MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dư địa chính sách tiền tệ hẹp dần

16-10-2020 - 12:52 PM | Tài chính - ngân hàng

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính chia sẻ, dư địa chính sách tiền tệ ngày càng hẹp, bởi thực tế cho thấy hiện nay lãi suất đã giảm khá sâu ở cả đầu vào lẫn đầu ra.

Lãi suất đầu vào hạ thấp

Báo cáo thị trường tiền tệ tuần của SSI Research vừa được công bố mới đây cho biết, trên thị trường 1, lãi suất tiền gửi được điều chỉnh giảm 20 - 40 điểm cơ bản (bps) ở các NHTM lớn. Lãi suất tiền gửi hiện phổ biến ở mức 3,0 - 3,8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,7 - 5,0%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng; 4,9 - 5,6%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng. Trước đó, thông tin từ SSI Research cũng cho thấy, lãi suất tiền gửi duy trì xu hướng giảm trong tháng 9, đặc biệt ở các kỳ hạn dài với mức giảm từ 0,2% - 0,8% ở các kỳ hạn. Tính từ đầu năm, tổng mức giảm đã lên tới 1,2% - 2,4%, đưa lãi suất về mức rất thấp.

Ghi nhận trên thị trường, gần đây nhiều ngân hàng tiếp tục cắt giảm lãi suất huy động. Đơn cử như tại Vietcombank, lãi suất huy động điều chỉnh giảm ở nhiều kỳ hạn: kỳ hạn 1-2 tháng hiện còn 3,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng còn 3,4%/năm; kỳ hạn 24 tháng còn 5,9%/năm... Các mức lãi suất này đều giảm tới 0,2 điểm % so với trước đó. Hay tại BIDV, ngân hàng này cũng giảm mạnh lãi suất huy động một số kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 1-2 tháng giảm xuống còn 3,3%/năm; kỳ hạn 9 tháng về mức 4,2%/năm. VietinBank cũng đã hạ lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng còn 3,3%/năm; 3,6%/năm cho kỳ hạn gửi dưới 6 tháng; các kỳ hạn từ 12 - 36 tháng giảm còn 5,8%/năm, các mức lãi suất này đều giảm 0,2 điểm% so với biểu lãi suất trước.

Dư địa chính sách tiền tệ hẹp dần - Ảnh 1.

Mặt bằng lãi suất hiện đang đứng ở mức rất thấp, nhờ thanh khoản của hệ thống dồi dào

Lãi suất huy động tiền gửi tại khối ngân hàng TMCP cũng có xu hướng giảm tương tự. Chẳng hạn Nam A Bank vừa tiếp tục giảm thêm lãi suất kỳ hạn dài, cụ thể lãi suất huy động kỳ hạn 18-29 tháng giảm còn 7%/năm so với mức 7,2%/năm hồi đầu tháng 10; kỳ hạn 30-36 tháng giảm còn 6,8%/năm... VPBank cũng giảm lãi suất nhiều kỳ hạn so với hồi đầu tháng 10. Cụ thể, kỳ hạn từ 7-11 tháng còn 5,1%/năm; kỳ hạn từ 15-36 tháng còn 5,4%/năm, giảm tới 0,4 điểm %. SHB cũng giảm lãi suất xuống 3,5%/năm ở kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng từ 3,6-3,7%/năm; 6 tháng 5,6%/năm. Lãi suất huy động tại OCB giảm khá mạnh khi kỳ hạn 1 tháng còn 3,75%/năm; 3 tháng là 3,9%/năm và 6 tháng là 5,8%/năm, giảm tối đa 0,25 điểm phần trăm so với biểu lãi suất trước đó…

Dù lãi suất đầu vào càng ngày càng hạ thấp, nhưng đại diện một số NHTM cho biết, nguồn vốn huy động của các ngân hàng vẫn tăng. Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia tài chính cho rằng, vẫn có một bộ phận người dân có thu nhập tương đối cao. Nhưng đại dịch Covid-19 khiến họ lo ngại, không muốn bỏ tiền đầu tư mà gửi ngân hàng cho chắc ăn. Bên cạnh đó không ít người dân vẫn lựa chọn gửi tiền tại ngân hàng do vừa an toàn mà vẫn sinh lời.

Đặc biệt trong bối cảnh lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn giảm khá mạnh, người dân có xu hướng ưu tiên lựa chọn gửi tiền ở các kỳ hạn dài. Trong khi các DN thường chỉ chọn các kỳ hạn ngắn do họ có tâm lý "nghe ngóng" tình hình thực tế từ sự chuyển biến của dịch Covid-19 để có thể sẵn sàng chủ động trong sản xuất kinh doanh, tái phục hồi sản xuất.

Khó có dư địa giảm thêm

Nhìn chung hiện lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng của đa phần các ngân hàng đều ở dưới 4%/năm, tức thấp hơn so với mức trần mới của NHNN. Lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng cũng giảm khá mạnh so với thời điểm đầu năm.

Lý giải nguyên nhân khiến mặt bằng lãi suất huy động giảm mạnh, một chuyên gia ngân hàng cho biết là do mấy nguyên nhân. Thứ nhất lạm phát đang có xu hướng giảm tốc nhanh, CPI bình quân tiếp tục giảm về còn 3,85% trong tháng 9 từ mức 3,96% của tháng 8, thấp hơn mức mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Lạm phát giảm đã tạo cơ hội để các ngân hàng giảm thêm lãi suất huy động mà không lo dòng vốn đảo chiều. Thứ hai, hiện thanh khoản của hệ thống đang rất dồi dào do tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với huy động. Điều đó được thể hiện qua lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm và hiện đang đứng ở mức rất thấp: lãi suất cho vay qua đêm chỉ là 0,1%/năm, 1 tuần và 2 tuần là 0,2%/năm; 1 tháng là 0,62%/năm.

Tuy nhiên cũng bởi mặt bằng lãi suất đang ở mức rất thấp, trong khi lạm phát vẫn diễn biến khó lường nên giới chuyên gia nhận định, sẽ không có đợt cắt giảm lãi suất nào nữa trong những tháng còn lại của năm 2020.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính chia sẻ, dư địa chính sách tiền tệ ngày càng hẹp, bởi thực tế cho thấy hiện nay lãi suất đã giảm khá sâu ở cả đầu vào lẫn đầu ra. "Do thừa vốn nên nhiều ngân hàng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, tốc độ tăng của trái phiếu cũng tương đối nhanh, điều này phần nào nói lên chuyện cho vay của các ngân hàng với các DN vẫn còn rất khó khăn. Chính vì thế, huy động thêm nữa gần như cũng trở thành thách thức với các nhà băng. Việc hạ lãi suất thấp xuống nữa cũng có thể xảy ra nhưng không đáng kể, vì mức lãi suất hiện nay đã quá gần với lạm phát mục tiêu rồi", chuyên gia này cho hay.

Thêm nữa, hiện dịch bệnh trong nước đã cơ bản được kiểm soát, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã mở cửa giao thương trở lại. Đó là cơ hội để các DN khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Chưa kể những tháng cuối năm cũng là chặng đua nước rút với các DN. Vì thế nhu cầu tín dụng sẽ tăng nhanh trở lại và điều đó càng khiến lãi suất khó có cơ hội giảm thêm.

Chia sẻ tại họp báo quý III/2020, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng thông tin: Báo cáo đánh giá tình hình tác động đại dịch Covid-19 gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khi phân tích những nhận định chính sách của Việt Nam cho thấy, cơ quan này đánh giá việc điều hành chính sách tiền tệ cũng như các giải pháp chính sách của NHNN thời gian qua là phù hợp. Tuy nhiên, IMF cũng cho rằng dư địa chính sách từ phía chính sách tiền tệ đang dần bị thu hẹp và khuyến nghị cần có liều lượng hơn từ phía chính sách tài khoá.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính cũng cho rằng, để gia tăng hiệu quả trong việc điều hành chính sách tiền tệ thì rất cần có sự phối hợp và trợ lực từ phía các chính sách tài khoá. Chuyên gia này nhấn mạnh, "dư địa để có thể giảm lãi suất sâu hơn nữa không có nhiều. Nếu lãi suất huy động tiếp tục xuống thấp nữa, thấp hơn cả lạm phát thì người dân nhiều khả năng sẽ lựa chọn các kênh đầu tư khác, rút tiền ra khỏi ngân hàng". Trong khi mặc dù khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực hơn song vẫn còn rất khiêm tốn, nên cho dù lãi suất cho vay có giảm tiếp cũng khó kích được tín dụng tăng mạnh như mấy năm trước.

Theo Minh Khôi

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên