MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dù Donald Trump hay Hillary Clinton chiến thắng, 10 quốc gia này làm đau đầu tổng thống Mỹ tương lai

22-10-2016 - 12:43 PM | Tài chính quốc tế

Mối quan hệ với Nga và Trung; Ngăn chặn lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Trung Đông hay vấn đề hạt nhân Triều Tiên là những vấn đề sẽ làm đau đầu tổng thống Mỹ tương lai.

Libya

Dù chính quyền nhà lãnh đạo Muamman Gaddafi đã bị lật đổ nhưng quốc gia Bắc Phi lại chìm trong hỗn loạn và bạo lực khi các phe phái tranh giành lãnh thổ và phạm vi kiểm soát. Trong khi đó, chính quyền do Mỹ và phương Tây hậu thuẫn lại không đủ khả năng để ổn định trật tự cho Libya như những gì nhà lãnh đạo Gaddafi đã làm trong suốt 42 năm.

Chính sự hỗn loạn và bạo lực ở Libya giúp lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) có chỗ dựa vững chắc để gia tăng ảnh hưởng. Bên cạnh đó, quốc gia Bắc Phi còn là điểm xuất phát của những chuyến tàu chở người di cư vượt biển tới châu Âu, gây ra cuộc di cư tồi tệ nhất kể từ thế chiến 2.

IS lộng hành ở Trung Đông gây trở ngại lớn với Mỹ.

IS lộng hành ở Trung Đông gây trở ngại lớn với Mỹ.

Triều Tiên

Chính quyền mới của nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang gây những trở ngại thực sự với Mỹ khi đầu tư mạnh cho phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa bất chấp lệnh cấm vận quốc tế. Tên lửa của Triều Tiên không chỉ đe dọa Hàn Quốc hay Nhật Bản mà còn đặt một phần nước Mỹ dưới tầm bắn.

Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành các vụ thử vũ khí hạt nhân đồng thời tuyên bố rút gọn thành công vũ khí hạt nhân thành đầu đạn để đặt nó lên các loại tên lửa liên lục địa. Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn tiến hành thử nghiệm phóng tên lửa từ tàu ngầm, yếu tố giúp tăng khả năng tấn công chiến lược của Bình Nhưỡng.

Iran

Dù Mỹ đã đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran nhưng quốc gia này vẫn là một thách thức lớn nhất dành cho tổng thống Mỹ tương lai. Tiềm lực quân sự mạnh nhưng mối quan hệ đối đầu với các nước trong khu vực đẩy tình hình Trung Đông vào tình cảnh căng thẳng. Iran hỗ trợ đồng minh của họ ở Syria, Iraq và Yemen trong cuộc chiến chống lại các lực lượng được Ả rập Xê út và Israel hậu thuẫn.

Bên cạnh đó, thỏa thuận hạt nhân mới đạt được sẽ đứng trên bờ vực phá sản bất cứ lúc nào bởi những khác biệt giữa Mỹ và Iran. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng Tehran sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình.

Mexico

Quốc gia láng giềng Mexico cũng sẽ trở thành một trong những thách thức lớn với nước Mỹ bởi tình trạng ma túy và bạo lực lộng hành. Tình trạng bất ổn có thể tạo ra làn sóng người nhập cư mới tràn vào nước Mỹ. Trong khi đó, bạo lực có thể đe dọa những lợi ích của Mỹ ở quốc gia láng giềng.

Ngoài ra, Mexico sẽ trải qua đợt bầu cử trong chưa đầu 2 năm tới. Nếu tổng thống kế tiếp không thân thiện và tiếp nối những chính sách thương mại và ngoại giao với Mỹ, mối quan hệ giữa hai quốc gia sẽ gặp nhiều trở ngại.

Afghanistan

Gần 2 thập kỷ sau khi Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố trên đất Afghanistan, Washington vẫn bị sa lầy. Chính phủ Afghanistan thân Mỹ nhưng lực lượng Taliban đang dần lấy lại sự kiểm soát nhiều phần lãnh thổ của đất nước.

Tổn thất về con người cũng là vấn đề đau đầu với Mỹ. Việc duy trì quân đội ở Afghanistan giúp đảm bảo sự tồn tại cho chính quyền mà Mỹ hậu thuẫn nhưng việc người Mỹ đổ máu lại trở thành áp lực với Nhà Trắng. Ngoài ra mối quan hệ chồng chéo, cáo buộc lẫn nhau giữa Afghanistan với Pakistan và Ấn Độ cũng khiến khu vực trở thành mớ bòng bong.

Nga

Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga đang ở mức tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Sự bất đồng trong hàng loạt vấn đề, đặc biệt là trên đất Ukraine, khiến Nga và phương Tây dần trở lại thế đối đầu. Về tiềm lực quân sự, Nga sẽ không lép vế trước Mỹ cả trên không lẫn trên biển. Thậm chí, Moscow còn sở hữu lực lượng răn đe hạt nhân quy mô nhất thế giới.

Mối quan hệ Nga - Mỹ đang ở giai đoạn tồi tệ đỉnh điểm.

Mối quan hệ Nga - Mỹ đang ở giai đoạn tồi tệ đỉnh điểm.

Trong khi đó, Moscow cũng đang nỗ lực thể hiện ảnh hưởng của họ với thế giới. Chiến dịch không kích ở Syria nhằm hỗ trợ chính quyền tổng thống Bashar al-Assad trước lực lượng do Mỹ hậu thuẫn và các phần tử IS là ví dụ điển hình nhất cho thế đối đầu Nga – Mỹ. Trong khi đó, Ukraine đang trở thành bước lùi trong quan hệ Nga – EU và quan điểm của người Nga đã rất rõ ràng.

Iraq

Mỹ đã rút quân khỏi Iraq nhưng đây vẫn là điểm nóng. Hiện tại, khoảng 4.000 – 5.000 lính Mỹ đang đồn trú tại Iraq nhưng không đủ giúp quốc gia này đảm bảo an ninh và không bị chia rẽ. Trong khi đó, lực lượng IS cũng đang lộng hành và biến quốc gia này trở thành đại bản doanh.

Trung Quốc

Không chỉ với Nga, người Mỹ còn bất đồng với Trung Quốc trong nhiều vấn đề. Một trong số đó là Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới, nơi Bắc Kinh đang đẩy mạnh các hoạt động hiện thực hóa yêu sách chủ quyền. Trong khi đó, Philippines, đồng minh lâu đời và thân cận của Mỹ, đang có những bước đi tới gần hơn với Trung Quốc và từng bước cắt đứt sự ảnh hưởng của người Mỹ.

Bên cạnh đó, Mỹ và Trung Quốc còn đối đầu trong cuộc chiến trên mạng Internet. Mỹ liên tiếp cáo buộc Bắc Kinh đứng đằng sau các vụ tin tặc nhằm đánh cắp thông tin về quân sự, bí mật thương mại của chính phủ và các công ty Mỹ.

Bên cạnh đó, tăng trưởng Trung Quốc đang có dấu hiệu giảm trong những năm gần đây, gây tác động tới nền kinh tế toàn cầu. Vượt qua Nhật Bản, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Những thay đổi với nền kinh tế Trung Quốc kéo theo tác động tới kinh tế toàn cầu và Mỹ cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng.

Thổ Nhĩ Kỳ

Duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ nhưng Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến Washington đau đầu. Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ chính chặn phiến quân IS từ Syria tiến vào Trung Đông. Bên cạnh đó, quốc gia này còn là “chiếc van” điều tiết dòng người di cư trên đường tiến vào châu Âu vì nghèo đói, bạo lực nơi quê nhà.

Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính bất thành hồi giữa năm, Thổ Nhĩ Kỳ đang hướng dần về phía Nga dù trước đó, không quân nước này từng bắn rơi một chiến đấu cơ Nga hoạt động ở Syria. Việc ngả về phía Moscow trong bối cảnh mối quan hệ Nga – Mỹ đang ở mức căng thẳng đỉnh điểm là dấu hiệu không tốt với tân tổng thống Mỹ.

Syria

Quốc gia đang chìm trong bạo lực và xung đột ở Trung Đông tiếp tục nối dành danh sách những trở ngại với tân tổng thống Mỹ. Thứ nhất, đây là nơi IS mặc sức lộng hành, làm bàn đạp cho các cuộc tấn công châu Âu và Mỹ. Thứ hai, tương lai Tổng thống Assad cũng là câu hỏi khó. Ban đầu, Mỹ khăng khăng buộc chính quyền Assad phải ra đi nhưng trải qua nhiều năm, mục tiêu của Nhà Trắng đã thay đổi.

Những can thiệp của Mỹ và phương Tây vào Syria đã gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất từ thế chiến 2. Các nước châu Âu đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề mà những bất ổn ở Syria gây ra. Trong khi đó, lợi ích của các ông lớn khiến tình hình Syria sẽ không được giải quyết trong thời gian ngắn.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên