Du lịch rón rén trở lại
Hết giãn cách xã hội tuy nhiên các di tích, điểm tham quan chưa mở cửa, nên các chuyên gia du lịch nhận định trước mắt du lịch vẫn trong trạng thái vừa đi vừa nghe ngóng.
- 26-04-2020Doanh nghiệp du lịch khó khăn giữ chân người lao động
- 17-04-2020DN du lịch “ngóng chờ” vốn từ Nghị quyết 42 của Chính phủ
- 17-04-2020Giảng viên cấp cao đại học RMIT: Tương lai tươi sáng cho du lịch Việt sau Covid-19
SÔI ĐỘNG NGHỈ DƯỠNG GẦN
Thay vì lo cháy tua và quá tải tại các điểm nghỉ dưỡng dịp 30/4 như mọi năm, nhiều công ty lữ hành lớn đều bày tỏ sự thận trọng khi tư vấn khách hàng và đưa ra chiến lược kinh doanh trở lại sau giãn cách xã hội. Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO Cty AZA Travel cho biết, ngay ngày đi làm bình thưởng sau giãn cách đã yêu cầu nhân viên phân tích thị trường, tuy nhiên lưu ý tới tình trạng “bình thường mới”.
Gành Đá Đĩa
Một loạt điểm đến ở các tỉnh thành khắp cả nước chưa hoàn toàn cởi mở: Đà Nẵng cho tắm biển nhưng điểm tham quan du lịch vẫn đóng cửa. Các khu trung tâm vui chơi giải trí ở các điểm du lịch như Nha Trang chưa hoạt động trở lại. Hạ Long thậm chí duy trì giãn cách tới hết 3/5. Các khu vui chơi giải trí ở Hà Nội, TPHCM cũng trong trạng thái tương tự. Một số resort như Vinpearl, FLC mở cửa trở lại, nhưng nhiều nơi vẫn chưa có động tĩnh.
“Ở giai đoạn mới hết cách ly xã hội, du lịch chưa thể bung ra ngay được. Chúng tôi xác định dịp 30/4 này, du lịch nghỉ dưỡng, tham quan tại chỗ vẫn là ưu tiên hàng đầu”, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Hanoi Redtours, Trưởng Ban Truyền thông của Hiệp hội Du lịch nói. Hiện các doanh nghiệp chủ yếu mở bán các gói tua từ tháng 5 trở đi. Thời điểm 30/4 cận kề chỉ phù hợp với du lịch đường bộ gần, du lịch tự túc ở phân khúc nghỉ dưỡng.
Các điểm du lịch đường bộ với khoảng cách gần như loạt khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Vĩnh Phúc, Ba Vì (Hà Nội), Hòa Bình bắt đầu sôi động trở lại. Chị Thu Hoài (Bắc Từ Liêm) cho biết, ngay khi hết lệnh giãn cách hôm 23/4 liền gọi điện đặt phòng nghỉ dưỡng cho gia đình dịp 30/4 tại Ba Khan village (Mai Châu, Hòa Bình) nhưng khu này đã kín phòng từ 29/4-2/5. Flamingo Đại Lải thông báo đón khách trở lại từ 30/4, tuy nhiên các dịch vụ giải trí tập trung đông người như karaoke, rạp chiếu phim, gym, massage tạm thời chưa phục vụ. Ngoài ra khu nghỉ dưỡng này vẫn áp dụng các biện pháp phòng dịch tích cực như cung cấp nước rửa tay, khử khuẩn phương tiện, đeo khẩu trang và yêu cầu giữ khoảng cách ở không gian công cộng.
Khu và điểm du lịch xa phải dùng dịch vụ hàng không còn khá khó khăn trong thời điểm cận 30/4. Số chuyến bay được cấp phép từ nay tới 30/4 gấp đôi thời điểm trước cách ly, nhưng còn hạn chế so với thời điểm trước khi có bệnh nhân 17 xuất hiện. Cụ thể, Hà Nội-TPHCM tối đa 20 chuyến/ ngày, chặng Hà Nội/TPHCM-Đà Nẵng tối đa 6 chuyến/ngày, tới các địa phương khác chỉ 1 chuyến/ngày. Hơn nữa ở thời điểm này, lãnh đạo của các doanh nghiệp lữ hành nhận định, tâm lý người dân ngay lúc này còn khá dè dặt khi phải dùng dịch vụ hàng không.
ƯU TIÊN KÍCH CẦU NỘI ĐỊA
Du lịch nội địa được dự báo sớm phục hồi. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia dựa trên diễn biến đại dịch COVID-19. Thời điểm này, Chính phủ cũng chưa cho phép tiếp đón khách quốc tế, nên thị trường nội địa là cứu cánh cho du lịch Việt Nam năm 2020. Giáo sư Dimitrios Buhalis, chuyên gia quản lý và tiếp thị chiến lược du lịch của ĐH Bournemouth nêu ý kiến tại hội thảo trực tuyến của Tổ chức Du lịch thế giới hôm 21/4 rằng, thị trường du lịch nội địa phục hồi trước tiên nhưng từng bước. Nhóm khách công vụ, thăm thân được nhiều doanh nghiệp nhắm tới cho giai đoạn đầu phục hồi.
Trưởng Ban truyền thông của Hiệp hội Du lịch nhắc tới khả năng sớm phát động chiến dịch người Việt du lịch Việt Nam, liên minh kích cầu du lịch nội địa cũng sớm tái khởi động sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Ông Nguyễn Công Hoan nhận định, đối với các điểm du lịch trước đây chủ yếu đón khách quốc tế chính là những điểm có chính sách, hình thức giảm giá hấp dẫn khách nội địa. Một số khu nghỉ dưỡng ở Phú Quốc bắt đầu tung gói khuyến mại hấp dẫn từ tháng 6 tới tháng 11: Combo vé máy bay, nghỉ dưỡng kèm ăn, uống tại resort 5 sao trong ba ngày hai đêm chỉ từ 4,9 triệu đồng.
Quảng Bình cũng là một trong những địa phương tích cực chuẩn bị kịch bản mở cửa du lịch trở lại. “Quảng Bình vừa cho phép mở cửa đón khách với số lượng hợp lý tại các khu, điểm du lịch, đồng thời vẫn đảm bảo biện pháp phòng chống dịch. Chúng tôi cũng chuẩn bị chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn, sẽ giảm giá sâu để phù hợp chuyển cơ cấu từ khách quốc tế sang khách nội địa.
Với mức giá hấp dẫn, điều kiện thuận lợi, khách Việt Nam có thể được trải nghiệm các sản phẩm cao cấp với giá rẻ, trong đó có sản phẩm chinh phục hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng. Tỉnh đang thực hiện khẩn trương chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch, tạo điều kiện phục hồi du lịch, dịch vụ”, ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình nói.
RẠP CHIẾU PHIM TIẾP TỤC ĐÓNG CỬA Các đơn vị phát hành thông báo lịch phim phát hành trong tháng 5-6 song hệ thống rạp chiếu vẫn đóng cửa chờ hướng dẫn tiếp theo. Trong thời gian đóng cửa rạp vì dịch bệnh, nhân viên hàng ngày vẫn được cắt cử tới bật máy chiếu, bảo dưỡng, bảo trì hệ thống rạp chiếu chứ không có chuyện được nghỉ hoàn toàn. Loạt di tích lớn của Hà Nội như Văn Miếu-Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn tiếp tục đóng cửa hết 30/4, tuy nhiên kể cả khi được trở lại hoạt động tình hình chưa chắc khả quan.
Tiền phong