Dự báo lãi suất cuối năm và một số liệu chưa từng công bố
Những danh phận và lãi suất trên thị trường đã và đang gắn chặt với khuất số này...
- 14-07-2016Người vay ngã ngửa với lãi suất cho vay tiêu dùng “cắt cổ”
- 14-07-2016Đưa nhân viên xinh đẹp câu lãi suất ‘cắt cổ’
- 12-07-2016Vì lý do này mà từ nay đến cuối năm người gửi tiền khó được hưởng lãi suất cao
- 12-07-2016Trong ngắn hạn, mặt bằng lãi suất huy động vẫn ổn định
Thị trường đang xuất hiện những dự báo về áp lực đối với lãi suất trong nửa cuối năm 2016. Các dự báo có thể trở nên quá chung và xa với thực tế khi thiếu đi một khuất số quan trọng, hoặc không đề cập đến nó.
Gọi là khuất số, vì quy mô được xác định một cách rõ ràng, cụ thể, thậm chí được cân đối tại từng thời điểm và giai đoạn, nhưng chưa từng được công bố ra công chúng.
Trong khi, đây là một tham số quan trọng để nhìn về diễn biến và triển vọng của lãi suất tại Việt Nam.
Lực lượng phản ứng nhanh
Năm 2015, cao điểm bắt buộc các ngân hàng thương mại phải bán lại nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được biết đến là “ông lớn” thuộc nhóm dẫn đầu lượng nợ xấu bán lại, lên tới cả chục nghìn tỷ.
BIDV có quy mô tổng tài sản và tín dụng gần như đứng đầu hệ thống, đã đành. Có trường hợp quy mô nhỏ hơn nhiều nhưng lượng nợ xấu bán lại cũng cực lớn. Đó là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), đến cuối 2015 đã có tới 17.764 tỷ đồng nợ xấu bán cho VAMC, tính theo mệnh giá trái phiếu đặc biệt.
Đi cùng với mức độ bán lại trên, nguồn vốn SCB vay Ngân hàng Nhà nước năm qua cũng tăng đột biến, lên tới 633,7%, trong đó có tới 3.546 tỷ đồng vay tái cấp vốn trên cơ sở bảo đảm bằng trái phiếu đặc biệt VAMC.
Chỉ riêng tại SCB, đến cuối 2015 đã có một lượng vốn lớn như vậy được tái tạo qua tái cấp vốn. Và trên toàn hệ thống hẳn sẽ có một con số đáng kể, do không có công bố tổng quy mô, nên được xem là khuất số.
Khuất số này rất quan trọng, khi đặt vấn đề: nếu không có sự tham gia của lượng vốn tái tạo từ nợ xấu đó, nếu Ngân hàng Nhà nước không tái cấp vốn như trên, áp lực tăng lãi suất và thực tế lãi suất cuối 2015 và đầu 2016 có thể đã rất khác.
Có thể hiểu nguồn vốn tái cấp vốn nói chung và tái cấp vốn qua trái phiếu VAMC là lực lượng phản ứng nhanh, được Ngân hàng Nhà nước tiếp viện ở những địa chỉ có khó khăn thanh khoản hoặc thiếu hụt vốn tạm thời, hoặc để xoa dịu tác động bất lợi ở các điểm cục bộ đối với thanh khoản chung hệ thống, mà kết quả sau đó là lãi suất.
Lực lượng phản ứng nhanh này, tái cấp vốn qua trái phiếu VAMC, có lẽ đã và đang được tiếp tục sử dụng trong năm 2016 để bình ổn lãi suất, mà nếu càng đẩy mạnh mức độ và quy mô thì càng tác động đến lãi suất, thậm chí đối với lãi suất cho vay.
Danh phận và danh tiếng
Từ năm 2013 rồi đến 2014, kể từ khi trái phiếu đặc biệt của VAMC ra đời, hoạt động tái cấp vốn liên quan diễn ra rất dè chừng. Ban đầu chỉ có một vài ngân hàng thương mại được đáp ứng, ngắn và nhanh; Ngân hàng Nhà nước xem xét các hồ sơ đề nghị khá chặt chẽ.
Trước hết, là người điều tiết các dòng vốn trong hệ thống, Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc, tính toán chặt chẽ khi bơm thêm vốn; rộng hơn là còn phải cân đối các vấn đề liên quan như tín dụng, lạm phát, tỷ giá…
Về phía các ngân hàng thương mại, trong năm 2014, khi trao đổi với VnEconomy, ý kiến từ một số người trong cuộc cho biết họ có phần e ngại. Tái cấp vốn xưa nay thường được nhìn nhận như một điều gì đó tiêu cực, nhạy cảm, vì ngân hàng gặp khó thanh khoản, thiếu nguồn mới nhờ tái cấp vốn. Theo đó, nếu đối tác, khách hàng biết ngân hàng phải nhờ tái cấp vốn thì danh tiếng có thể bị ảnh hưởng.
E ngại trên xuất phát từ cách hiểu chung, tái cấp vốn là việc Ngân hàng Nhà nước phải tiếp vốn nhanh để khắc phục vấn đề thanh khoản, như là cho vay nóng, hoặc tái cấp vốn có thể dài hạn cho các ngân hàng thương mại nhà nước (chưa cổ phần hóa) có thêm nguồn vốn để đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động…
Nhưng thực tế tái cấp vốn còn có ở hình thức khác như cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá, chiết khấu giấy tờ có giá. Những hình thức này là bình thường. Tuy nhiên, lại có điểm dư luận chú ý là qua trái phiếu VAMC.
Việc cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu VAMC như một sự ghi nhận cụ thể hơn danh phận cho loại trái phiếu này. Nó thực sự có giá trị thiết thực để các ngân hàng thương mại tái tạo vốn.
Tuy nhiên, lại có một góc nhìn có phần khắt khe từ dư luận khi thực hiện tái cấp vốn qua công cụ trên. Cụ thể, một mặt các ngân hàng thương mại được chuyển nợ xấu sang VAMC mà chưa phải trích lập dự phòng tất cả ngay, tỷ lệ nợ xấu giảm ngay về số học, mặt khác lại được vay tái cấp vốn qua trái phiếu đặc biệt với lãi suất thấp.
Cụ thể, trong khi các ngân hàng thương mại thông thường đang phải huy động các kỳ hạn ngắn lãi suất từ 5-6,5%/năm, thì vay qua tái cấp vốn bằng trái phiếu VAMC lãi suất chỉ 4,5%/năm. Dư luận có thể so sánh, ngân hàng hoạt động kém phải nhờ đến tái cấp vốn lại có được giá vốn mềm hơn.
Nhưng khi tái cấp vốn qua trái phiếu VAMC được mở rộng, được xem là hoạt động bình thường chứ không phải là cứu trợ thanh khoản, thì “ưu đãi” trên dành cho số đông, cho tất cả các thành viên trong hệ thống. Nếu chuyển động theo hướng này, danh phận của trái phiếu VAMC càng được khẳng định, danh tiếng như e ngại trên cũng được pha loãng để trở nên bình thường.
Và quan trọng hơn, nếu mở rộng hoạt động tái cấp vốn nói trên, điểm chung được chú ý là lãi suất trên thị trường, cũng như triển vọng của nó. Vốn bơm qua tái cấp vốn càng nhiều, càng giảm thiểu áp lực tăng lãi suất, thậm chí còn hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, như trên, Ngân hàng Nhà nước luôn phải cân nhắc, tính toán liều lượng của các kênh tạo vốn để hài hòa cùng lúc các yêu cầu về kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, chứ không chỉ riêng bình ổn và giảm lãi suất.
Chỉ thị số 04 ngày 27/5 vừa qua cũng đã gợi mở: Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết vốn chủ yếu thông qua nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn với thời hạn, khối lượng và lãi suất hợp lý để hỗ trợ thanh khoản và nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng, nhưng đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.
VnEconomy