Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhìn từ thủ đô của Ethiopia
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài chỉ bằng 1/3 chiều dài hệ thống đường sắt ở Addis Ababa của Ethiopia cũng do nhà thầu Trung Quốc xây dựng, nhưng thời gian xây dựng gấp 3 lần và vốn gấp 4 lần so với dự án Ethiopia.
- 08-09-2017Hình ảnh dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước ngày chạy thử
- 30-05-2016Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Tổng thầu Trung Quốc chậm trễ trong dàn xếp 250 triệu USD
- 15-03-2016Chủ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trần tình về những sai phạm
Lao Động giới thiệu bài viết "" của nguyên Đại sứ Việt Nam tại các nước Trung Đông Nguyễn Quang Khai.
"Báo The Africa Report mới đây đưa tin, hệ thống đường sắt đô thị ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia do Trung Quốc giúp xây dựng được khánh thành và đưa vào hoạt động sau 3 năm xây dựng.
Đây là dự án giao thông công cộng hoàn toàn mới của một quốc gia đông dân ở Đông Phi và duy nhất kiểu này tại khu vực Nam Sahara của Châu Phi.
Tuyến đường đôi này dài 31,6 km, có thể vận chuyển 200.000 hành khách/ngày ở thủ đô Addis Ababa 7 triệu dân.
Tờ báo cho biết, tuyến đường sắt này được khởi công vào tháng 12.2011, hoàn thành tháng 2.2015, tức là sau 38 tháng và đưa vào khai thác từ tháng 11.2015. Vốn đầu tư dự án này là 475 triệu USD.
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (the Export-Import Bank of China) cung cấp 85% vốn cho dự án, còn lại là vốn đối ứng của chính phủ Ethiopia. Tập đoàn Cơ khí đường sắt hữu hạn Trung Quốc (China Railway Engineering Corporation Limited (CREC) là người thực hiện dự án này.
Đây là hai tuyến đường sắt điện khí hoá khổ rộng 1,435 mm với 41 đoàn tàu hoạt động. Tuyến thứ nhất dài 17 km chạy từ trung tâm thành phố đến các khu công nghiệp ở phía nam được khai trương vào ngày 20.9.2015.
Tuyến thứ hai nối phía Đông với phía Tây thành phố dài 14,6 km bắt đầu đưa vào hoạt động ngày 9.11.2015.
Tổng chiều dài của cả hai tuyến là 31,6 km với 39 nhà ga. Tốc độ tàu chạy có thể đạt tới 70 km/giờ. Tần suất tàu chạy là 10 phút/chuyến trong giờ cao điểm và 20 phút/chuyến trong giờ thấp điểm.
Tập đoàn tàu điện ngầm Thâm Quyến (Shenzhen Metro Group Company (SMGC) được giao vận hành hệ thống đường sắt trên cao này.
Ethiopia có kế hoạch mở rộng dự án này theo cả 4 hướng. Theo Giám đốc điều hành của Tập đoàn Đường sắt Ethiopia Getachew Betru, ngoài việc mở rộng các các tuyến hiện có, hai tuyến mới đang được chính phủ Ethiopia xem xét.
Trong khi đó, hãng thông tấn Tân hoa xã của Trung Quốc ngày 24.4.2019 đưa tin, mạng lưới giao thông đường sắt Addis Ababa (AALRT) dài 31,6 km do Trung Quốc xây dựng, trong 9 tháng qua đã vận chuyển được 29 triệu lượt hành khách, góp phần làm giảm đáng kể tình trạng tắc nghẽn giao thông ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.
Bộ Giao thông Vận tải Ethiopia báo cáo lên Quốc hội, trong 9 tháng từ tháng 7.2018 đến tháng 4.2019 dự án này đã hoạt động có lãi 3 triệu USD. Chính phủ Ethiopia cho biết dự án đã tạo ra 13.000 việc làm.
Trong khi đó, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, với các tiêu chuẩn kỹ thuật giống nhau cũng do nhà thầu Trung Quốc xây dựng có chiều dài 11 km, chỉ bằng 1/3 chiều dài hệ thống đường sắt ở Addis Ababa của Ethiopia, nhưng thời gian xây dựng hết 10 năm (gấp 3 lần) và vốn đầu tư lên tới 868 triệu USD, tính theo km (gấp 4 lần) so với dự án Ethiopia.
Con số này chưa tính 98 triệu USD mới vay thêm để vận hành hệ thống này. Tuy nhiên, đến nay dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa đưa vào khai thác được".
Lao động