MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án nghìn tỷ (Kỳ 2): Oằn lưng gánh nặng thua lỗ, nợ nần

Mặc dù giá trúng thầu ở mức thấp, song tổng chi phí thực tế tại nhiều dự án sử dụng công nghệ, nhà thầu Trung Quốc bị đội lên rất cao khiến nhiều chủ đầu tư rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần.

  • Nông sản thực phẩm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đó là thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng...

Điệp khúc đội vốn và... lỗ nghìn tỷ

Không riêng dự án của TISCO (chúng tôi đã đề cập ở kỳ 1), điểm lại một số công trình, dự án lớn gần đây sử dụng công nghệ, nhà thầu Trung Quốc có chung “công thức”: Giá trúng thầu thấp; máy móc, thiết bị, công nghệ giá rẻ, lạc hậu dẫn đến nhiều dự án ngưng trệ, chất lượng công trình không đảm bảo; chậm tiến độ và đội vốn “khủng”.

Đơn cử, lĩnh vực điện, ông Dương Văn Cận, Tổng Thư ký Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, các dự án nhiệt điện do ngành Than và ngành Điện Việt Nam làm chủ đầu tư, Trung Quốc làm tổng thầu, hầu hết chậm tiến độ. Cụ thể, các nhà máy nhiệt điện: Sơn Động chậm 24 tháng, Nông Sơn chậm 20 tháng, Cao Ngạn chậm 28 tháng, Cẩm Phả 1 chậm 10 tháng, Cẩm Phả 2 chậm 3 tháng, Hải Phòng 1 và 2 chậm 18 tháng, Quảng Ninh 1, 2 chậm 24 tháng,...

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung Quốc trúng thầu nhiều dự án lớn (tổng thầu EPC): 13 dự án nhiệt điện; 49/62 dây chuyền dự án xi măng; 5/6 dự án phân đạm; dự án bauxite và hàng trăm dự án vừa và nhỏ khác do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận.

Dự án chậm tiến độ đã làm tăng chi phí như tăng khoản lãi vay, tăng chi phí quản lý dự án, chi phí thuê tư vấn, tăng chi phí chuẩn bị sản xuất..., dẫn đến bị đội mức đầu tư khá nhiều sau khi hoàn thành.

Theo tính toán của PV, chỉ tính riêng 2 dự án lớn do Trung Quốc làm tổng thầu đã và đang triển khai gần đây, lượng vốn bị đội đã lên tới gần 14.000 tỷ đồng. Cụ thể, dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đội vốn hơn 5.000 tỷ đồng; Dự án Bauxite Tây Nguyên bao gồm 2 nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ, bị đội vốn lần lượt 3.800 tỷ và 4.300 tỷ đồng…

Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho rằng, nhà thầu Trung Quốc thường thắng thầu bằng giá thấp, nhưng trong quá trình thực hiện họ lại đội giá lên, cuối cùng là mức giá công trình có thể đắt hơn nhiều so với trước. “Đây là cách chơi không sòng phẳng”, bà Lan nhận xét.

Chưa làm đã lỗ

Với “công thức” nói trên, nhiều dự án đi vào hoạt động đã rơi vào tình cảnh thua lỗ, thậm chí nhìn chắc thua lỗ ngay trước khi vận hành.

Đơn cử, dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, thuộc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư. Hoạt động từ năm 2012 đến nay, năm nào nhà máy cũng thua lỗ với tổng lỗ lũy kế 2.000 tỷ đồng, tương ứng 16% giá trị đầu tư 12.000 tỷ đồng. Hiện nhà máy đã phải tạm đóng cửa gần một tháng qua, 400/1.000 công nhân tạm thời bị nghỉ việc. Như vậy, dự án không những không mang lại hiệu quả kinh tế (lợi nhuận), xã hội (việc làm) mà còn để lại gánh nặng nợ nần. Phó tổng giám đốc Đạm Ninh Bình, Nguyễn Gia Thế xác nhận, hiện mỗi năm công ty đang phải trả lãi vay khoảng 800 tỷ đồng, khấu hao khoảng 680 tỷ đồng. Nếu những vấn đề của Đạm Ninh Bình (chi phí sản xuất cao, thường xuyên phải đầu tư thêm để tu sửa dây chuyền, máy móc...) không được xử lý (và rất khó để xử lý), khoản lỗ sẽ tiếp tục gia tăng, nợ nần cũng càng thêm nặng gánh.

Ngay cả những dự án đang trong quá trình xây dựng, viễn cảnh thua lỗ cũng đã hiển hiện trước mắt khi đi vào hoạt động. Với mức chi phí, giá thành và diễn biến hiện tại của thị trường, cả 2 nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ của dự án Bauxite Tây Nguyên của Tập đoàn Than Khoáng sản (Vinacomin) được dự báo... lỗ “khủng”. Tháng 3/2016, Bộ Công thương cho biết, sau khi vận hành thử, nhà máy Nhân Cơ sẽ tiếp tục lỗ trong 4-5 năm nữa (mỗi năm lỗ 400-500 tỷ đồng), thời gian kéo dài vốn phải từ 11-12 năm, nên đề nghị Chính phủ hỗ trợ 4.900 tỷ đồng trong 10 năm (2016-2025). Trước đó, Vinacomin cũng thừa nhận nhà máy Tân Rai sẽ tiếp tục lỗ trong 3 năm nữa (mức lỗ tương ứng Nhân Cơ) và việc thu hồi vốn chỉ được thực hiện sau 11 năm hoạt động.

Với dự án của TISCO đang trong cảnh “chết lâm sàng” do hết tiền, nhưng ngay cả khi được rót vốn để triển khai, tình cảnh thua lỗ cũng là bức tranh không khó đoán. Theo đó, với mức đầu tư hiện tại, dự án chỉ hiệu quả khi giá bán phôi thép ổn định từ 9-10 triệu đồng/tấn trong khi thực tế giá phôi hiện nay chỉ dao động 7 triệu đồng/tấn. Như vậy, nếu đi vào sản xuất, dự án này cầm chắc... lỗ ít nhất 2 triệu đồng/tấn. Với công suất dự kiến 500 nghìn tấn phôi thép/năm, khoản lỗ doanh nghiệp này phải gánh mỗi năm không dưới 1.000 tỷ đồng!

Tuy nhiên, Tổng giám đốc TISCO Hoàng Ngọc Diệp cho rằng, với dự án mở rộng sản xuất của T IS CO không chỉ nên xét trên khía cạnh kinh tế mà còn nhiều yếu tố khác như yếu tố xã hội (?!) Do vậy, T IS CO mong muốn được tiếp tục rót vốn để triển khai tiếp với hy vọng ở tiềm năng trong tương lai? Ông Diệp cũng cho biết, hiện nhà máy đang phải trả 30 tỷ đồng tiền lãi vay mỗi tháng, tương ứng khoảng 360 tỷ đồng mỗi năm. Và với diễn biến hiện tại, thì dù dự án bị “phá sản” hay tiếp tục, nợ nần vẫn là một gánh nặng không dễ xử lý!

(Còn tiếp)

Theo Thảo Nguyên - Tuyết Trịnh

Báo Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên