MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án điện Việt Nam mời thầu, hầu hết “ông chủ” Trung Quốc nộp hồ sơ

Có tới 7/8 nhà thầu quan tâm tới Dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 đến từ Trung Quốc.

Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực vừa có báo cáo cập nhật tình hình thực hiện các dự án điện thuộc Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Một trong những nội dung đáng lưu ý của báo cáo là tình hình chuẩn bị các bước đầu tư một số dự án quan trọng.

Với Dự án nhiệt điện Na Dương II công suất 110 MW của Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV), báo cáo cho hay ngày 6-1 vừa qua, chủ đầu tư TKV đã phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu EPC dự án và đóng thầu vào ngày 8-4. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và theo đề nghị của một số nhà thầu mua hồ sơ, chủ đầu tư đã gia hạn thời gian đóng thầu lần 1 đến ngày 6-5 và lần 2 đến ngày 10-6. "Đến nay, đã có 16 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu, hầu hết là nhà thầu Trung Quốc" - báo cáo nêu rõ và cho biết theo chủ đầu tư, việc thực hiện các gói thầu đảm bảo tuân thủ theo các quy định hiện hành và cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ theo tình hình thực tế của dự án.

 Dự án điện Việt Nam mời thầu, hầu hết “ông chủ” Trung Quốc nộp hồ sơ  - Ảnh 1.

Phối cảnh dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1


Với Dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 công suất 2x600 MW, chủ đầu tư TKV đã tiến hành thông báo mời rộng rãi tới các nhà đầu tư quan tâm trên trang web của tập đoàn từ ngày 10-2. Thời hạn nộp hồ sơ quan tâm trước 16 giờ ngày 10-3 nhưng được gia hạn đến 31-3 do dịch bệnh. Kết quả, TKV nhận được 8 bộ hồ sơ quan tâm, trong đó có 7 nhà đầu tư Trung Quốc và 1 nhà đầu tư Việt Nam. Theo TKV, nếu lựa chọn được nhà đầu tư và được Thủ tướng chấp thuận vào cuối năm 2020, dự án có thể đưa vào vận hành vào năm 2026-2027.

Báo cáo còn ghi nhận tiến độ của nhiều dự án đang khá chậm. Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã gây tác động tiêu cực đến tình hình thi công của không ít dự án như: nhiệt điện Hải Dương, Duyên Hải 2, Nghi Sơn 2, Vân Phong 1...

Các dự án IPP (dự án điện độc lập) đều bị chậm tiến độ do nhiều lý do khách quan và chủ quan, như không thu xếp được tài chính, nguy cơ không có đường dây đấu nối, phải đàm phán lại giá điện… Cùng đó, tính đến hết tháng 5, 19 dự án nhà máy đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) có tổng công suất gần 27.000 MW không có nhiều biến chuyển so với quý I/2020.

Theo Ph.Nhung

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên