Du lịch tìm cách vượt khủng hoảng giữa mùa dịch COVID-19
Hàng nghìn tua du lịch bị hủy vì dịch bùng phát trở lại. Nhiều doanh nghiệp ngấp nghé ngưỡng đóng cửa. Doanh nghiệp du lịch đứng trước làn sóng khủng hoảng lớn thứ hai trong năm.
- 02-08-2020Chủ tịch Trần Trọng Kiên: Trạng thái bình thường trong ngành du lịch Việt Nam chỉ là tạm thời!
- 31-07-2020Hàng chục nghìn khách ở TP Hồ Chí Minh hủy tour du lịch
- 31-07-2020Ngành du lịch ngóng các gói hỗ trợ mới
KHÓ KHĂN CHỒNG CHẤT
Dịch bệnh bùng phát trở lại khiến du lịch Đà Nẵng hoàn toàn tê liệt. Cơn địa chấn ảnh hưởng tới bức tranh du lịch Phú Quốc, Đà Lạt, Quy Nhơn, Phú Yên. Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội cho biết, 28 doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội đưa gần 7 nghìn khách tới Đà Nẵng trong tháng 7 nhưng chỉ ba ngày cuối tháng 7, hơn 7 nghìn khách của 22 công ty lữ hành Hà Nội hủy tua tới nhiều địa phương.
Số liệu của Sở Du lịch TPHCM ghi nhận làn sóng hủy tua của hàng chục nghìn khách. Theo báo cáo sơ bộ của 11 doanh nghiệp lớn tại TPHCM, khoảng 31 nghìn khách hủy chuyến: Vietravel có hơn 20 nghìn khách báo hủy trong hai ngày 26-27/7, Saigontourist hơn 10 nghìn khách từ chối tiếp tục du lịch. Loạt doanh nghiệp khác như BenThanh Tourist, Lữ hành Fidi, Cty Du lịch Hòa Bình cũng trong tình trạng tương tự.
Ninh Bình thuộc top đầu các địa phương phục hồi du lịch sau dịch bệnh hồi tháng 5. Từ thời điểm mở cửa trở lại, Ninh Bình đón hơn 300 nghìn lượt khách, thời điểm này cũng sụt giảm mạnh. Ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, chỉ ba ngày trở lại đây, lượng khách miền Nam và miền Trung tới Ninh Bình giảm khoảng 40-50% so với thời điểm trước dịch bùng phát. Sở yêu cầu các đơn vị khởi động lại quy trình phòng chống dịch tại các điểm, khu du lịch để đảm bảo an toàn cho khách.
Doanh nghiệp phải đóng cửa, hàng triệu lao động mất việc trong đó một phần không nhỏ thuộc ngành du lịch và dịch vụ. Anh Đào Mạnh Cương, một hướng dẫn viên tiếng Trung lâu năm, dùng từ “nghỉ dưỡng” để nói về hiện trạng. Hàng nghìn hướng dẫn viên thị trường quốc tế bị mất việc từ đầu năm, nhiều người phải chuyển sang làm tài xế hoặc tìm việc mới nhưng cũng không dễ xoay xở. “Làm việc lâu năm trong nghề, tôi không đi kiếm việc khác mà chấp nhận mất việc hoàn toàn. Không dễ kiếm việc khác, tôi cũng chưa dám bung ra đầu tư vào thời điểm rủi ro này nên đành chờ đợi dịch bệnh đi qua”, anh Cương nói.
Làn sóng dịch bệnh mới này sẽ khiến các doanh nghiệp khó khăn gấp bội, thậm chí sẽ có làn sóng doanh nghiệp rời thị trường nhiều hơn- ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Group nhận định. Ông cho rằng, những nhà hàng, khách sạn chưa kịp mở cửa trở lại sẽ tiếp tục đóng hoặc có thể phải bán. Ngành du lịch từng kỳ vọng ở thị trường nội địa với kỳ nghỉ hè, du lịch hè trong tháng 8, giờ dịch bùng phát khiến lỡ cơ hội phục hồi. Kỳ nghỉ tết nguyên đán thì còn xa và khả năng mở cửa lại thị trường quốc tế trong bối cảnh này là rất khó.
ÐOÀN KẾT TRỞ LẠI
Đợt khủng hoảng thứ nhất của du lịch mới tạm ngưng chưa đầy ba tháng, du lịch giờ lâm khó khăn bội phần. Để đối mặt làn sóng khủng hoảng thứ hai, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất các hiệp hội du lịch, hội ngành nghề du lịch lúc này cần phát huy vai trò kết nối các doanh nghiệp để giúp nhau vượt khó. “Các hiệp hội cần làm cầu nối phản ánh khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp tới bộ, ngành cũng như Chính phủ. Doanh nghiệp cũng kỳ vọng Chính phủ nhanh chóng kích hoạt các gói hỗ trợ và quan trọng nhất là doanh nghiệp phải tiếp cận được, cũng như triển khai giải pháp phòng chống dịch hiệu quả, quản lý chặt để chống nguồn lây từ bên ngoài”, ông Kỳ nêu.
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Cty Hanoitourist Phùng Quang Thắng đề xuất cần sự vào cuộc và chia sẻ khó khăn của ba bên lữ hành, hàng không và hệ thống cung cấp dịch vụ như lưu trú, điểm đến. Trong cuộc làm việc do Sở Du lịch phối hợp Hiệp hội Lữ hành Hà Nội tổ chức cuối tuần qua, ông Thắng mong muốn các hãng hàng không có chính sách cụ thể trong việc hoàn, hoãn chuyến với khách đoàn. Cơ sở lưu trú và điểm đến cũng nên mở rộng thời hạn đón khách, tạo điều kiện cho khách lùi chuyến đi tới thời điểm thích hợp.
“Trong bối cảnh khó khăn chung, cuộc họp kết nối do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức vừa rồi đạt thành công nhất định. Sau cuộc gặp, các hãng hàng không có văn bản bổ sung chính sách vé đối với khách đoàn và hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành”, ông Hiếu nói. Sở Du lịch Hà Nội trở thành cầu nối để doanh nghiệp chia sẻ khó khăn cũng như kinh nghiệm vượt khủng hoảng. Sở phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các hiệp hội và CLB du lịch ở Hà Nội tạm hoãn một số hoạt động trong tháng 8 để tập trung chống dịch. Đảm bảo an toàn cho du khách tại thời điểm này vẫn là ưu tiên hàng đầu, vì thế Sở Du lịch Hà Nội nhắc các đơn vị kích hoạt quy trình phòng, chống dịch ở mức cao nhất.
Những người làm du lịch nhận định chưa bao giờ doanh nghiệp du lịch nước nhà cùng nhìn một hướng như thời điểm dịch bùng phát này, họ cần tiếp tục tinh thần “kết bè” để vượt bão
khủng hoảng.
CHUNG TAY Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nêu, việc cần làm lúc này của các công ty lữ hành là yêu cầu hoãn, hủy tua của khách. Ông đề xuất ngành du lịch đã phát động chương trình kích cầu Người Việt Nam du lịch Việt Nam thì nay cũng nên phát động người Việt Nam chung tay chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Thay vì hủy tua và đòi lại tiền, khách hàng có thể bảo lưu tua sang thời điểm thích hợp, hoặc đổi sang gói du lịch tại địa điểm khác. Tổng cục Du lịch trong công văn mới nhất cũng đề nghị các địa phương bên cạnh khởi động quy trình phòng, chống dịch đảm bảo cho khách cũng cần “kịp thời chỉ đạo, vận động, tuyên truyền du khách, các doanh nghiệp du lịch, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn cùng hợp tác, chia sẻ khó khăn trong việc hoãn, hủy đối các chương trình đã ký kết do tác động của dịch bệnh”.
Tiền phong