MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Du lịch ứng phó với giá vé máy bay vọt tăng

Chưa kịp mừng vì vé máy bay hạ nhiệt trong tháng 6, du khách lại choáng với giá vé máy bay bất ngờ tăng vọt chỉ trong hai tuần đầu tháng 7. Cái khó ló cái khôn, người dân buộc phải tìm ra giải pháp để thích ứng với mùa cao điểm du lịch năm nay.

Giá vé tăng cao bất chợt

Anh Nguyễn Tiến Thành (45 tuổi, Hà Nội) muốn đưa cả gia đình du lịch Đà Nẵng sau khi con hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, khi vào các trang web đặt vé, anh ngỡ ngàng. “Gia đình tôi có 7 người lớn, 2 trẻ em, sau khi kiểm tra giá vé tôi thấy giá chênh khoảng 300-500 nghìn đồng/vé so với tuần trước đó. Chúng tôi phải chi thêm gần 5 triệu đồng tiền vé”, anh Thành cho biết. Di chuyển tới Hạ Long bằng xe khách là giải pháp cuối cùng của gia đình này.

Du lịch ứng phó với giá vé máy bay vọt tăng- Ảnh 1.

Giá vé máy bay tăng cao khiến du khách ngại du lịch nội địa

Gia đình chị Phan Minh Hà (35 tuổi, Hà Nội) chọn du lịch tới Phú Quốc. Sau khi tham khảo giá vé máy bay, giá combo vé máy bay, khách sạn ở các doanh nghiệp lữ hành, gia đình chị đã bỏ cuộc. “Giá vé đi Phú Quốc cao hơn nhiều so mức chúng tôi có thể chi trả được. Giá vé máy bay đầu hè duy trì ở mức 3-4 triệu đồng/khứ hồi đã cao hơn so với các năm trước khá nhiều, nay tiếp tục tăng. Chúng tôi có tính tới phương án bay đêm, giờ xấu để tiết kiệm nhưng kế hoạch này vẫn không khả thi”, chị Minh Hà chia sẻ.

Du lịch ứng phó với giá vé máy bay vọt tăng- Ảnh 2.

Tua du lịch tàu hỏa vẫn là lựa chọn ưu tiên trong mùa cao điểm du lịch nội địa năm nay

Theo khảo sát, giá vé từ Hà Nội đến các điểm du lịch biển nổi tiếng như Đà Nẵng, Phú Quốc, Quy Nhơn, Nha Trang… đang ở mức cao. Những chuyến bay trong khung giờ đẹp có thể cao hơn 2 lần so với tháng 6. Giá vé khứ hồi chặng Hà Nội - Nha Trang từ ngày 17/7 đến cuối tháng 8, hạng phổ thông của Vietnam Airlines, Vietjet Air dao động từ 4-7,6 triệu đồng. Giá vé máy bay Hà Nội - Phú Quốc dao động từ 4-7 triệu đồng. Trước đó, giá vé của hai chặng này dao động ở mức 3-5 triệu đồng/vé khứ hồi. Giá tăng cao nhất vẫn là chặng Hà Nội - Côn Đảo, bởi từ ngày 17/7 đến hết tháng 9, trên trang abay.vn không còn vé, trên trang traveloka.com, giá vé hạng phổ thông dao động từ 3,4-5,2 triệu đồng/vé/chiều.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO Cty AZA Travel cho rằng, thời điểm này nhiều du khách chọn Côn Đảo là điểm đến bởi sắp tới ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, người dân sẽ đổ đến nghĩa trang Hàng Dương để tri ân các anh hùng, liệt sĩ. “Thời gian gần đây Côn Đảo trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, thu hút du khách trên toàn quốc. Bên cạnh đó, các điểm du lịch biển dần mất đi vẻ hoang sơ khiến du khách tìm kiếm các điểm du lịch hoang sơ, chưa trải qua sự khai thác, thương mại hóa”, ông Nguyễn Tiến Đạt nêu.

Vẫn nhức nhối vai trò “nhạc trưởng”

Giá máy bay là chủ đề “nóng” từ đầu năm 2024, đặc biệt là từ đầu tháng 3. Sau nhiều nỗ lực điều chỉnh từ các bên liên quan, giá vé trong tháng 6 giảm nhẹ, nhưng mức giá này không được duy trì lâu. Ông Nguyễn Tiến Đạt nhấn mạnh, giá vé máy bay cao gây ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch, bao gồm cả doanh nghiệp, địa phương và người dân. Nhiều du khách vì nút thắt giá vé máy bay mà chuyển qua du lịch đường sắt, đường bộ, thậm chí là tự túc.

Bà Tô Linh Đa, Giám đốc hợp tác của Image Travel & Events cho rằng, các hãng hàng không cắt giảm số lượng chuyến bay nhưng nhu cầu đi lại tăng, giá nhiên liệu, chi phí bảo dưỡng sửa chữa máy bay tăng… khiến giá vé tăng cao. “Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định lựa chọn địa điểm du lịch của du khách. Nhiều doanh nghiệp và du khách ưu tiên lựa chọn các điểm đến gần, dễ di chuyển bằng đường bộ như: Vĩnh Hy, Mũi Né, Cam Ranh, Nha Trang, Đà Lạt, Đắk Lắk, Đắk Nông… và các điểm đến có tuyến cao tốc mới, thuận tiện di chuyển bằng ôtô”, bà Tô Linh Đa nêu.

Các chuyên gia đề xuất, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về phát triển đội bay, quản lý giờ cất, hạ cánh,… Bà Lương Thị Hoàng Lan, Giám đốc kinh doanh khối Du lịch nghỉ dưỡng (Sun Group) cho rằng, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cần nêu cao vai trò “nhạc trưởng” để triển khai chiến dịch quảng bá đến các thị trường quốc tế trọng điểm và tiềm năng, cần giải pháp mở thêm đường bay quốc tế đến với các điểm đến quan trọng của Việt Nam như Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Nha Trang…. nhằm đa dạng hóa và gia tăng thị trường khách mới. “Khi có sự liên kết hiệu quả giữa địa phương, du lịch và hàng không, lợi ích mang lại không chỉ là sự tăng trưởng về lượng khách, doanh thu cho các bên mà xa hơn là tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững”, chuyên gia nhận định.

Tại hội thảo Hàng không - Du lịch bắt tay liên kết phát triển bền vững, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) khẳng định, giá vé máy bay tăng cao không chỉ ảnh hưởng tới du lịch mà còn tác động đến sinh kế của người dân địa phương. Giá vé máy bay trong nước chỉ thấp hơn một chút so với giá vé đi các nước trong khu vực. Nhiều gia đình Việt vì thế chọn du lịch nước ngoài khiến du lịch nội địa khó phát triển.

Trong bối cảnh vé máy bay tăng vọt giữa cao điểm hè, đại diện tập đoàn Sun Group kiến nghị địa phương, hãng hàng không và các bên làm dịch vụ du lịch phải có kế hoạch hợp tác trên cơ sở chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giữa các bên. Hàng không, du lịch đưa ra chính sách giá tốt. Các điểm đến cũng nên có ưu đãi về nghỉ dưỡng, vận chuyển, nhà hàng… Các gói sản phẩm nghỉ dưỡng chất lượng với mức giá ưu đãi bao gồm cả vé máy bay, phòng khách sạn và tua du lịch là giải pháp chia sẻ lợi ích, góp phần ổn định về lượng khách dịp hè.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu, các hãng hàng không làm việc với các đối tác cho thuê máy bay trên thế giới để tìm kiếm máy bay, bổ sung lực lượng vận tải, đồng thời tăng tải cung ứng trên các đường bay nội địa, các đường bay phục vụ du lịch. Các hãng cần xây dựng các dải giá vé linh hoạt, và có chính sách ưu đãi về giá vé trên đường bay nội địa.


Theo Gia Linh - Ngọc Ánh

Tiền phong

Trở lên trên