MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án biến khu ổ chuột lớn nhất châu Á thành trung tâm kinh tế hiện đại

12-03-2024 - 20:51 PM | Tài chính quốc tế

Từ ngày 18/3, tập đoàn của “ông trùm” kinh doanh Gautam Adani sẽ bắt đầu xây dựng bản đồ quy hoạch đối với khu ổ chuột lớn nhất châu Á Dharavi tại Mumbai, Ấn Độ.

Dự án biến khu ổ chuột lớn nhất châu Á thành trung tâm kinh tế hiện đại- Ảnh 1.

Người dân tại khu ổ chuột Dharavi, Mumbai. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Bloomberg, tập đoàn sẽ thu thập dữ liệu từ hàng trăm nghìn cư dân đang sinh sống Dharavi để xác định nhu cầu tái định cư của họ theo sáng kiến Dự án Tái phát triển Dharavi, một dự án liên doanh giữa chính quyền bang Maharashtra và tập đoàn Adani. Cuộc khảo sát sẽ bắt đầu từ khu vực Kamla Raman Nagar. Mỗi nhà sẽ được đánh một số duy nhất. Sau đó, dựa vào dữ liệu, bản đồ quy hoạch sẽ được dựng lên tương ứng.

Người phát ngôn của liên doanh ngày 11/3 cho biết cuộc khảo sát cùng với công nghệ lập bản đồ laser sẽ tạo ra bản đồ kỹ thuật số về khu định cư đầu tiên trên thế giới. Đây là bước khởi đầu trong những nỗ lực của tỷ phú Adani nhằm biến khu ổ chuột đông đúc giữa trung tâm Mumbai trở thành thủ phủ tài chính của Ấn Độ.

Dự án đầy tham vọng và thách thức

Sau khi thắng thầu cải tạo khu ổ chuột vào cuối năm ngoái, cho đến nay các kế hoạch mà Adani dành cho Dharavi vẫn chưa rõ ràng. Theo Bloomberg, tỉ phú Adani phải dành phần lớn thời gian để thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều khả năng ông sẽ biến Dharavi thành các căn hộ, văn phòng và trung tâm thương mại hiện đại.

Nỗ lực cải tạo Dharavi của tỷ phú Gautam Adani trở thành tâm điểm chú ý khi khu ổ chuột này vốn dĩ nổi tiếng như một điểm đến du lịch và là bối cảnh cho nhiều bộ phim, trong đó có bộ phim giành tượng vàng Oscar 2009 “Triệu phú khu ổ chuột”.

Ông Adani thừa nhận việc tái định cư cho 1 triệu cư dân ở đây sẽ là một thách thức lớn. Để hoàn thành dự án cải tạo đầy tham vọng này, tỷ phú Adani vấp phải sự phản đối đáng kể từ các chính trị gia, người dân sống trong khu ổ chuột và các rào cản pháp lý.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà quản lý của Mumbai phải vật lộn để hiện đại hóa khu ổ chuột, do khó khăn trong việc giành lại khu đất lớn và thu hút các nhà đầu tư đến một nơi không có tiện ích ổn định và tái định cư cho khoảng 1 triệu người.

Dự án biến khu ổ chuột lớn nhất châu Á thành trung tâm kinh tế hiện đại- Ảnh 2.

Khu ổ chuột lớn nhất châu Á đông đúc dân cư và không đủ điều kiện vệ sinh cá nhân. Ảnh: AFP/TTXVN

Năm 2007, một cuộc khảo sát của tổ chức phi chính phủ Maharashtra Social Housing and Action League cho thấy có khoảng 47.000 cư dân và 13.000 cơ sở buôn bán hợp pháp ở Dharavi. Dân số không chính thức tiếp tục bùng nổ trong những năm tiếp theo. Năm 2018, chính phủ đã ban hành gói thầu tái phát triển Dharavi trong vòng 7 năm với đóng góp 20% từ chính phủ và 80% từ tư nhân. Tập đoàn SecLink của Dubai và Tập đoàn Adani của Ấn Độ nằm trong số các nhà thầu.

Năm 2019, SecLink đã thắng khi đưa ra giá thầu cao nhất là 871 triệu USD, Adani đứng thứ hai với giá thầu 548 triệu USD. Nhưng đến năm 2020, chính quyền Maharashtra hủy cuộc đấu thầu, nói rằng việc mua lại một số khu đất cho dự án đã làm thay đổi chi phí cải tạo sau khi quá trình đấu thầu kết thúc. SecLink đã kiện chính quyền Maharashtra lên Tòa án Tối cao Bombay, cáo buộc họ đã hủy cuộc đấu giá một cách vô lý.

Chính phủ Maharashtra đã phát hành lại gói thầu mới để tái phát triển Dharavi với các điều khoản được sửa đổi. Tập đoàn Adani giành chiến thắng với giá thầu 618 triệu USD.

Sau khi tập đoàn Adani giành được quyền tái phát triển khu vực, Gautam Adani cho biết ông dự định biến Dharavi thành một trung tâm kinh tế hiện đại với việc hỗ trợ các ngành công nghiệp nhỏ và thúc đẩy việc làm mới tập trung vào thanh niên và phụ nữ.

Theo tập đoàn Adani thông báo hồi tháng 1, họ sẽ cung cấp người dân ở Dharavi nhà ở với diện tích lớn hơn 17% so với đề xuất trước đây để thuyết phục người dân di dời và ngăn chặn các cuộc biểu tình tiềm ẩn. Tuy nhiên, chỉ những người sống ở Dharavi trước năm 2000, chủ yếu là người sống ở tầng trệt, mới đủ điều kiện cấp nhà miễn phí. Khoảng 700.000 người dân sống ở tầng lửng và các tầng trên bị coi là không đủ điều kiện và điều chuyển ra khu vực cách đó 10 km cũng như phải chi trả 1 khoản trước để có nhà.

Tập đoàn Adani dự kiến hợp tác với kiến trúc sư Ấn Độ Hafeez Contractor, công ty thiết kế Sasaki của Mỹ và công ty tư vấn Buro Happold có trụ sở tại Anh để tái phát triển Dharavi.

Theo Bảo Hà

Báo Tin Tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên