Dự án vốn ODA chậm tiến độ, TPHCM sẽ 'lãnh đủ'
Ngày 22/4, tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM về quản lý sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Phó trưởng Ban Đô thị HĐND TPHCM Huỳnh Hồng Thanh cảnh báo, việc sử dụng vốn vay ODA nếu không cẩn thận thì thành phố sẽ phải chịu nhiều thiệt hại.
- 21-07-2020TP HCM kiến nghị bổ sung vốn ODA cho dự án Metro 1
- 21-08-2019Nợ công 3,2 triệu tỷ, dự án ODA đi gọi vốn đã có vấn đề
- 24-07-201913 dự án sử dụng vốn ODA vào diện kiểm toán
Theo Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM Bùi Xuân Cường, các d ự án đường sắt đô thị (metro) có quy mô và tổng mức đầu tư rất lớn nhưng lợi nhuận thu được không cao nên khó có khả năng thu hút đầu tư của khu vực tư nhân hoặc sử dụng các nguồn vốn vay thương mại.
Do đó, ODA và vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ cho các dự án metro là nguồn vốn quan trọng trong bối cảnh nguồn lực đầu tư trong nước có hạn.
Ông Cường cho biết, trong quá trình chuẩn bị đầu tư, các quy định pháp luật về thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, đầu tư xây dựng... có sự thay đổi liên tục, gây khó khăn trong việc áp dụng các quy định, dẫn đến việc phải điều chỉnh hoặc thực hiện lại các thủ tục liên quan mất nhiều thời gian và tốn kém.
Ngoài ra, do thời gian chuẩn bị dự án kéo dài, số vốn cam kết của các nhà tài trợ khó đảm bảo; việc tính toán chi phí đầu tư cho dự án sẽ rất khó khăn do có nhiều biến động và trượt giá dẫn đến đội vốn qua các bước thực hiện.
Bên cạnh đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và di dời các công trình tiện ích ngầm gặp nhiều khó khăn là nguyên nhân chính làm chậm bàn giao mặt bằng dẫn đến phát sinh chi phí đền bù, nhà thầu đề nghị phát sinh nhiều chi phí khác ảnh hưởng đến cam kết nhà tài trợ.
Theo Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết, TPHCM cần có những giải pháp để sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, không để lãng phí. Cử tri rất quan tâm đến chuyện sử dụng vốn vay, như: hiệu quả kinh tế - xã hội, chất lượng phục vụ người dân, số nợ sẽ tăng như thế nào trong tương lai…
Chậm thì thiệt
Báo cáo với đoàn giám sát, Phó giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM Trần Anh Tuấn cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, TPHCM theo dõi 19 dự án ODA đang triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư hơn 123.274 tỷ đồng, trong đó vốn ODA hơn 103.460 tỷ đồng và vốn đối ứng hơn 19.813 tỷ đồng…
Theo ông Tuấn, việc sử dụng ODA thời gian qua có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu, hỗ trợ tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Tuy nhiên, so với nhu cầu về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và kinh tế cho một thành phố hơn 10 triệu dân, nguồn vốn ODA vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Tại buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị Sở KH&ĐT thông tin thêm về các dự án ODA chậm tiến độ và các dự án phải gia hạn thời gian, phải thay đổi thiết kế, quy mô…
Theo bà Lệ, dự án cải thiện môi trường nước khu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2) phải điều chỉnh 4 lần và sau 16 năm mới chỉ đạt 86,78%; dự án phát triển giao thông xanh, sau 2 lần điều chỉnh dự án, dự kiến hoàn thành vào năm 2023, nhưng nay mới dừng ở giai đoạn thiết kế… là quá chậm.
Phó Ban đô thị HĐND TPHCM Huỳnh Hồng Thanh cho rằng việc sử dụng vốn vay ODA nếu không cẩn thận thì TPHCM sẽ phải chịu thiệt.
Khác với các dự án đầu tư công, dự án sử dụng vốn vay ODA trước khi trình cho thành phố phê duyệt, phải trình cho nhà tài trợ xem xét. Điều này dẫn tới thời gian kéo dài. Nếu dự án đi vào hoạt động chậm thì TPHCM phải chịu lãi vay, dù việc chậm không phải do TPHCM, mà do chuyên gia, nhà tài trợ.
Nếu chậm giao mặt bằng, nhà thầu cứ làm nhưng họ vẫn tính lãi phần chậm mặt bằng, dù mặt bằng đó chưa ảnh hưởng đến việc thi công của họ…
“TPHCM cần có một cơ quan quản lý, nhạc trưởng cho các dự án đặc biệt quan trọng để xử lý các vướng mắc, khó khăn”, ông Thanh nói.
Tiền phong