Dự án cấp bách nhưng làm... đủng đỉnh
Kè chống sạt lở bờ sông và đê bao ngăn lũ tại Đắk Lắk là dự án cấp bách nhưng lại chậm tiến độ và có dấu hiệu lãng phí nếu không được điều chỉnh.
- 08-05-2024Lãnh đạo EVN đôn đốc nhà thầu chậm tiến độ thi công vị trí móng đường dây 500kV mạch 3
- 17-04-2024Bị chất vấn về trách nhiệm dự án chậm tiến độ, Chủ tịch Cà Mau nói ‘khó giải thích’
- 27-03-2024Vẫn thiếu mặt bằng, Dự án đường Vành đai 3 TPHCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch chậm tiến độ
Dự án kè chống sạt lở bờ sông Krông Pách và đê bao ngăn lũ đoạn qua xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk) được HĐND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 5-2020 với tổng mức đầu tư 128 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2020 đến năm 2023, nhưng đến nay còn ngổn ngang, chỉ thực hiện được một khối lượng rất nhỏ.
Kè chống sạt lở bờ sông... cách xa sông!
Gói thầu kè chống sạt lở bờ sông Krông Pách qua thôn 5 và thôn 13 (xã Vụ Bổn) có tổng chiều dài khoảng 2.600 m do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là ban quản lý dự án) làm chủ đầu tư.
Trong đó, đoạn kè sông Krông Pách qua thôn 13 dài 728 m thuộc hạng mục cấp bách ưu tiên thực hiện trong hạn mức vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2019 cho các địa phương. Tuy nhiên, đến nay gói thầu mới thi công được 18/32 tỉ đồng.
Theo quan sát, khu vực này bờ sông khá thoải, kè xây dựng có nhiều vị trí cách xa mép sông. Phía bên kia sông có bờ cao hơn, dốc hơn, không xây kè nhưng không xảy ra tình trạng sạt lở. Tại khu vực này, nhiều ống cống bê-tông được đơn vị thi công để ngổn ngang trên bãi đất rộng.
Tương tự, đoạn kè sông Krông Pách qua thôn 5 dài 1.872 m đang được nhà thầu tổ chức xây dựng trên đoạn dài khoảng 50 m. Nhiều tấm sắt để lâu ngày ngoài trời đã bị hoen gỉ, nằm chỏng chơ.
Đáng chú ý, theo thiết kế, gói thầu kè chống sạt lở bờ sông dài gần 2 km này có nhiều đoạn nằm cách xa bờ sông hàng trăm mét. Có những đoạn dài từ mép sông lên đến bờ kè đã được khai thác đất làm gạch, làm ruộng, độ cao đã được hạ thấp. Trong khi đó, ở mép sông cây cối mọc um tùm, rất khó xảy ra sạt lở.
Đối với gói thầu đê bao ngăn lũ cánh đồng Thanh Niên, sau thời gian dài xây dựng hiện chỉ mới xây được 1 cống tiêu ở cuối tuyến và đắp 1 đoạn đất dài hơn 200 m.
Ông Trần Văn Bắc (ngụ thôn Phú Quý, xã Vụ Bổn) cho biết trước đây khu vực cánh đồng Thanh Niên vào mùa mưa xảy ra ngập lụt thời gian dài. Cách đây 5 - 6 năm, khi hồ chứa nước Krông Pách hạ ở thượng nguồn đưa vào hoạt động, điều tiết nước thì tình trạng ngập lụt giảm hẳn.
Còn theo ông Ngô Minh Tiến (xã Vụ Bổn), cách đây hơn 1 năm, dù gia đình đã cho đơn vị thi công đắp đê bao giữa ruộng theo thiết kế nhưng đến nay, cũng chỉ đắp được một đoạn dài hơn 200 m. "Trước đây, chưa có hồ Krông Pách hạ thì người dân chỉ làm được 1 vụ nhưng hiện làm 2 vụ bình thường" - ông Tiến thông tin.
Nhiều đoạn kè bất hợp lý
Một lãnh đạo UBND xã Vụ Bổn cho biết dự án chậm tiến độ có nhiều vướng mắc. "Chính quyền địa phương mong muốn chủ đầu tư, cơ quan chức năng sớm triển khai xây dựng, đưa dự án vào hoạt động, tránh lãng phí" - vị này kiến nghị.
Theo ban quản lý dự án, các gói thầu thi công xây dựng đã hết thời gian thực hiện hợp đồng từ ngày 31-12-2023. Đến nay vẫn chưa có cơ sở để trình thủ tục gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng do chưa điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.
Tính đến hết tháng 3-2024, lũy kế vốn bố trí 82 tỉ đồng, lũy kế giải ngân 41,72 tỉ đồng, số vốn còn lại chưa giải ngân 40,28 tỉ đồng, dư nợ tạm ứng quá hạn theo hợp đồng là 25,47 tỉ đồng. Trường hợp tiếp tục chậm trễ sẽ dẫn đến tạm ứng quá hạn phải thu hồi. Khi phải nộp trả ngân sách nhà nước sẽ gây thiếu hụt nguồn vốn, kéo dài thời gian hoàn thành.
Điều bất ngờ nữa là sau gần 2 năm khởi công, chủ đầu tư cùng đơn vị tư vấn rà soát, đánh giá lại thì đề nghị cắt giảm 1 đoạn kè dài 922 m do thấy chưa hoặc không cần thiết!
Theo lý giải của chủ đầu tư, có đoạn kè khi triển khai dự án thì không xác định rõ được phạm vi khai thác cát nhưng giờ xác định lại thì trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2025 sẽ không xuất hiện tình trạng sạt lở bờ sông nữa.
Bên cạnh đó, thời điểm khảo sát, thiết kế tuyến đường liên xã Ea Ô - Vụ Bổn là đường đất nhưng nay đã được làm bằng bê-tông. Vị trí chân kè cách xa mép sông trung bình 100 m, người dân đã san gạt tận dụng để trồng lúa nước. Ngoài ra, theo đặc điểm hình thái dòng chảy trên sông cho thấy khi đến vị trí này lưu tốc dòng chảy là rất nhỏ nên không gây xói lở.
Cùng với đó, chủ đầu tư cho biết sau khi hồ thủy lợi Krông Pách thượng chặn dòng, tích nước đã có tác dụng cắt giảm lũ hạ du.
Đề nghị giảm quy mô nhưng vẫn... giữ vốn!
Theo ban quản lý dự án, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và chi phí vận chuyển do thay đổi vị trí khai thác đất đắp đã tăng thêm 30 tỉ đồng so với kế hoạch được phê duyệt. Ban quản lý dự án đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường dự án. Từ đó, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư theo hướng giảm quy mô đoạn kè dài 922 m nhưng... giữ nguyên tổng mức đầu tư ban đầu.
Người lao động