MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục nhập siêu năm 2016

Bộ Công Thương dự báo trong năm 2016 Việt Nam tiếp tục nhập siêu nhưng trong mức kiểm soát dưới mức 5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 5 vừa qua, cả nước nhập siêu khoảng 400 triệu USD. Dự báo trong năm 2016, Việt Nam tiếp tục nhập siêu nhưng sẽ nằm trong kiểm soát dưới mức 5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo Bộ Công Thương, cán cân thương mại hiện đang thặng dư khoảng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ xây dựng các cơ sở hạ tầng và phát triển còn cao.

Ngoài ra, việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do nên việc thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài sẽ tăng, từ đó phát sinh nhu cầu nhập khẩu các thiết bị, máy móc công nghiệp để mở mang sản xuất, đón đầu tận dụng các lợi thế ưu đãi của các Hiệp định.

Do đó, dự báo trong năm 2016 Việt Nam tiếp tục nhập siêu nhưng sẽ nằm trong kiểm soát dưới mức 5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Mặc dù vậy, tính chung 5 tháng, cả nước vẫn xuất siêu 1,36 tỷ USD; trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,74 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 9,10 tỷ USD. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 67,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để đạt được mức tăng trưởng 10% theo chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cần tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, cần tập trung rà soát các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, đẩy mạnh cải cách hành chính để đảm bảo thực hiện tốt Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/7 và đặc biệt không ban hành thêm các Thông tư, giấy phép con, qua đó tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động cũng như thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của cả nước./.

Theo Việt Hà

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên