MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án LNG lớn nhất Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác sử dụng thiết bị và dịch vụ trị giá 3 tỷ USD với các công ty Hoa Kỳ

Dự án điện khí sử dụng khí hóa lỏng ở Delta Offshore Energy Bạc Liêu sẽ cung cấp 3.200 MW điện cho tỉnh Bạc Liêu và Việt Nam, giúp giải quyết nhu cầu năng lượng sạch, ổn định và giá cả cạnh tranh phục vụ cho đất nước cũng như nền kinh tế đang trên đà phát triển.

Sáng ngày 28/10, Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã được tổ chức tại Hà Nội. Tại diễn đàn, Delta Offshore Energy đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bechtel Corporation, General Electric, và McDermott để phát triển dự án điện khí từ khí hóa lỏng Bạc Liêu, sử dụng thiết bị và dịch vụ của Hoa Kỳ trị giá hơn 3 tỷ USD.

Dự án này sẽ cung cấp 3.200 MW điện cho tỉnh Bạc Liêu và Việt Nam, giúp giải quyết nhu cầu năng lượng sạch, ổn định và giá cả cạnh tranh phục vụ cho đất nước cũng như nền kinh tế đang trên đà phát triển. Mục đích của việc ký kết là sử dụng các thiết bị và dịch vụ kỹ thuật trị giá 3 tỷ đô la từ Bechtel, General Electric và McDermott, sử dụng công nghệ và kỹ thuật tốt nhất của Hoa Kỳ. Dự án có thể tạo ra hơn 20 TWh điện hàng năm và có công suất tái khí hóa lên đến 6MTPA.

Với tổng mức đầu tư lên đến 50 tỷ USD trong vòng 25 năm và dự kiến lượng nhập khẩu lên đên 3 triệu tấn khí hóa lỏng mỗi năm, đây là dự án sử dụng LNG sản xuất điện đầu tiên do khu vực tư nhân sở hữu và vận hành, được phê duyệt trong quy hoạch tổng thể phát triển điện lực quốc gia với hình thức 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo Luật Đầu tư của Việt Nam.

Dự án do Delta Offshore Energy khởi xướng và dẫn đầu, với sự hợp tác từ Bechtel, General Electric và McDermott. Dự án do các công ty hàng đầu Hoa Kỳ tư vấn, bao gồm: JP Morgan - tư vấn tài chính dự án, Hogan Lovells - tư vấn quốc tế, Black & Veatch - tư vấn kỹ thuật, Marsh - tư vấn bảo hiểm và rủi ro.

Dự án được coi là dự án trọng điểm quốc gia, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu cũng như Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), khu vực đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng lên đến 20% (Theo Bộ Công Thương Việt Nam). Trong số đó, Bạc Liêu được biết đến là tỉnh xuất khẩu tôm hàng đầu khu vực; ĐBSCL – vựa lúa lớn nhất cả nước.

Đây là mô hình tiêu biểu cho quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ về thương mại, đầu tư và an ninh năng lượng, mở ra một chân trời mới cho các hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở Việt Nam.

H.A

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên