MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đủ chiêu lừa bán đất nền: Người mua phải tự bảo vệ?

28-12-2017 - 11:05 AM | Bất động sản

Trong lúc chờ cơ quan chức năng xử lý, người dân khi mua bán nhà đất cần "tỉnh táo" khi lựa chọn dự án, công ty có uy tín và pháp lý rõ ràng.

Ngày 26-12, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đã có chỉ đạo khẩn giao Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an và Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46) Công an TP xử lý các sai phạm của Công ty CP Địa ốc Alibaba; tiếp tục theo dõi, cập nhật các diễn biến, báo cáo tình hình và đề xuất biện pháp không cho Công ty CP Địa ốc Alibaba tham gia các dự án này (dự án Tây Bắc Củ Chi) do thái độ bất hợp tác vừa qua.

Rất khó kiểm soát

Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư TP phối hợp với Cục Thuế TP và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát tình hình hoạt động của nhóm công ty gồm: Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP và Công ty CP Địa ốc Alibaba, Công ty CP Alibaba Law Firm, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng ALI; đề xuất biện pháp xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

Trước đó, hồi cuối tháng 10, PC46 Công an TP HCM đã ra quyết định khởi tố về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với Công ty CP Địa ốc Kim Phát và Công ty CP Đầu tư Việt Hưng Phát. Theo cơ quan chức năng, 2 công ty này đã ký kết hợp đồng thực hiện môi giới, chuyển nhượng dự án ở Long An, Đồng Nai, Bình Dương nhưng quá trình giao dịch, bán hàng cho khách đã không thực hiện ký kết theo đúng quy định của pháp luật. Chưa kể, chính 2 công ty này đã thu tiền và chiếm đoạt của khách hàng thay vì đưa chủ đầu tư.


Dự án đất nền tại Bà Rịa - Vũng Tàu do Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Uniland phân phối đang bị nhiều khách hàng khiếu nại. (Ảnh do bạn đọc cung cấp)

Dự án đất nền tại Bà Rịa - Vũng Tàu do Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Uniland phân phối đang bị nhiều khách hàng khiếu nại. (Ảnh do bạn đọc cung cấp)

Tuy nhiên, đây chỉ là một vài trường hợp điển hình bị cơ quan chức năng điều tra, xử lý. Bởi trong bối cảnh bùng nổ doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, còn rất nhiều công ty môi giới nhà đất làm ăn kiểu "chụp giật", dùng mọi cách để chiêu dụ khách hàng, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo mà Báo Người Lao Động đã từng phản ánh.

Luật sư Trần Đình Dũng, Trung tâm Tư vấn pháp luật TP HCM thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, cho biết cách đây vài ngày, ông tiếp một người từng là nhân viên tư vấn bán hàng của một công ty môi giới đất nền theo kiểu lôi kéo khách hàng lên xe đi xem dự án và ép họ đặt cọc mua đất. Người này kể do đi giữa đường có một khách nam không đồng ý và muốn xuống xe nhưng nhân viên cứ lôi kéo, cản trở các kiểu, không cho xuống nên mới bị vị khách này hành hung. Sự việc sau đó đã được hòa giải êm đẹp.

Giải thích lý do vì sao chèo kéo và ép khách mua đất nền, nhân viên này kể công ty yêu cầu nhân viên kinh doanh một tuần phải tập hợp người đi xem đất với số lượng đủ 2 xe. Nếu không tìm được đủ thì phải vơ cả người thân, quen rồi lôi kéo họ mua cho bằng được mới có thu nhập, một hình thức mà những người kinh doanh đa cấp thường hay làm.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho biết gần đây có nhiều trường hợp khách hàng gửi đơn khiếu nại công ty môi giới lừa bán đất nền và nhờ hiệp hội can thiệp để đòi quyền lợi.

Đại diện Sở Xây dựng TP HCM cũng thừa nhận 2 năm trở lại đây, TP HCM xuất hiện nhiều công ty môi giới nhà đất hoạt động bát nháo, có dấu hiệu lừa đảo, chủ yếu tập trung về việc lừa bán một căn hộ, dự án cho nhiều người khác nhau. Hoặc không phải chủ đầu tư nhưng công ty môi giới vẫn tự đứng ra xưng danh rồi nhận tiền đặt cọc. Tuy nhiên, trách nhiệm và thẩm quyền của Sở Xây dựng TP là chỉ xử phạt hành chính với số tiền vài chục triệu đồng nên khó răn đe và xử lý dứt điểm tình trạng này. "Chúng tôi còn biết hiện nay một số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại TP HCM nhưng hoạt động ở các tỉnh nên rất khó kiểm soát" - một thanh tra Sở Xây dựng chia sẻ.

Rà soát, công khai doanh nghiệp vi phạm

Lý giải về tình trạng môi giới nhà đất bát nháo như hiện nay, ông Lê Hoàng Châu cho rằng Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Dân sự vẫn còn nhiều kẽ hở, không thể kiểm soát hết các đối tượng đã cố tình lách luật và lừa dối khách hàng. HoREA sẽ có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn, xử lý những hoạt động này. Tuy nhiên trước mắt, các khách hàng cần phải tỉnh táo, xem xét kỹ trước khi "rót" tiền vào bất cứ dự án nào không rõ ràng về pháp lý, nhất là các doanh nghiệp môi giới không có uy tín.

Trong khi đó, luật sư Bùi Quang Tín cho rằng hiện nay tình trạng các công ty môi giới nhà đất cứ xin phép là được cấp nhưng công tác kiểm tra, xử lý chưa được thực hiện nghiêm. Cơ quan thanh tra của Sở Xây dựng là đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động này, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm hình sự nên chuyển ngay đến cơ quan điều tra xử lý để ngăn chặn tình trạng nhiều người bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền. "Đối với các đơn vị môi giới, nếu anh thông tin sai về dự án, cố tình lừa gạt khách hàng để họ mua nhưng sau đó cố tình chiếm đoạt tiền của họ là vi phạm. Còn ở góc độ nhà đầu tư, khi anh ký kết với đối tác môi giới thì phải có trách nhiệm giám sát họ, không thể để họ tự ý rao bán sai sự thật và người thiệt là khách hàng" - ông Tín phân tích.

Đại diện Sở Xây dựng TP thông tin sở đang tích cực rà soát hoạt động của các công ty kinh doanh bất động sản và sẽ công khai danh sách những đơn vị có dấu hiệu kinh doanh không lành mạnh để góp phần làm minh bạch, ổn định thị trường. Riêng những doanh nghiệp vi phạm nặng, sở sẽ kiến nghị cho Cơ quan CSĐT vào cuộc làm rõ.

Theo Sơn Nhung - Lê Phong

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên