MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Du lịch TP HCM cần chiến lược để bứt phá

Doanh nghiệp rất khó để định hướng, đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch nếu TP HCM không có chiến lược, quy hoạch phát triển ngành du lịch trong 10-20 năm.

Đây là ý kiến được các doanh nghiệp (DN), chuyên gia đưa ra tại tọa đàm công tác quản lý nhà nước về du lịch của TP HCM trong 25 năm qua.

Tàu tới mà không có bến…

TS Hà Thị Bích Liên - giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cố vấn cấp cao cho 2 hãng tàu lớn của Mỹ và Đức - cho biết TP HCM luôn là điểm đến hàng đầu của khách tàu biển trên những du thuyền cao cấp nhưng gần đây, nhiều du khách phải bỏ điểm đến này vì tàu không có cảng để neo đậu. Hơn 3 tháng trước, một tàu biển mang theo khoảng 4.000 du khách quốc tịch Mỹ, Anh, Úc… và đoàn thủy thủ trên tàu dự kiến cập cảng Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhưng phải lênh đênh ngoài biển. Dù đã đăng ký trước hơn 1 năm nhưng khi tới thì không thể cập cảng vì thiếu chỗ đậu, tàu hàng đã lấp đầy cảng.

Du lịch TP HCM cần chiến lược để bứt phá - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp đề nghị TP HCM cần có chiến lược dài hơi để ngành du lịch phát triển xứng tầm Ảnh: TẤN THẠNH

"Thiếu bến đậu là nút thắt kinh khủng ảnh hưởng tới việc thu hút khách tàu biển của TP. Theo kế hoạch, đầu tháng 9 sẽ có tàu biển chở 2.800 khách và một tàu biển khác chở 4.800 khách quốc tế dự kiến tới TP cũng phải hủy lịch trình vì không có chỗ neo đậu. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần về việc thiếu cầu cảng chuyên dụng đón khách du lịch nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết, dù cơ quan quản lý địa phương như Sở Du lịch TP và các đơn vị đã hỗ trợ nhiều. Đây là điều đáng buồn" - TS Liên nói.

Khách tàu biển thường đến từ châu Âu, châu Mỹ, đi du lịch theo lịch trình đã được đăng ký trước từ 6 tháng đến 1 năm. Trung bình mỗi tàu biển chở tới 3.000-5.000 khách quốc tế từ nhiều nước khác nhau. Chi tiêu trung bình của mỗi khách khoảng 100 USD/ngày. TP HCM là một trong những điểm đến trên lịch trình nhưng "có thuyền mà không có bến là vô nghĩa". Trong khi chờ có một cảng chuyên dụng cho tàu biển du lịch tại TP HCM, các hãng tàu lớn trên thế giới sẽ bỏ đi. Vì vậy, lãnh đạo TP, cơ quan quản lý cần sớm tìm giải pháp cho vấn đề này.

Giám đốc Sở Du lịch TP Bùi Tá Hoàng Vũ lý giải chủ đầu tư các cảng biển có lý do để từ chối hãng tàu biển du lịch. Bởi một tàu khách du lịch cập cảng, phí neo đậu khoảng 30.000 USD nhưng tàu chở hàng mức phí này là khoảng 230.000 USD. Đó là xét về kinh tế nhưng ở góc độ chung ngành du lịch sẽ bị thiệt hại vì khách không ghé. Do đó, cơ quan quản lý đang phối hợp tìm cách giải quyết.

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), nhìn nhận thiếu bến đậu chỉ là một phần của câu chuyện. Muốn có bến đậu, cảng du lịch cần đầu tư cho cả khu phức hợp, có nhà hàng, khu mua sắm, thu hút những nhà đầu tư bất động sản về du lịch... Còn nếu chỉ thu phí đậu cảng sẽ rất khó tìm nhà đầu tư và cần cơ chế, chính sách để khuyến khích họ tham gia. Nếu TP có cảng chuyên dụng phục vụ du lịch sẽ rút ngắn thời gian du khách phải đi từ Bà Rịa - Vũng Tàu về TP HCM, từ đó sẽ tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách ở TP.

Phát triển chưa xứng tầm

PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, nhận xét cùng với sự phát triển của du lịch Việt Nam, du lịch TP đang ngày một khẳng định vị trí của một địa phương đi đầu trong cả nước và có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, du lịch TP phát triển chưa tương xứng vị thế và đáp ứng kỳ vọng, trong đó có yếu tố quản lý nhà nước về du lịch.

TP đi sau nhiều địa phương khác trong xây dựng chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch. Hiện TP vẫn đang trong quá trình xây dựng chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 trong bối cảnh sắp kết thúc giai đoạn phát triển đến năm 2020. Chưa kể Luật Quy hoạch có hiệu lực từ đầu năm 2019 cũng sẽ không còn quy hoạch ngành ở cấp tỉnh.

"Chưa nỗ lực trong việc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách tạo đột phá cho du lịch TP để TP HCM trở thành điểm đến "du lịch không ngủ" và tạo những sản phẩm du lịch đặc thù như mua sắm, du lịch sinh thái cộng đồng Cần Giờ. Dù là địa phương đi đầu trong cả nước đề xuất ý tưởng thành lập "cảnh sát du lịch" nhưng hiện TP còn nhiều lúng túng trong phối hợp với các cơ quan liên quan để trở thành điểm đến du lịch an toàn, thân thiện... Đây là những "điểm nghẽn" trong nỗ lực phát triển TP trở thành trung tâm du lịch hàng đầu trong nước và khu vực" - PGS-TS Phạm Trung Lương chỉ rõ.

Cũng vì thiếu chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch nên nhiều DN cho biết rất khó để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng cần xác định vai trò của cơ quan quản lý, phải tạo ra sự thúc đẩy phát triển cho ngành du lịch. Năm 2017, du lịch được xác định là ngành du lịch kinh tế mũi nhọn nhưng đến giờ, TP đã có chính sách gì thể hiện sự mũi nhọn này, nhọn cỡ nào, có cơ chế đột phá nào hỗ trợ cho ngành, DN phát triển?

"Phải làm sao cởi trói, giải phóng được năng lượng của TP về du lịch. Chúng tôi vẫn thấy còn gò bó, chưa có những ưu đãi về cơ chế chính sách từ điện, nước, liên doanh, liên kết, hạ tầng giao thông... Môi trường kinh doanh chưa có những cái gì vượt trội so với các tỉnh, TP khác. Sản phẩm đường sông rất hay nhưng "ai đầu tư thì chết", vậy ai dám đầu tư nữa? Do đó, cần tiếp tục tháo gỡ, cởi trói cho du lịch phát triển" - ông Nguyễn Quốc Kỳ nhận xét.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, chiến lược phát triển du lịch TP vẫn có nhưng đến giai đoạn này đã không còn phù hợp. Hiện TP đã chính thức giao Sở Du lịch mời đơn vị tư vấn nước ngoài để thống nhất tiêu chí, mời thầu, với nguồn tài trợ 2 triệu USD. Các chuyên gia sẽ cùng phản biện để có chiến lược đúng tầm nhìn, đúng điều kiện phát triển của ngành du lịch TP.

Dồn lực cho du lịch Cần Giờ

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours, cho rằng TP HCM cần có thêm sản phẩm mới, có chợ đêm và những phố đi bộ du lịch đúng nghĩa. TP phải là trung tâm ẩm thực và quà tặng đặc thù của cả nước. Hình thành các tam giác trọng điểm du lịch, lấy các quận 1, 3, 5 làm trung tâm nối Củ Chi, Hóc Môn phía Tây với các loại hình du lịch nông nghiệp, làng nghề truyền thống, văn hóa, lịch sử…

"Tôi đã đưa các chuyên gia về những lĩnh vực này của Thái Lan, Mỹ đi khảo sát Cần Giờ và họ kinh ngạc trước những tiềm năng tại chỗ và tiếc cho du lịch TP. Phải tập trung phát triển Cần Giờ thành trung tâm du lịch sinh thái rừng ngập mặn và các liên hợp trò chơi mạo hiểm, huấn luyện ngoài trời" - ông Mỹ gợi ý.


Theo Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên