MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đột quỵ chỉ là trúng gió? 4 quan niệm sai lầm về đột quỵ có thể dẫn tới hậu quả nặng nề

10-11-2021 - 23:09 PM | Sống

Chuyên gia cho hay để phòng đột quỵ hiệu quả, bí quyết không khác nhiều so với bệnh tim mạch và các bệnh lý khác. Mọi người cần nâng cao sức khoẻ chung.

4 quan niệm sai lầm về đột quỵ

TS BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh BV Đại học Y Dược TP HCM, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM cho hay, hiện nay đang có rất nhiều hiểu biết không đúng về đột quỵ, hậu quả có thể là những di chứng nặng nề hay thậm chí là tính mạng.

Trong dân gian vẫn có những quan điểm cho rằng đột quỵ chỉ là trúng gió. Cho nên thay vì gọi cấp cứu tới bệnh viện ngay thì người nhà lại cạo gió, khiến bệnh nhân quá mất thời gian, mất cơ hội cấp cứu kịp thời. Một số trường hợp lại không coi đột quỵ là cấp cứu, trì hoãn đến bệnh viện vì chưa tiện, vì đợi người nhà, đợi trời sáng… cũng làm mất cơ hội cấp cứu kịp thời.

Thứ 2, một số người bị đột quỵ dạng thiếu máu não thoáng qua, khi thấy bệnh đã hồi phục nên không đi khám. Các trường hợp này do chưa được xác định và điều trị nguyên nhân nên rất dễ bị tái đột quỵ trở lại.

Thứ 3, nhiều trường hợp bị tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mà không biết, do không khám sức khoẻ định kỳ mà chỉ tin vào cảm giác chủ quan rằng mình đang khoẻ mạnh không hề có bệnh gì. Do không phát hiện và điều trị kiểm soát các bệnh này, mạch máu não âm thầm bị tổn thương dần, đến khi xảy ra đột quỵ thì đã muộn.

Thứ 4, một số người quan tâm đến phòng ngừa đột quỵ nhưng lại tự mua thuốc uống theo lời mách, hoặc theo các quảng cáo trên mạng. Các loại thuốc uống này đều chưa chứng minh được hiệu quả phòng ngừa đột quỵ.

Đột quỵ chỉ là trúng gió? 4 quan niệm sai lầm về đột quỵ có thể dẫn tới hậu quả nặng nề - Ảnh 1.

Bác sĩ Thắng đang khám cho bệnh nhân. Ảnh BSCC.

"Đột quỵ nếu làm đúng cách có thể phòng được phần lớn các nguy cơ. Tuy nhiên, mua một vài viên thuốc không thể dự phòng đột quỵ được. Các loại thuốc dự phòng đột quỵ rao bán trên mạng hiện nay đều mang mục đích kinh doanh là chính và không có cơ sở cũng như bằng chứng khoa học", TS. Thắng nói.

Hiện nay, một trong những loại thuốc phổ biến được mọi người truyền tai nhau để sử dụng khi xảy ra đột quy là An cung ngưu hoàng.

TS Thắng cho hay: "An cung ngưu hoàng là thuốc Đông Y và các bác sĩ, lương y cũng đã xác nhận không dùng để cấp cứu đột quỵ. Trong Đông Y, An cung ngưu hoàng chỉ được dùng trong một số trường hợp theo chỉ định của thầy thuốc y học cổ truyền, nhưng không phải là cấp cứu đột quỵ.

Loại thuốc này cũng không dùng để phòng đột quỵ. An cung ngưu hoàng đang rao bán hiện nay chủ yếu là thuốc xách tay từ nước ngoài mang về và đang bị thổi phồng công dụng.

An cung ngưu hoàng đã có mặt ở Việt Nam cả chục năm, lúc đầu được quảng cáo là cấp cứu cho đột quỵ. Sau này, thuốc này lại được bổ sung công dụng uống sau đột quỵ để hồi phục nhanh, và sau đó nữa lại được quảng cáo có thêm công dụng dự phòng đột quỵ. Các thông tin này hoàn toàn xuất phát từ những người kinh doanh, không có cơ sở và bằng chứng khoa học. Trong trường hợp đã xảy ra đột quỵ, dùng An cung ngưu hoàng có thể làm chậm mất thời gian cấp cứu cho bệnh nhân, nếu bệnh nhân bị đột quỵ xuất huyết não chứ không phải thiếu máu não thì còn có thể gây tác hại".

3 ĐIỀU CẦN LÀM ĐỂ TRÁNH XA ĐỘT QUỴ

TS Thắng cho biết để dự phòng đột quỵ hiệu quả, bí quyết cũng không khác nhiều so với bệnh tim mạch và các bệnh lý khác. Mọi người cần nâng cao sức khỏe chung, bao gồm chế độ ăn uống, tập luyện, vận động. Cụ thể, mọi người khi ăn uống cần giảm ăn chất béo, giảm ăn mặn, giảm đường bột và tăng cường rau xanh.

Về vận động tập luyện, cần tăng cường các hoạt động vận động, đi lại, tránh ngồi nhiều một chỗ. Mọi người có thể tập các bài thể dục có vận động kết hợp với hít thở, tất cả đều tốt cho sức khoẻ. Tập thể dục sẽ kích thích hệ tuần hoàn hoạt động. Mọi người có thể chọn chơi các môn thể thao phù hợp với lứa tuổi và sức khoẻ cũng rất hữu ích.

TS Thắng khuyến cáo cần phải từ bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá vì hút thuốc làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, ung thư. Uống rượu bia với lượng nhỏ, đặc biệt là rượu vang đỏ, sẽ không ảnh hưởng tới sức khoẻ. Nhưng nếu không kiểm soát được lượng uống vào thì không nên uống sẽ làm gia tăng nguy cơ đột quỵ cũng như tổn thương các cơ quan khác.

Song song đó, cần phải kiểm soát cân nặng để tránh thừa cân, béo phì, vì tình trạng này cũng làm gia tăng nguy cơ đột quỵ.

Bên cạnh lối sống lành mạnh, để phòng ngừa đột quỵ mọi người còn cần phải tầm soát và xử lý các yếu tố nguy cơ. Bác sĩ Thắng cho biết để tầm soát đột quỵ, cần khám sức khỏe định kỳ, bao gồm kiểm tra mỡ máu, huyết áp, đường huyết, kiểm tra phát hiện các bệnh về tim… Nếu phát hiện bất thường liên quan nguy cơ đột quỵ sẽ phải điều trị triệt để nhằm ngăn chặn nguy cơ đột quỵ.

Hai yếu tố nguy cơ quan trọng nhất là tăng huyết áp, đái tháo đường, nếu phát hiện phải điều trị kiểm soát huyết áp, kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn uống tập luyện và dùng thuốc theo toa. Những bệnh lý này thường phải theo dõi định kỳ lâu dài để đảm bảo kiểm soát tốt tránh nguy cơ đột quỵ.

TS Thắng khuyến cáo các biện pháp tầm soát chuyên biệt cho đột quỵ như khảo sát và chụp mạch máu não không cần thiết phải làm đại trà cho tất cả mọi người, mà thường chỉ nên sử dụng cho người nhiều nguy cơ, bản thân người bệnh có triệu chứng gợi ý, hoặc trong gia đình nhiều người bị đột quỵ... Đối với người đã từng bị đột quỵ, ngoài việc thay đổi lối sống và kiểm soát các yếu tố nguy cơ, các bác sĩ sẽ truy tìm nguyên nhân cụ thể gây đột quỵ của người bệnh và chỉ định các can thiệp hoặc các thuốc chuyên biệt để dự phòng tái đột quỵ, các điều trị này cũng cần được tuân thủ lâu dài.

Theo Ngọc Minh

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên