Dự án La Gi New City chưa được phép đã giao dịch, huy động vốn
Những ngày qua, đường dây nóng của Báo SGGP nhận được phản ánh của hàng chục người dân về việc Dự án lấn biển tạo khu dân cư - thương mại - dịch vụ mới La Gi (tên thương mại là La Gi New City, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận), do Công ty TNHH Xây dựng thương mại dịch vụ Vi Nam (Công ty Vi Nam) làm chủ đầu tư, dù chưa đủ điều kiện giao dịch nhưng đã thông qua công ty môi giới tổ chức thu hàng tỷ đồng của khách hàng.
Mòn mỏi chờ nhận đất
Theo trình bày của ông Nguyễn Như Hùng (ngụ TPHCM), năm 2021, ông được Công ty CP Đầu tư Danh Khôi Holdings (gọi tắt là Công ty Danh Khôi, đơn vị được Công ty Vi Nam chỉ định cung cấp dịch vụ tư vấn, môi giới dự án) giới thiệu về dự án La Gi New City với nhiều mã đất nền, kèm theo các tiện ích an sinh hấp dẫn. Sau đó, ông Hùng và Công ty Danh Khôi đã ký văn bản thỏa thuận để lần lượt đặt cọc tiền mua 2 lô đất (100m 2 /lô) tại dự án La Gi New City.
Từ tháng 7-2021 đến tháng 4-2022, ông Hùng đã 3 lần chuyển tiền đặt cọc để mua đất dự án với số tiền gần 2,7 tỷ đồng cho Công ty Danh Khôi. “Sau khi làm hợp đồng thỏa thuận đặt cọc, phía Công ty Danh Khôi nhiều lần gọi điện thúc hối tôi chuyển tiền, nếu không sẽ bị phạt theo tỷ lệ phần trăm và có thể mất quyền lợi trên số tiền đã đóng”, ông Hùng cho biết. Sau khi chuyển số tiền trên, chủ dự án và đơn vị môi giới hứa đến tháng 6-2024 sẽ bàn giao đất nền cho ông Hùng, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Tương tự, cuối năm 2021, chị Phạm Thị Dung (ngụ TPHCM) sau khi được phía Công ty Danh Khôi tư vấn, đưa ra một bản vẽ với các mã lô đất nền, chị đã quyết định ký văn bản thỏa thuận mua lô đất diện tích hơn 187m 2 tại dự án với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Sau đó, chị Dung đã nhiều lần chuyển tiền cho Công ty Danh Khôi với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng để đặt cọc cho lô đất đã chọn. Vậy nhưng, từ năm 2021 đến nay, chị Dung vẫn chưa nhận được lô đất.
Ngoài những trường hợp đã nêu, với hình thức tương tự, hàng chục khách hàng khác cũng đã phản ánh đến Báo SGGP về việc họ nhiều lần chuyển hàng chục tỷ đồng cho Công ty Danh Khôi nhưng đến nay sản phẩm họ mua vẫn chưa được bàn giao. “Khi làm việc với Công ty Danh Khôi thì họ thuyết phục chúng tôi, một là thanh lý hợp đồng, nhưng đến năm 2027 họ mới trả tiền; hai là chuyển qua mua dự án khác của công ty. Việc trì hoãn, kéo dài thời gian thanh lý hợp đồng cũng như việc không bàn giao sản phẩm cho khách hàng khiến chúng tôi lâm vào thế khó”, bà Dung chia sẻ.
Dự án chưa được phép giao dịch
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, Dự án lấn biển tạo khu dân cư - thương mại - dịch vụ mới La Gi có tổng diện tích 433.000m 2 , chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 của dự án có diện tích hơn 161.000m 2 , hiện đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt chi tiết tỷ lệ 1/500, diện tích còn lại của giai đoạn 2 thì chưa được phê duyệt. Toàn bộ dự án hiện chưa có giấy phép xây dựng.
Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, dự án này đến nay chưa đủ điều kiện để thực hiện chuyển nhượng đất nền cho người dân tự xây nhà ở; chưa đủ điều kiện để bán, cho thuê, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai. Ngoài ra, dự án này đã bị Sở Xây dựng đề nghị chủ đầu tư không được ký kết hợp đồng với các đơn vị môi giới bất động sản để thực hiện các hoạt động giao dịch, mua bán, chuyển nhượng, hoặc vận dụng các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí... do chưa đủ điều kiện giao dịch.
Còn ông Phan Dương Cường, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, cho biết, tình trạng các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện giao dịch nhưng lại ký kết với đơn vị môi giới đứng ra thu tiền đặt cọc, giữ chỗ xảy ra khá phổ biến. “Để cảnh báo người dân, chúng tôi đã nhiều lần công khai 33 dự án bất động sản trên địa bàn (trong đó có dự án Lấn biển tạo khu dân cư - thương mại - dịch vụ mới La Gi) chưa đủ điều kiện giao dịch để người dân nắm và cẩn trọng khi giao dịch đất đai tại các dự án này”, ông Phan Dương Cường thông tin thêm.
Sài Gòn Giải Phóng