MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án 12.000 tỷ nhận vốn Trung Quốc: Lỗ 2.700 tỷ, kêu ai cứu?

Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhiều năm nay lâm cảnh thua lỗ và đã được “mổ xẻ” nhiều lần. Thế nhưng, “ông chủ” của dự án này vẫn muốn được cứu và đổ lỗi thua lỗ do khách quan. Liệu có cần cứu một dự án kiểu này nữa hay không?

Lỗ triền miên, cạn tiền hoạt động

Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám tại Ninh Bình có công suất 560.000 tấn ure/năm do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm chủ đầu tư. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình - đơn vị vận hành nhà máy, năm 2013 công ty thua lỗ 906 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 738 tỷ đồng, năm 2015 số lỗ là 592 tỷ đồng. Đến năm 2016, nhà máy này cũng không khá khẩm hơn khi nửa đầu năm đã lỗ tới 456 tỷ đồng.

Như vậy, từ 2013 đến nay, nhà máy này đã lỗ tổng cộng 2.700 tỷ đồng. Công ty này thừa nhận tình hình tài chính đang lâm cảnh rất khó khăn, dòng tiền phục vụ sản xuất và trả nợ luôn trong tình trạng thiếu hụt.

7 tháng đầu năm 2016 công ty này phải thu hẹp sản xuất, chỉ chạy máy được 76 ngày, chiếm 36% tổng quỹ thời gian và duy trì ở phụ tải thấp, tồn kho cao và tiêu thụ khó khăn.

Một viễn cảnh u ám đã được Đạm Ninh Bình tiên liệu. Đó là dự kiến lỗ tiếp tục tăng, thậm chí đứng trước nguy cơ dừng sản xuất dài hạn do không cân đối được dòng tiền, ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của người lao động trong công ty.

Nói về nguyên nhân thua lỗ, Công ty này cho rằng, yếu tố khách quan. Chẳng hạn như giá dầu thế giới giảm kéo theo giá phân bón giảm mạnh, đặc biệt là giá ure. Giá bán ure Ninh Bình bình quân giảm từ 8,7 triệu đồng/tấn năm 2012 xuống còn hơn 6 triệu đồng/tấn trong 7 tháng đầu năm 2016.

Công ty này cũng thừa nhận rằng quá trình hoạt động đã được Chính phủ và các bộ, ngành có một số cơ chế, chính sách hỗ trợ như cho giãn khấu hao, điều chỉnh một phần lãi suất vay vốn đầu tư, giảm giá than… Thế nhưng, chừng đó dường như vẫn là chưa đủ.

Thế nên, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình lại vừa tiếp tục kiến nghị hàng loạt giải pháp như đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, xem xét đưa phân bón ure vào đối tượng chịu thuế GTGT đầu ra với mức thuế suất 0%; điều chỉnh giá bán than giảm ít nhất 20%.

Đặc biệt, trong bối cảnh nhà nước đang muốn thoái dần vốn khỏi những lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ thì Công ty Đạm Ninh Bình lại đề nghị cho phép chuyển nợ vay vốn đầu tư dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình của Ngân hàng phát triển Việt Nam thành vốn góp Nhà nước tại Tập đoàn để giảm hệ số lãi vay…

Đạm Ninh Bình cũng đề nghị Chính phủ xem xét cho giãn thời gian trả nợ tối thiểu 5 năm cho Eximbank Trung Quốc đối với các khoản vay dài hạn đầu tư cho dự án để công ty ổn định lại sản xuất, giảm dần lỗ và tiến tới có lãi.

Đạm Ninh Bình cũng muốn được "bảo hộ" cho sản phẩm bằng cách đề nghị cơ quan chức năng kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm ure, tương tự như điều Bộ Công Thương đã làm với phôi thép, bột ngọt. Mục đích là "giúp hạn chế hàng nhập khẩu quá rẻ trong thời gian qua, gây thiệt hại lớn cho nên kinh tế và là nguyên nhân chính làm giá bán giảm dưới giá thành sản xuất. Đạm Ninh Bình cho rằng đó là các yếu tố này đã khiến công ty bị lỗ lớn.

"Biện pháp này sẽ có tác dụng lớn để bảo toàn vốn nhà nước, bảo vệ được mặt hàng ure trong nước đã sản xuất đủ và có phần dư thừa so với nhu cầu sử dụng của ngành nông nghiệp Việt Nam", Đạm Ninh Bình trần tình.

Cứu hay không?

Trước những lời "kêu cứu" của Đạm Ninh Bình, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Ninh Bình đề nghị Thủ tướng quan tâm, xem xét, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho Đạm Ninh Bình, tạo điều kiện để phát triển sản xuất trong nước, đồng thời ổn định việc làm và thu nhập cho các lao động địa phương đang làm việc trong công ty.

Có thể thấy, những lời "kêu cứu" ở những dự án thua lỗ như Đạm Ninh Bình có nhiều nét tương đồng với tình trạng thua lỗ đã xảy ra ở dự án nhà máy xơ sợi Đình Vũ – Hải Phòng vốn hơn 7.000 tỷ, ở dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 với hơn 8.000 tỷ đồng…

Trao đổi với PV.VietNamNet về những đề nghị giải cứu này, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết: Những doanh nghiệp này đều đã cổ phần hóa, cho nên phải hoạt động bình đẳng như các doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế khác. Những ưu đãi đầu tư trong quá trình thực hiện dự án đã có rồi. Khi dự án hoàn thành xong rồi phải hoạt động để có doanh thu, để trả nợ vốn vay, trả cổ tức cho phần vốn nhà nước góp vào.

"Nếu xảy ra thua lỗ phải tự tái cơ cấu lại, Nhà nước không cần bù lỗ, hỗ trợ nữa", ông Tiến thẳng thắn.

"Quan điểm của chúng tôi lời ăn lỗ chịu. Cổ đông nhà nước ở những doanh nghiệp đó quản lý không tốt thì phải chịu trách nhiệm, chia sẻ rủi ro. Nếu dự án không hiệu quả phải chấp nhận thoái vốn, bán cho người khác. Giờ nhà nước không thể bỏ tiền cứu được", ông Tiến nhấn mạnh và khẳng định đó không phải là những doanh nghiệp nhà nước cần nắm giữ.

Ông Đặng Quyết Tiến chốt lại: Nhà nước phải dành tiền để lo cho dân, an sinh xã hội, đời sống cán bộ công chức, nông nghiệp nông thôn, bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc… Nếu cứu những dự án ấy là không đúng. Đầu tư phải hiệu quả, không hiệu quả thì không làm, không có lí do gì, cơ chế gì hỗ trợ.

Theo Lương Bằng

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên