Du lịch bước vào mùa thấp điểm, các doanh nghiệp F&B mất đà tăng trưởng?
Trong bối cảnh nguồn thu từ khách du lịch có xu hướng giảm, tối ưu chi phí, tăng trải nghiệm và giá hợp lý sẽ là chiến lược giúp doanh nghiệp F&B duy trì sức khỏe tài chính.
Ẩm thực là mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh du lịch của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Bởi "con đường ngắn nhất đến trái tim là đi qua dạ dày", ẩm thực không chỉ phục vụ nhu cầu ăn uống đơn thuần mà tác động trực tiếp đến trải nghiệm du lịch, thậm chí trở thành mục đích của chuyến đi. Những món ăn, đồ uống mang đậm nét văn hóa chính là điểm hấp dẫn đối với du khách, tạo nên xu hướng "food tour" ở các địa phương.
Do đó, sự tăng trưởng của ngành du lịch cũng kéo các mô hình ẩm thực, nhà hàng phát triển theo. Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, doanh thu dịch vụ - trong đó có dịch vụ lưu trú và ăn uống đã tăng mạnh trong mùa cao điểm du lịch hè 2023. Chỉ riêng trong tháng 7/2023, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành cả nước ước đạt 60.000 tỷ đồng, tăng 4,9% so với tháng trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 395.800 tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 16,3%.
Các trung tâm du lịch như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng,... cũng đều ghi nhận doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng khách du lịch. Mối liên hệ khăng khít giữa du lịch và ẩm thực tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp F&B vào mùa cao điểm (tháng 6-9), tuy nhiên đồng thời gây nên không ít áp lực khi mùa thấp điểm (tháng 9-11) chính thức bắt đầu.
Ông Lê Thái Hoàng - Chủ chuỗi nhà hàng Thái (Thai Market, Mor Fai, Pi Thai) cho biết: "Những tháng cuối năm sẽ là thời điểm khó khăn chung của cả ngành du lịch và dịch vụ. Các doanh nghiệp F&B cũng không nằm ngoài tình hình đó. Đối với nhà hàng Thai Market, chúng tôi hiện có nhiều chi nhánh trên toàn quốc. Tuy nhiên, các điểm bán hàng tại Đà Nẵng chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất. Đơn cử, chi nhánh Thai Market tại Bà Nà Hill, phục vụ 100% khách du lịch, lượng khách hiện tại chỉ còn đạt 30% so với công suất phục vụ. Còn đối với chi nhánh tại khu vực trung tâm TP. Đà Nẵng, số lượng khách du lịch chỉ giảm 10-15%, do vẫn duy trì được lượng khách hàng bản địa (chiếm tới 70-80% tổng lượng khách hàng)". Tuy nhiên, do có lợi thế về nhận diện thương hiệu mà doanh thu của chuỗi nhà hàng này nhìn chung không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Ông Lê Thái Hoàng - Chủ chuỗi nhà hàng Thái (Thai Market, Mor Fai, Pi Thai)
Để duy trì "sức khỏe" tài chính trong bối cảnh nguồn thu từ khách du lịch có xu hướng giảm, chủ doanh nghiệp F&B cần tìm lời giải cho bài toán tối ưu chi phí và lợi nhuận. Theo ông Lê Thái Hoàng, vào mùa thấp điểm, nhiều doanh nghiệp thường thực hiện các chiến dịch khuyến mãi để kích cầu. Tuy nhiên, nếu chạy đua với đối thủ bằng khuyến mãi, giảm giá mà không biết cách cân đối chi phí, không có cơ sở dữ liệu về hành vi, tâm lý khách hàng có thể gây nên tác dụng ngược, vô tình tạo ra cuộc chiến về giá và cuối cùng là gây thiệt hại cho thương hiệu. Thay vào đó, mỗi chương trình kích cầu, marketing đều phải được xây dựng dựa vào những hiểu biết sâu sắc về hành vi của từng nhóm khách hàng mục tiêu.
Bên cạnh đó, các nhà hàng, quán ăn vừa và nhỏ nên tập trung nghiên cứu, cho ra mắt các sản phẩm mới, menu mới, củng cố đội ngũ và tập trung chăm sóc tốt khách hàng hiện tại, tạo bước chạy đà để sẵn sàng cho giai đoạn tăng trưởng mới.
Đồng thời, các chủ doanh nghiệp F&B nên chuẩn bị tâm lý cho viễn cảnh thị trường mùa lễ cuối năm diễn biến không quá lạc quan. Ông Vũ Thanh Hùng- CEO iPOS.vn nhận định, giai đoạn cuối năm 2023 sẽ là đáy của thị trường F&B. Do đó, tối ưu chi phí, tái cấu trúc menu với giá hợp lý vẫn được coi là chiến lược thông minh.
Ông Vũ Thanh Hùng - CEO iPOS.vn
"Theo tôi, năm nay ngành F&B sẽ đón một kỳ nghỉ lễ cuối năm với sự tiết kiệm tối đa từ phía người tiêu dùng. Để vượt qua thời kỳ khó khăn này, các doanh nghiệp cần lưu ý ba vấn đề lớn.
Thứ nhất, doanh nghiệp phải nắm bắt được nhu cầu của thị trường, khi mà thực khách muốn được trải nghiệm tốt hơn với số tiền bỏ ra. Nói cách khác, nhà hàng, quán ăn cần tạo thêm các sản phẩm mới, tái cấu trúc menu bán hàng với mức giá hợp lý hơn. Thứ hai, doanh nghiệp F&B cần hạn chế tối đa chi phí vận hành. Duy trì dòng doanh thu đủ để trang trải chi phí hoạt động, chấp nhận biên lãi mỏng hoặc thậm chí không có lãi, là phương án phù hợp nhất để tồn tại trong thời điểm này, chờ đợi tương lai kinh tế sáng sủa hơn. Thứ ba, doanh nghiệp cần lên dây cót cho các dịp nghỉ lễ hoặc những dịp đặc biệt của thực khách. Ngày lễ đôi khi là thời điểm thực khách bắt buộc phải chi tiêu cho dịch vụ ăn uống. Vì vậy, những gói combo lễ, giảm giá khi đặt bàn trước, tặng quà vào ngày sinh nhật,... là cách đơn giản nhất để giúp khách hàng nhớ đến và chọn nhà hàng của bạn", CEO iPOS.vn bày tỏ.
Tổ Quốc