MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Du lịch lại lo khó đón khách quốc tế

Các doanh nghiệp đề xuất ngành du lịch cần tiếp tục kiến nghị nới lỏng quy định cách ly, xét nghiệm đối với khách quốc tế nhập cảnh.

Trong Công văn số 920 ngày 26-2 nêu ý kiến về dự thảo phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT-DL), Bộ Y tế đưa ra nhiều điều kiện được cho là siết chặt hoạt động du lịch.

Điều kiện ngặt nghèo

Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị trong vòng 24 giờ đầu (kể từ khi nhập cảnh), hành khách ở lại nơi lưu trú (không rời khỏi nơi lưu trú), thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, nếu âm tính thì tự theo dõi sức khỏe, nếu dương tính thì thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý y tế theo quy định. Trong vòng 72 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh, hành khách không nên rời khỏi nơi lưu trú.

 Du lịch lại lo khó đón khách quốc tế  - Ảnh 1.

Du khách nước ngoài tại Hội An, Quảng Nam.Ảnh: TRẦN THƯỜNG


Trường hợp sau 24 giờ kể từ khi nhập cảnh, nếu cần rời khỏi nơi lưu trú, hành khách cần phải làm xét nghiệm SARS-CoV-2 hằng ngày (xét nghiệm kháng nguyên nhanh hoặc PCR) âm tính (trước khi rời nơi lưu trú) cho đến khi kết thúc 72 giờ, đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm việc tự theo dõi sức khỏe cho đến khi đủ 10 ngày và thường xuyên thực hiện khuyến cáo 5K.

Trường hợp hành khách không rời nơi lưu trú trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhập cảnh), chỉ thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 2 lần (lần 1 trong ngày đầu nhập cảnh, lần 2 lấy mẫu trong ngày thứ 3 kể từ khi nhập cảnh), nếu kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính, hành khách có thể rời nơi lưu trú sau 72 giờ kể từ khi nhập cảnh nhưng cần thực hiện nghiêm việc tự theo dõi sức khỏe cho đến đủ 10 ngày và thường xuyên thực hiện khuyến cáo 5K.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), nhận định góp ý của Bộ Y tế cho đề án của Bộ VH-TT-DL với những điều kiện ngặt nghèo là rào cản kỹ thuật đối với khách du lịch đến Việt Nam. Như vậy, không thể thu hút khách như mong đợi. Ông Chính bày tỏ những người làm du lịch đều mong muốn Bộ Y tế xem xét, đưa ra quy định vừa bảo đảm để khống chế việc lây nhiễm đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế phục hồi, đi lại thông thoáng. "Ngay cả khi có những điều kiện thuận lợi hơn, ngành du lịch vẫn nhìn thấy rất nhiều việc đang cản trở khách, chưa thuận lợi để thu hút du khách trở lại, trong đó có chính sách miễn thị thực. Quan điểm của TAB là khách du lịch nội địa, khách quốc tế cần phải được bình đẳng. Không thể cùng là khách du lịch, điều kiện tiêm chủng như nhau lại được đối xử khác nhau. Trong khảo sát gần đây của TAB, 90% số khách trả lời nếu bị cách ly họ không đi du lịch. Nếu chúng ta cách ly khách quốc tế 3 ngày, xét nghiệm khách liên tục có lẽ họ không muốn đến Việt Nam để du lịch" - ông Hoàng Nhân Chính chia sẻ.

Góp ý của Bộ Y tế trước thời điểm dự kiến mở cửa đón khách không lâu khiến các DN du lịch đứng ngồi không yên. Ông Phạm Minh Quang, Tổng Giám đốc Dolphin Tour, nhấn mạnh với những điều kiện của Bộ Y tế, du khách sẽ gần như không quan tâm tới việc đến du lịch Việt Nam. Điều này sẽ đẩy ngành du lịch, hàng không vào thế vô cùng khó khăn. "Chúng tôi đã háo hức chuẩn bị nhiều chương trình xúc tiến, truyền thông tưng bừng việc mở cửa du lịch. Giờ quy định lại khó khăn như thế này, du khách vẫn phải cách ly thì DN rất khó khăn. Tâm lý ai đi du lịch cũng cần sự thoải mái, được chào đón chứ bắt xét nghiệm nhiều lần, thủ tục khó khăn thì chắc là sớm "vẫy tay chào nhau"" - ông Phạm Minh Quang bày tỏ sự thất vọng.

Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Golden T Travel, cũng cho rằng góp ý của Bộ Y tế với những hàng rào kỹ thuật về cách ly, xét nghiệm mang tính phân biệt đối xử giữa khách trong nước và khách quốc tế. Theo ông Thành, cần tuân thủ chủ trương của Chính phủ là thích ứng an toàn, linh hoạt, thực hiện mục tiêu kép vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, đồng thời phát triển kinh tế. Khi khách nhập cảnh Việt Nam, xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 là được. "Khách đến Việt Nam nếu đáp ứng đủ điều kiện dịch tễ, phải được hưởng tự do đi lại, còn ai có bệnh thì được chăm sóc, cách ly y tế phù hợp" - ông Thành nêu quan điểm.

Mở cửa thì phải thông thoáng!

Cũng liên quan đến việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế hoàn toàn từ 15-3, tại tọa đàm "Giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế đến TP HCM năm 2022" do Sở Du lịch TP HCM tổ chức ngày 3-3, các DN đề xuất ngành du lịch thành phố cần mạnh dạn tiếp tục kiến nghị nới lỏng quy định cách ly, xét nghiệm đối với khách quốc tế nhập cảnh.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng với chính sách kiểm soát dịch bệnh hiện tại nên du khách dù đã xét nghiệm PCR trước khi nhập cảnh rồi sau 3 ngày vẫn phải xét nghiệm lại, áp lực về chi phí tài chính là không nhỏ. Vì vậy, nếu TP HCM đón khách quốc tế sắp tới, kiến nghị Sở Du lịch TP HCM làm việc với các cơ quan, ban ngành, Sở Y tế để có thể mời thêm đội ngũ y tế tới khách sạn hỗ trợ du khách. "Đối với các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch cần đối xử với khách quốc tế cũng như khách Việt vì họ cũng đã tiêm đủ liều, xét nghiệm PCR âm tính... nên các dịch vụ cần được phục vụ, đáp ứng đầy đủ để không có sự kỳ thị" - bà Phương Hoàng góp ý.

Ông Bùi Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, dẫn số liệu cho thấy ngành du lịch thí điểm đón khách quốc tế trong 3 tháng, có gần 9.000 lượt khách đến Việt Nam và chỉ có 27 người mắc Covid-19 và 1 trường hợp chuyển nặng phải nhập viện. Nếu so tỉ lệ nhiễm thực tế ở TP HCM hay các tỉnh, thành khác là rất thấp. Vậy mà, ngành y tế giữ quy định khách quốc tế tới Việt Nam du lịch phải xét nghiệm PCR ít nhất 3 lần, trước khi xuất phát, ngay khi nhập cảnh và khi chuẩn bị xuất cảnh về nước. Điều này rất phiền hà và chi phí rất lớn. "Vì vậy, đề xuất Sở Du lịch TP HCM cần mạnh dạn kiến nghị cơ chế đặc thù cho toàn bộ khách đến TP HCM không cần xét nghiệm mà chỉ cần tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Nếu có phát sinh ca nhiễm, bảo hiểm du lịch sẽ lo hoặc khách sẽ tự chịu chi phí điều trị" - ông Duy nói.

Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam thẳng thắn cho rằng với những đề xuất mới đây của Bộ Y tế thì khi mở cửa lại hoạt động du lịch chắc chắn không có khách. "Chả ai đến TP HCM và cả nước với những điều kiện như vậy! Thực tế, hơn 3 tháng qua, cả nước thí điểm đón khách quốc tế chỉ đón được hơn 9.000 khách. Nếu chia ra, mỗi tháng cả nước đón được 3.000 khách, con số này quá ít so với công sức của cả ngành du lịch và DN đã bỏ ra. Nguyên nhân là do các quy định thí điểm quá khó đối với cả hãng hàng không, DN và du khách" - ông Lương Hoài Nam thẳng thắn.

Cũng vì những quy định quá khó về nhập cảnh này, có thể ảnh hưởng hình ảnh điểm đến du lịch Việt Nam trong mắt khách quốc tế. Do đó, theo ông nếu mở cửa thì phải tự tin, rõ ràng và thông thoáng, chứ mở như hiện nay thì quá khó. "Theo tôi, ngoại trừ các biện pháp sàng lọc du khách thực hiện ở nước ngoài với điều kiện đã tiêm 2 liều vắc-xin, xét nghiệm PCR 72 giờ trước giờ bay là đủ. Không cần áp thêm điều kiện nào nữa. Một khi khách đã nhập cảnh Việt Nam, đi qua cửa khẩu rồi thì cần đối xử với họ như khách nội địa. Nếu phân biệt khách thì làm sao phát triển du lịch?" - ông Nam nêu quan điểm.

Kiến nghị phục hồi chính sách miễn thị thực

Ngày 3-3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết tính đến ngày 2-3, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vắc-xin lẫn nhau với 15 nước, bao gồm: Nhật Bản, Mỹ, Anh, Úc, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Singapore.

Về chính sách thị thực nhập cảnh, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân mang giấy tờ nhập cảnh hợp lệ sẽ được nhập cảnh vào Việt Nam theo quy định tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét quyết định phương án cụ thể về cấp thị thực và miễn thị thực.

Thứ nhất, áp dụng thủ tục, quy trình cấp thị thực, miễn thị thực theo quy định tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh quá cảnh, cư trú của người nước ngoài năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành, bãi bỏ các yêu cầu về việc phương án cách ly sau nhập cảnh, bãi bỏ hạn chế theo mục đích nhập cảnh.

Thứ hai, phục hồi chính sách miễn thị thực song phương theo các điều ước quốc tế với các nước hoặc theo nguyên tắc có đi có lại, bãi bỏ yêu cầu về việc nhân sự và phương án cách ly tại địa phương.

Thứ ba, phục hồi chính sách miễn thị thực đơn phương với 13 nước theo quy định tại điều 13 Luật Xuất nhập cảnh và nghị quyết của chính phủ.

D.Ngọc

Theo Yến Anh - Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên