lược, lãnh đạo TP cần xác định được tầm nhìn, sứ mệnh của việc xây dựng thương hiệu, giá trị bản sắc riêng của TP. Đó có thể là các công trình kiến trúc, các lễ hội đặc sắc, thời tiết, con người, ẩm thực… dựa trên 3 giá trị cốt lõi là "Tử tế - Tích cực - Thân thiện".
Về mặt hình ảnh, những hình ảnh tạo nên thương hiệu của TP có thể kể đến: tòa nhà hình búp sen Bitexco, tòa nhà Landmark 81, Nhà thờ Đức Bà, Hội trường Thống Nhất, chợ Bến Thành, hồ Con Rùa…; hoặc hình ảnh độc đáo về đời sống sinh hoạt của người dân. Đi đôi với việc xây dựng hình ảnh, TP chú trọng giải quyết tình trạng ngập lụt, ô nhiễm môi trường, kẹt xe, đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị…
Cuối cùng, văn hóa là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư và thu hút con người. TP cần thường xuyên tạo ra sự giao lưu văn hóa, kết nối giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như giữa những người dân đến từ nhiều quốc gia, vùng miền với nhau, khiến họ đến với TP mà như cảm thấy đang ở quê hương mình. Đồng thời, duy trì, phát huy bản sắc văn hóa đã có của TP như gánh hàng rong, phố đi bộ, xe buýt đường sông...; xây dựng tinh thần tương thân tương ái, đối nhân xử thế trọn vẹn nghĩa tình trong người dân. Nên chọn ẩm thực làm nét đặc sắc văn hóa của TP để quảng bá ra thế giới.
. Còn hiện tại, đâu là những việc TP cần làm để khôi phục kinh tế, hướng đến tăng trưởng và phát triển bền vững?
- Nền tảng chúng ta cần xác định là dân giàu, nước mạnh. Dân phải giàu thì nước mới có thể trở thành cường quốc được. Muốn tăng trưởng, phát triển thì chúng ta phải tìm mọi cơ hội để gia tăng niềm tin của dân chúng đối với việc làm của chính quyền, chủ trương chính sách của các cấp lãnh đạo.
Về chính sách cho doanh nghiệp, tôi đề xuất 3 chữ "G" là "giảm" (giảm thuế), "giãn" (giãn nợ) và "giúp" (hỗ trợ chính sách). Chỉ cần tạo được sự đồng hành cùng doanh nghiệp thì họ sẽ đồng lòng cùng TP. Đây là việc cần làm ngay. Bên cạnh đó là xây dựng TP có một định vị, bản sắc rõ ràng để mọi người hiểu được TP đang làm gì, sẽ đi đâu. Có những thứ chúng ta không biết thì không làm được, bởi không thấy thì không thể làm tốt. Hãy để người dân TP nhìn thấy những gì TP muốn làm, tầm nhìn ở đâu, sứ mạng ở đâu để từ đó có thể làm theo một cách tốt nhất.
Cần khai thác nguồn lực kiều bào
Theo ông Danny Võ Thành Đăng, các nhà đầu tư nước ngoài khi rót vốn vào Việt Nam đều có kế hoạch rất rõ ràng và cần thông tin minh bạch của hệ thống pháp lý. "Để TP trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư thì vấn đề cần giải quyết là làm sao chứng minh được TP đang tăng trưởng mạnh, chúng ta rất minh bạch trong thông tin, kiểm tra kiểm toán, phát triển hạ tầng tốt, giao thông thuận tiện…; qua đó giúp họ có niềm tin và mạnh dạn đầu tư" - ông Danny Võ Thành Đăng kiến nghị. Chuyên gia thương hiệu này còn góp ý cần khai thác nguồn lực kiều bào trong việc kết nối kêu gọi đầu tư, hợp tác xúc tiến làm ăn với nước ngoài.
Theo Người lao động