Dự báo kịch bản thị trường địa ốc TPHCM những tháng cuối năm
CBRE Việt Nam kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục vận hành tốt trong quý cuối năm khi các chủ đầu tư tự làm mới mình với kế hoạch chào bán các dự án mới trong phân khúc khác các sản phẩm truyền thống của họ.
- 29-09-2016Chán cảnh ở trọ vừa đắt đỏ, vừa tạm bợ, sinh viên rủ nhau thuê chung cư cao cấp
- 27-09-2016Cơ hội trúng thưởng xe máy tay ga cao cấp khi mua căn hộ Xuân Mai Sparks Tower
- 26-09-2016Đất xanh cất nóc sớm khu căn hộ cao cấp Luxcity
- 25-09-2016Thật khó tin nhưng khách sạn cao cấp này từng là một hang động bỏ hoang
Thông tin từ Bộ phận Nghiên cứu thị trường bất động sản CBRE Việt Nam cho hay, trong năm 2016 này, sẽ có khoảng hơn 18.200 căn hộ hạng sang và cao cấp được chào bán và con số này sẽ tăng lên 41.000 căn vào năm 2017, 2018. Trong khi đó, nguồn cung nhà ở phù hợp với mức thu nhập của phần lớn người dân (khoảng 600 triệu – 1 tỷ đồng) lại rất khan hiếm so với nhu cầu thực.
Theo khảo sát của CBRE, từ tháng 7/2016 đến nay, tại TP.HCM, rất hiếm các dự án căn hộ thuộc phân khúc trung bình được mở bán. Số dự án nhà ở thuộc phân khúc thu nhập trung bình, thấp (khoảng dưới 1 tỷ đồng/căn hộ) hầu như không xuất hiện trên các sàn giao dịch. Chủ yếu là các loại căn hộ có giá 3,4 tỷ đồng/ căn, các loại biệt thự được bung ra thị trường.
Cụ thể như, thị trường này vừa được chứng kiến một số dự án sắp được ra mắt do Công ty Phú Mỹ Hưng làm chủ đầu tư, đây là “đại gia” có tiếng chuyên cung cấp các loại căn hộ hạng sang tại thị trường TP.HCM. Cùng với đó, hàng nghìn căn hộ cao cấp cũng đã “ra đời” trong khoảng thời gian gần đây như: Masteri Thảo Điền 3.000 căn, Scenic Valley có 1.200 căn, Khu đô thị Sarimi 6.500 căn, The Gold View 1.905 căn, dự án The Sun Avenue có 1.860 căn...
Khu Nam tiếp tục ghi nhận một lượng lớn các căn hộ chào bán trong Quý 3/2016, với 7 dự án, chiếm 44% tổng nguồn cung chào bán mới. Mặc dù gần đây khu vực này đang nổi lên một số vấn đề về kết nối cơ sở hạ tầng và ô nhiễm môi trường nhưng đây vẫn là điểm đến thu hút cả người mua để ở và để đầu tư.
Khu Đông đứng thứ hai với 24% số căn hộ chào bán mới được ghi nhận. Nguồn cung mới tại khu Đông tập trung chủ yếu tại Quận Bình Thạnh với các dự án nổi bật như Richmond City, Elite Park và tòa Parkview của Vinhomes Central Park.
Tương tự, tại thị trường Hà Nội, rất nhiều dự án cao cấp đang xây dựng và sắp mở bán như: Imperia Garden ở Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân) 1.600 căn, Park Hill Time City khoảng trên 4.000 căn, FLC Twin Towers 265 Cầu Giấy, HD Mon City, Hà Nội Landmark 51… với số lượng lên đến gần chục ngàn căn hộ hạng cao cấp. Những diễn biến nói trên đặt ra mối quan ngại cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nếu trong năm 2015 thị trường bất động sản đã có sự tăng trưởng rất mạnh trên tất cả các phân khúc, thì 6 tháng đầu năm 2016 thị trường này đã có dấu hiệu chững lại, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn như: Có dấu hiệu lệch pha sang phân khúc bất động sản cao cấp trong khi thiếu sản phẩm căn hộ có quy mô nhỏ, giá bán vừa phải, có sự gia tăng rất lớn các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, chủ yếu nhằm mục đích mua đi bán lại kiếm lời…
Điều đó cũng có nghĩa, một cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản có thể quay trở lại bất cứ lúc nào, khi mà thị trường lại rơi vào tình cảnh tồn kho lớn số lượng căn hộ phân khúc cao cấp, lệch pha với nhu cầu của thị trường – thực tế đã từng xảy ra hồi năm 2011, 2012, thời điểm đó, thị trường tồn đọng quá nhiều biệt thự và các căn hộ hạng sang trị giá lên đến nhiều chục tỷ đồng/căn.
Còn theo ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng Giám đốc Him Lam Land, năm 2016 thị trường bất động sản tại TP.HCM vẫn có thanh khoản ổn định. Tuy nhiên những dự án có giá trị cao với mức từ 3 tỷ đồng trở lên sẽ gặp cạnh tranh rất lớn và có thể chậm lại. Những phân khúc căn hộ có giá trị từ 1 đến 2 tỷ đồng dành cho nhu cầu ở thực sẽ vẫn có thanh khoản tốt. Những dự án tốt sẽ có thanh khoản đột biến ở phân khúc này vì thực tế nhu cầu còn rất lớn. Do vậy các chủ đầu tư có thể sẽ phải thay đổi chiến lược của mình.